Công nghệ in ấn ở Việt Nam Phương pháp in bằng bản khắc gỗ xuất hiện và phổ biến tại Trung Quốc rất sớm. Tại Việt Nam vào thế kỷ XII, XIII đã có việc khắc in sách kinh Phật và văn bản nhà nước. Đời vua Trần Anh Tông (1276-1320) đã in sách để truyền bá kinh và văn bản quản lý. Năm 1400 - 1401, đời vua Hồ Quý Ly đã in tiền giấy. Tuy nhiên việc in đến giữa thế kỷ 15 vẫn chỉ là công việc trong khu vực truyền bá kinh Phật và quản lý nhà nước, chưa là một ngành nghề kỹ thuật - kinh doanh.
Thám hoa Lương Như Hộc (1420-1501) là một vị quan nhà Lê sơ, hai lần đi sứ sang Trung Quốc vào các năm 1443 và 1459, đã tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật in bản gỗ, truyền cho dân làng Liễu Tràng và Hồng Lục (có tài liệu ghi nhận cả làng Khuê Liễu) ở quê ông (thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương ngày nay). Từ đó in ấn là một nghề dần được phổ biến trong hoạt động kinh tế tại Việt Nam. Tại làng Liễu Tràng có đền thờ thành hoàng Lương Như Hộc - người được coi ông tổ nghề khắc ván in tại Việt Nam, cũng được coi là người khai sinh ngành in ở Việt Nam. Nhiều bộ sách in bản khắc gỗ được thực hiện tại Liễu Tràng - Hồng Lục trong các thế kỷ sau đó. Năm 1697 sách “Đại Việt sử ký toàn thư” bản trọn vẹn được in tại đây.
Cũng vào giữa thế kỷ XV, tại Châu Âu đã xuất hiện phương pháp in bằng chữ kim loại và máy in. Trong khi đó ở Việt Nam phương pháp in ấn vẫn là bản khắc gỗ. Từ khi Pháp xâm chiếm và biến Việt Nam thành thuộc địa, các nhà máy in xuất hiện tại Việt Nam với công nghệ in typo. Đây là phương pháp in cao (Trong khuôn in các phần tử in (hình ảnh, chữ viết) là phần nổi, nằm cao hơn phần không in). Mực in được chà lên các phần nổi này, thấm vào giấy hoặc vật liệu khác. Khuôn in typo được chế tạo từ kim loại (chì) bằng phương pháp ăn mòn a xít. Các chữ viết được đúc thành các con chữ riêng lẻ, sau đó được sắp lại bằng tay thành từng bộ khuôn của từng trang in (công đoạn sắp chữ).
Song song với công nghệ in typo tại các nhà máy in công nghiệp là nơi in sách báo, tài liệu, kỹ thuật in bản khắc gỗ và in lưới thủ công vẫn được áp dụng tại các làng nghề, phục vụ cho các nhu cầu in các sản phẩm văn hóa và tiêu dùng của nhân dân.
Khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, công nhân yêu nước đã chuyển lên chiến khu các máy in typo. Các xưởng in typo đã phục vụ trong thời gian kháng chiến để in báo, sách, tài liệu.
Trong phần lớn thời gian của thế kỷ XX, in typo là công nghệ in phổ biến nhất tại Việt Nam. Nó cho phép có thể in quy mô công nghiệp, tuy nhiên tốn nhiều nhân lực, khâu chuẩn bị chậm, vật liệu độc hại với môi trường và ảnh hưởng xấu sức khỏe công nhân. Chất lượng in ở Việt Nam giai đoạn này kém xa so với các nước phát triển (kể cả in phẩm, in bao bì và in các sản phẩm thương mại). Từ những thập niên cuối thế kỷ XX ngành in tại Việt Nam là một trong những ngành có tốc độ phát triển mạnh mẽ nhất. Các động lực thúc đẩy sự phát triển của in tại Việt Nam là: - Thị trường in gia tăng rất nhanh, chủ yếu do nhu cầu của phát triển in bao bì, in sách. Các nhu cần về sản phẩm in thương mại (tờ rơi, trang trí, vật phẩm văn hóa…) phong phú gấp bội so với trước. - Công nghệ in của thế giới phát triển vượt bậc và dễ dàng phổ cập vào Việt Nam. - Từ đầu thế kỷ XXI, các thay đổi về thể chế quản lý đối với doanh nghiệp tạo cú hích mạnh mẽ để các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tham gia vào công nghiệp in, thu hút được nguồn lực tài chính lớn từ xã hội để đổi mới công nghệ và gia tăng quy mô sản xuất. Các doanh nghiệp nhà nước về in không còn chiếm tỷ trọng lớn trong sản lượng in vì thiên về sản phẩm truyền thống, không theo kịp sự biến đổi của cơ cấu mặt hàng trong ngành in.
Sau khi Luật Doanh nghiệp được thông qua (2005), số lượng các doanh nghiệp in ở Việt Nam lên đến hàng ngàn. Số lao động làm việc trong ngành in thời điểm cuối thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI vượt quá sáu vạn người. Trong nhiều năm sản lượng in tăng liên tục ở mức 5 - 7%, doanh thu tăng trên 10% hàng năm, có những năm tăng tới 15% trở lên. Các trung tâm in lớn nhất của Việt Nam là Thành phố Hồ Chí Minh (luôn chiếm trên 50% sản lượng in cả nước, đặc biệt có thế mạnh về in bao bì. Tại TP HCM, thời điểm 2018, ngành đóng gói và in chiếm 60% - 65% thị phần toàn ngành, với tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 15% và Hà Nội (chiếm gần 20% sản lượng in).
Riêng về công nghệ in đã có những thay đổi triệt để. In typo dần bị loại bỏ, thay thế bằng các công nghệ in tiên tiến, các loại hình kỹ thuật in phong phú, có thể đáp ứng cả nhu cầu sản phẩm in số lượng lớn và các sản phẩm cao cấp, các đơn hàng nhỏ, đơn chiếc, phục vụ mọi nhu cầu riêng rẽ khác nhau.
Công nghệ in tại Việt Nam hiện nay bao gồm các loại hình thuộc cả ba loại phương pháp in ấn: - Các phương pháp dùng bản in (Còn gọi là phương pháp truyền thống, nhưng nên hiểu khái niệm này theo nghĩa nguyên tắc kỹ thuật, hoàn toàn không có nghĩa là các phương pháp này là cũ): Bản in là vật thể trung gian chứa đựng thông tin như chữ viết, hình ảnh. Trong quá trình in các thông tin đó được tái lập trên vật liệu in. Sau khi phương pháp in typo bị loại bỏ, các phương pháp in dùng bản in chủ yếu là: in offset, in ống đồng, in Flexo, in lưới. - Các phương pháp không dùng bản in (NIP: Non - impact printing): Dựa trên kỹ thuật số. Từ các thông tin ban đầu được xử lý trên máy tính và in trực tiếp sang vật liệu in mà không qua vật thể trung gian. Hai phương pháp in thông dụng của kỹ thuật này là phương pháp in tĩnh điện (còn gọi là in laser) và phương pháp in phun kỹ thuật số. - Các phương pháp in đặc biệt: In trên các vật liệu không truyền thống, in sản phẩm rất đặc biệt như tiền và các loại giấy tờ có tầm quan trọng hoặc giá trị cao.
Tuy nhiên ở mỗi loại phương pháp đều có những thay đổi rất lớn về trang thiết bị, trình độ công nghệ. Kỹ thuật số thâm nhập vào công nghệ in và là xu thế phát triển của công nghệ in hiện nay. Kể cả ở các phương pháp in truyền thống kỹ thuật số khiến nhiều khâu (như chế bản) chính xác, dễ dàng và nhanh hơn rất nhiều.
Trong thời kỳ cuối thế kỷ XX và hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, các công nghệ in chủ yếu tại Việt Nam:
- In offset (Bản in không ép trực tiếp lên giấy hay vật liệu in khác mà sẽ được ép lên bề mặt tấm cao su, sau đó tấm cao su này ép lên bề mặt vật liệu in). Đây là công nghệ in được đầu tư và sử dụng phổ biến nhất. Công nghệ này cho sản phẩm chất lượng cao, trên nhiều vật liệu in khác nhau, khâu chế bản nhanh, bản in có thể sử dụng nhiều lần.
- In Flexo (Bản in bằng nhựa photopolymer, chế bản bằng phương pháp quang hóa, truyền dữ liệu số từ máy tính hoặc khắc laser, sau đó được gắn lên trục in anilox). In Flexo có thể thực hiện với nhiều loại giấy khác nhau, tốc độ in rất cao. Tuy nhiên việc chế bản khá tốn kém nên chỉ phù hợp với việc in đơn hàng số lượng lớn.
- In ống đồng (Còn được gọi là in lõm hay in thấp. Trên khuôn in hình ảnh hay chữ viết được khắc lõm vào ống đồng hoặc ống kim loại khác. Phần phẳng của ống là phần không in). In ống đồng có thể cho chất lượng cao hơn in offset. Ngoài in lên giấy, công nghệ này thích hợp để in lên vật liệu nhựa, màng kim loại. Tuy nhiên trục in (ống) giá thành cao nên thường sử dụng phương pháp này để in số lượng nhiều thành phẩm cùng bản in. Cùng với in offset, in ống đồng là công nghệ in được đầu tư phổ biến nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm cuối thập kỷ 2010 -2020.
- In lưới (trước đây gọi là in lụa): Phương pháp in có từ lâu đời. Hiện nay có thể làm thủ công hoặc bằng máy cơ khí. Dù là phương pháp cũ, không thể thực hiện ở quy mô công nghiệp, phương pháp in lưới vẫn tồn tại ở Việt Nam do nhu cầu in các vật phẩm có tính thẩm mỹ và tính truyền thống.
- In kỹ thuật số (In phun: Hình ảnh từ file thiết kế được máy tính phân tích, tự động pha mực và đầu phun của máy in phun mực ngay lập tức trực tiếp truyền mực lên bề mặt cần in; In laser: Tia laser được quét lên trống cảm quang qua gương đa giác quay liên tục. Tia laser lần lượt quét lên bề mặt trống. cường độ tia laser mạnh yếu tùy thuộc vào độ đậm nhạt của điểm ảnh. Tại những vị trí khác nhau trên trống cảm quang sẽ có điện trở khác nhau. Khi lăn qua dây tích điện sẽ có điện tích khác nhau và hút mực nhiều hay ít tùy thuộc và điểm tích điện khi trống lăn qua hộp mực và tạo lên hình ảnh cần in) Mặt rất ưu việt của in kỹ thuật số là phù hợp với mọi quy mô in ấn vì không phải chế bản in và dữ liệu có thể biến đổi vào thời điểm bất kỳ.
Cuối thập kỷ 2010 - 2020 tại Việt Nam việc đầu tư vào trang thiết bị in offset và in ống đồng dù vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng có dấu hiệu chững lại. Đầu tư cho in kỹ thuật số và in Flexo có chiều hướng tăng lên.
Tuy nhiên, máy in kỹ thuật số công suất lớn có giá thành cao và đòi hỏi trình độ vận hành đáp ứng yêu cầu hiện đại, vì vậy việc đầu tư cho in kỹ thuật số ở quy mô công nghiệp vẫn còn là thách thức đối với doanh nghiệp in ấn Việt Nam. Những doanh nghiệp in lớn, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đầu tư mạnh mẽ để thay đổi trang thiết bị. Trong khi đó các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính nhỏ chủ yếu tận dụng các thiết bị thế hệ cũ để hoạt động.
Mặt khác, các máy in kỹ thuật số dân dụng, cỡ nhỏ (dùng ở văn phòng, phục vụ làm việc tại nhà, kinh doanh dịch vụ…) rất phổ biến tại Việt Nam và hầu như không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
Thị trường in tại Việt Nam được đánh giá là rất có tiềm năng. Nguyên nhân là tăng trưởng kinh tế - xã hội đang diễn ra với tốc độ cao. Cùng với sự phát triển của Internet, báo điện tử, thư viện điện tử, quản lý số, có thể nhu cầu về in ấn phẩm sách, báo, tài liệu…sẽ bị biến động theo chiều hướng giảm cầu, nhưng bù lại, sụ phát triển sản xuất hàng hóa, sự phổ cập nếp sinh hoạt đô thị lại làm tăng cầu về in ấn bao bì và các vật dụng. Đặc biệt ngành bao bì tại Việt Nam có nhu cầu về dịch vụ in ngày càng nhiều về số lượng và ngày càng cao về chất lượng. Các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà cung cấp trang thiết bị và công nghệ in quốc tế rất quan tâm đến thị trường in của Việt Nam. Hàng năm thường xuyên có triển lãm, hội thảo quốc tế về công nghệ in được tổ chức tại Việt Nam. Các doanh nghiệp in có vốn nước ngoài để có lợi thế cạnh tranh đầu tư công nghệ in hiện đại. Vì vậy việc cập nhật công nghệ in mới nhất vào Việt Nam diễn ra nhanh. Có thể nói từ cuối thế kỷ XX, trong ngành in tại Việt Nam đã và đang diễn ra cuộc cách mạng về công nghệ.
Công nghệ in Việt Nam hiện đại hóa nhanh, thúc đẩy sự phát triển của ngành in ấn tại Việt Nam, đem lại những lợi ích kinh tế - xã hội lớn:
- Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về báo chí, ấn phẩm, các văn hóa phẩm, hỗ trợ công nghiệp giải trí, tổ chức sự kiện…
- Cùng với ngành sản xuất bao bì hợp thành hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh không thể tách rời.
- Là ngành thu hút hàng vạn lao động, là một trong những ngành kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo[sửa]
1. Báo cáo hoạt động theo các năm của Hiệp Hội in Việt Nam (VPA) 2.[[1]] 3.[[2]] 4.[[3]] 5.[[4]] 6.[[5]] 7.[[6]] 8.[[7]] 9.[[8]] 10.https://www.bbpress.co.uk/news/what-are-the-different-printing-methods-available