Công kích giai đoạn quyết định nhất của hành động tiến công, được thực hiện bằng vận động nhanh tiếp cận mục tiêu của phân đội, binh đội, binh đoàn lục quân và từng chiếc (biên đội, phi đội…) máy bay chiến đấu (trực thăng), tàu chiến kết hợp với hỏa lực mãnh liệt nhằm nhanh chóng tiêu diệt quân địch.
Bản chất của Công kích là hành động tiến công với tốc độ cao, trong giai đoạn quyết định của tác chiến tiến công, bằng sức mạnh của binh chủng hợp thành (bộ binh, bộ binh cơ giới; xe tăng) hoặc Công kích của Không quân, Hải quân. Có thể Công kích vào một mục tiêu trọng điểm hoặc một số mục tiêu, khu vực, địa bàn trọng điểm, bằng cách thức Công kích liên tục hoặc luân phiên để tiêu diệt mục tiêu theo kế hoạch tác chiến đề ra.
Phân loại Công kích: Theo thời gian có: Công kích ban ngày và ban đêm; theo hướng tiến công có: hướng Công kích chính diện, bên sườn, sau lưng hoặc từ trên xuống, dưới lên (không quân); theo lực lượng có: Công kích của lục quân (bộ binh bộ binh cơ giới, xe tăng), Công kích của Không quân và Hải quân; theo môi trường có: Công kích trên mặt đất, trên không và trên biển; theo cách thức có: Công kích liên tục, luân phiên, trọng điểm.
Công kích của bộ binh, bộ binh cơ giới do các phân đội, binh đội, binh đoàn, tiến hành bằng tiến công bộ (đi bộ) hoặc ngồi trên xe chiến đấu bộ binh (xe thiết giáp), cùng với xe tăng, được pháo binh, không quân chi viện; Công kích bằng tiến công bộ thường vận dụng khi đột phá phòng ngự có chuẩn bị của địch và địa hình cản trở sử dụng cơ giới, trong quá trình Công kích có thể diễn ra đánh giáp lá cà.
Công kích của xe tăng do phân đội, binh đội (binh đoàn) xe tăng tiến hành, có thể có sự tham gia của các phân đội bộ binh cơ giới, được pháo binh, không quân chi viện, xe tăng được vận động với tốc độ cao nhất trong điều kiện địa hình cho phép, thực hành hỏa lực trong hành tiến tiêu diệt mục tiêu.
Công kích trên không (không quân) do phân đội, biên đội, phi đội hoặc từng chiếc máy bay chiến đấu (trực thăng) tiến hành bằng cách tiếp cận mục tiêu trên không, từ hướng có lợi để tiêu diệt mục tiêu. Khi Công kích mục tiêu mặt đất, mặt nước, máy bay theo hướng đã xác định, bất ngờ tiến hành hỏa lực tiêu diệt mục tiêu.
Công kích trên biển (hải quân) do từng chiếc tàu ngầm, tàu mặt nước hoặc tổ (cụm) tàu hỏa lực tiến hành, bao gồm cơ động tiếp cận mục tiêu, chiếm lĩnh vị trí (tuyến) hỏa lực có lợi, tiến hành hoả lực tiêu diệt mục tiêu, sau đó cơ động chiếm lĩnh vị trí (tuyến) mới tiếp tục đánh mục tiêu đã Công kích hoặc vào mục tiêu khác. Mục tiêu Công kích trên biển có thể là tàu ngầm, tàu mặt nước, tàu vận tải của đối phương.
Công kích liên tục được tiến hành mãnh liệt, không gián đoạn, không cho địch có thời gian củng cố thế trận, ổn định tình hình và tổ chức lại lực lượng đánh trả; Công kích luân phiên được tiến hành bằng tổ chức Công kích nhiều đợt, lần lượt công kích mục tiêu cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ.
Công kích trọng điểm, được tiến hành bằng cách tập trung lực lượng, hỏa lực Công kích vào một bộ phận, mục tiêu, khu vực, địa bàn quan trọng nhất của địch, nhanh chóng tiêu diệt mục tiêu hoặc chiếm giữ địa hình có lợi, tạo điều kiện phát triển tiến công. (750 chữ)
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Quốc phòng, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Bộ Quốc phòng, Điều lệnh tác chiến Quân đội nhân dân VIệt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.
- Bộ Quốc phòng, Điều lệnh tác chiến chiến dịch Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2019.
- Bộ Quốc phòng, Từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
- Học Viện Quốc phòng, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Hà Nội, 2021.