Mục từ này cần được bình duyệt
Công chúng báo chí

Công chúng báo chí (tiếng Anh: audience)khái niệm chung chỉ những nhóm dân cư trong xã hội tiếp nhận thông tin từ các sản phẩm báo chí. Đối với các loại hình phương tiện báo chí khác nhau cũng có những thuật ngữ riêng để chỉ công chúng của loại hình báo chí đó, như: Bạn đọc hay độc giả đối với báo in, tạp chí, báo điện tử; bạn nghe đài hay thính giả đối với đài phát thanh, bạn xem truyền hình hay khán, thính giả đối với truyền hình.

Công chúng và báo chí có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó không thể tách rời nhau. Trước hết, báo chí là phương tiện cung cấp thông tin, đáp ứng các nhu cầu nhận thức, văn hóa, giao tiếp, giải trí và một số nhu cầu riêng biệt khác của công chúng. Nhờ có báo chí mà người dân nắm bắt kịp thời những vấn đề, sự kiện xảy ra quanh mình, mở mang hiểu biết, không ngừng cập nhật những kiến thức, kinh nghiệm mới, nâng cao nhận thức về xã hội, nhận thức về thế giới, ngày càng cải thiện toàn diện hơn cuộc sống của của mình. Về khía cạnh này, người ta đã so sánh báo chí như “nhà hát rộng mở”, “trường học không hạn chế”... Và do đó, báo chí trở thành một công cụ, một động lực thúc đẩy quá trình phát triển của các cộng đồng dân cư - các nhóm công chúng nói riêng, cũng như sự vận động đi lên không ngừng của xã hội. Mặt khác, báo chí còn là một công cụ chính trị quan trọng, quyền lực xã hội to lớn. Nhờ tính chất tác động nhanh chóng, rộng rãi và sức cuốn hút trong xã hội, báo chí trở thành người dẫn đường, định hướng và thúc đẩy lối sống, xu hướng tiêu dùng của dân cư. Một kiểu tóc, mốt quần áo hay một lối ăn uống, tiêu dùng của một nhân vật nổi tiếng có thể khiến một bộ phận dân cư trong xã hội chạy theo. Đó cũng chính là thời cơ cho các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Báo chí cũng có thể thông qua nội dung và cách thức thông tin để tác động vào người dân, tạo dựng dư luận xã hội, dẫn dắt và thúc đẩy hành vi xã hội theo hướng có lợi. Với ý nghĩa ấy, V.I. Lê nin đã nhấn mạnh vai trò to lớn của báo chí “là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể”. Lịch sử quá trình phát triển của báo chí thế giới.

Tuy nhiên, công chúng không chỉ là đối tượng thụ hưởng, tiếp nhận thụ động từ báo chí. Ngược lại, chính công chúng là lý do tồn tại của báo chí, là yếu tố quyết định đối với sự phát triển của báo chí. Vai trò to lớn ấy của công chúng đối với báo chí được quy định khách quan bởi các lý do sau: Thứ nhất, hoạt động của dân cư, bao gồm từ lao động, sản xuất, buôn bán, học tập, giao lưu, sáng tạo văn học, nghệ thuật, giao tiếp xã hội, đến việc chinh phục thiên nhiên, đấu tranh chính trị, xung đột vũ trang, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, v.v. chính là nguồn tin chủ yếu, quyết định của báo chí. Nói cho cùng, ngay cả thông tin về những hiện tượng tự nhiên dễ thấy như gió, mưa, sấm, chớp, bão tố, động đất, núi lửa... đến những hiện tượng trong không gian vũ trụ xa xôi, cũng chỉ được biết đến thông qua sự nhận thức của con người. Toàn bộ nội dung của báo chí không có gì khác ngoài những thông tin phản ánh từ hoạt động sống của con người. Thứ hai, xã hội càng phát triển thì nhu cầu của công chúng đối với báo chí cũng ngày càng mở rộng, phong phú, đa dạng, các yêu cầu về thông tin cũng ngày càng mới mẻ, phức tạp và hiện đại hơn. Đến lượt nó, sự mở rộng nhu cầu, yêu cầu của công chúng đối với báo chí là động lực thúc đẩy báo chí phát triển cả về kỹ thuật, công nghệ, chủng loại, số lượng sản phẩm, phương thức phát hành, đến dung lượng thông tin, mức độ cập nhật, phương pháp biên tập, cách thức giao tiếp với công chúng. Thứ ba, báo chí không thể phát triển được nếu không có nguồn lực tài chính. Không ai khác, chính công chúng bảo đảm nguồn thu cho các cơ quan báo chí một cách trực tiếp thông việc bán các sản phẩm, dịch vụ báo chí, và gián tiếp thông qua quảng cáo cùng các hình thức tài trợ khác nhau. Với xu hướng xuất bản, phát hành trên môi trường mạng ngày càng phổ biến, nguồn thu của báo chí ngày nay càng phụ thuộc hơn vào quảng cáo. Trong khi đó, số lượng người truy cập, theo dõi thường xuyên các sản phẩm báo chí trên mạng là cơ sở quyết định để các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ bỏ tiển ra quảng cáo. Như vậy, ngay cả khi các tổ chức báo chí thu tiền quảng cáo từ các doanh nghiệp thì về bản chất, tiền ấy cũng do công chúng quyết định.

Mối quan hệ giữa báo chí và công chúng cũng không ngừng vận động. Từ những thập niên đầu của thế kỷ XX trở về trước, đó là mối quan hệ một chiều thẳng đứng, trong đó báo chí độc quyền quy định nội dung, tính chất thông tin cung cấp cho công chúng. Nói cách khác, công chúng hoàn toàn bị động trong tiếp nhận thông tin, báo chí cung cấp gì thì công chúng tiếp nhận ấy mà không có khả năng thay đổi hay đòi hỏi. Sự hạn chế ấy bị quy định bởi trình độ công nghệ, khoảng cách địa lý và môi trường xã hội không cho phép thiết lập mối quan hệ ngược lại từ công chúng đến báo chí. Từ những năm giữa thế kỷ XX trở đi, do sự phát triển ngày càng nhanh chóng của khoa học và công nghệ, đời sống vật chất và văn hóa của người dân được nâng lên, môi trường xã hội ngày càng được cải thiện, cởi mở, quá trình toàn cầu hóa làm cho ảnh hưởng của báo chí và truyền thông mạnh mẽ, rộng lớn trên quy mô thế giới. Trong điều kiện ấy, mối quan hệ hai chiều giữa báo chí và công chúng ngày càng phát triển. Công chúng ngày càng thể hiện vai trò trong việc quy định nội dung, mô hình thông tin báo chí. Nhất là khi báo chí xuất bản trên môi trường mạng Internet, tương tác hai chiều giữa báo chí và công chúng càng trở nên chặt chẽ, trở thành yếu tố quy định đối với nội dung, phương pháp, cách thức biên tập và truyền tải thông tin của báo chí, cũng như những yêu cầu, đòi hỏi và cách thức của công chúng trong tiếp nhận, cảm thụ và truyền phát thông tin.

Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng phổ biến của mạng Internet, báo chí đa phương tiện trên môi trường mạng đã trở thành xu hướng không thể cưỡng lại. Cùng với đó, xu hướng báo chí công dân, xu hướng cá thể hóa báo chí, cũng ngày càng rõ ràng hơn hơn. Chính công chúng cũng trở thành người cung cấp thông tin, tham gia vào quy trình sản xuất báo chí như một nhà báo, một phóng viên. Mặt khác, các nhóm công chúng, thậm chí các cá nhân cư dân, cũng có điều kiện để thỏa mãn nhu cầu thông tin của riêng mình qua việc khai thác cũng như trực tiếp tham gia vào hệ thống báo chí mở.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. V.I. Lê nin: Về vấn đề báo chí, Nxb Sự thật, HN, 1979.
  2. Hồ Chí Minh Về báo chí (Tạ Ngọc Tấn tuyển chọn và giới thiệu), in lần thứ hai có bổ sung, Nxb CTQG, HN, 2004.
  3. Philippe Breton, Serge Proulx: Bùng nổ truyền thông, Nxb Văn hóa, HN, 1996.
  4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: 80 năm báo chí cách mạng Việt Nam – những bài học lịch sử và định hướng phát triển, Nxb CTQG, HN, 2005.
  5. GS.TS. Tạ Ngọc Tấn: Báo chí, truyền thông hiện đại: thực tiễn, vấn đề, nhận định, Nxb CTQG, HN, 2020.