Mục từ này cần được bình duyệt
Công báo nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Công báo nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 31 tháng 8 năm 1945, Bộ Nội vụ ban hành Nghị định về việc xuất bản tờ Việt Nam Dân quốc Công báo thay thế tờ Đông Dương quan báo của nhà cầm quyền thực dân. Ngày 29 tháng 9 năm 1945, Việt Nam Dân quốc Công báo ra số đầu tiên. Trong số này, ngoài các văn bản qui phạm pháp luật thông thường, báo đăng Bản tuyên cáo thoái vị của Vua Bảo Đại và Bản tuyên cáo ngày 28 tháng 8 năm 1945 về việc thành lập Chính phủ Lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thời gian đầu, Việt Nam dân quốcCông báo do Bộ Nội vụ quản lý, ra hằng tuần vào thứ Bảy. Báo in bằng giấy thông thường, khổ nhỏ, số trang không nhất định (từ mười sáu đến hai mươi tư trang). Tại trang nhất của số 1, trên đầu trang bên trái ghi Năm thứ 1, chính giữa là tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa/ Độc lập - Tự do- Hạnh phúc, bên phải là số và ngày ra báo. Phía dưới là tên Việt Nam dân quốc Công báo in đậm, chữ to. Bên dưới nữa là phần nội dung in kế tiếp nhau. Sau này, báo thêm Mục lục; địa chỉ giao dịch số 28, phố Tràng Tiền, Hà Nội; giá bán 1,8 đồng/số. Đặt mua dài hạn sáu tháng là 50 đồng, một năm là 90 đồng.

Măng sét Công báo nước CHXHCN Việt Nam (Ảnh HVQ) Năm 1947, Công báo chuyển lên Việt Bắc, phát hành hằng tháng. Vì lý do thời chiến, từ thời điểm này báo chỉ trích đăng những điểm thiết yếu của các văn bản nhà nước, không đăng nguyên văn như trước. Các nội dung đăng tải cũng phong phú và thiết thực hơn. Đối tượng phát hành là các cơ quan, công sở và người dân. Ngày 10.7.1950, tại chiến khu Việt Bắc, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký Nghị định số 31/TTg đổi tên Việt Nam Dân quốc Công báo thành Công báo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trực thuộc Thủ tướng Chính phủ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Công báo thời kỳ này tập trung phục vụ công cuộc hồi phục kinh tế, xây dựng XHCN ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để phát huy tốt vai trò Công báo, ngày 24 tháng 4 năm 1959, Thứ trưởng Phủ Thủ tướng Phạm Văn Bạch ký Thông tư số 1771-PC về việc đăng Công báo và sử dụng Công báo. Thông tư xác định rõ các nội dung được đăng và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khi cung cấp thông tin cho Công báo. Theo Thông tư này, Công báo được coi là “Tài sản quốc gia”, các cơ quan nhà nước, công sở phải có trách nhiệm gìn giữ, phổ biến. Tuy nhiên, vì nhiều lí do, số lượng văn bản nhà nước đăng trên Công báo thời gian này không nhiều, chưa được hệ thống hóa, hầu như không phổ biến rộng rãi trong dân chúng, còn nhiều sơ hở, dễ bị kẻ thù lợi dụng. Để khắc phục tình trạng này, ngày 30 tháng 4 năm 1965, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng ban hành Thông tư số 44-TTg-PC quy định xuất bản thêm Phụ lục Công báo và Công báo xuất bản cho cấp xã. Phụ lụcCông báo chỉ lưu hành trong các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước, là sự bổ sung, chi tiết hóa Công báo. Đến năm 1989, Phụ lục Công báo chấm dứt hoạt động.

Ngoài ra, để phù hợp với các đơn vị hành chính cấp cơ sở, ngày 03.7.1972, Thủ tướng Chính phủ ký Thông tư số 191-TTg về việc xuất bản tờ Công báo cho cấp xã. Công báo xã phát hành ba tháng một kỳ, tập trung vào những nội dung phù hợp với cấp cơ sở. Trong hai mươi mốt năm hoạt động (1972-1992), Công báo xã đã xuất bản được tám mươi tư số, với hàng triệu bản in, phổ biến tới tất cả các xã trong cả nước.

Ngày 01 tháng 7 năm 1976, Văn phòng Phủ Thủ tướng ra Thông báo thay tên Công báo nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bằng Công báo nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Số đầu tiên của Công báo tên mới xuất bản ngày 31.7.1976. Tính từ thời điểm này đến hết năm 1985, Công báo chỉ đăng tải được một nghìn hai trăm năm mươi chín trong tổng số bảy nghìn bốn trăm tám mươi tám văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành, chiếm 16,81%. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (Từ ngày 15 đến ngày 18.02.1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Ngày 28 tháng 12 năm 1992, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 200/TTg về việc xuất bản và phát hành Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nội dung chính của Công báo lúc này là phổ cập các văn bản pháp luật, hướng dẫn các cơ quan, đoàn thể, tổ chức kinh tế xã hội thực thi và chấp hành pháp luật, tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân, góp phần ổn định chính trị xã hội, phát triển đất nước. Giờ đây đối tượng phát hành của Công báo được mở rộng cho cả các cá nhân, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam. Tùy theo từng giai đoạn lịch sử, điều kiện của đất nước, Công báo có sự điều chỉnh về công nghệ in, số trang. Việc trình bày cũng được cải tiến. Bìa in màu, có hình Quốc huy hết sức trang trọng. Số lượng in cũng tăng lên không ngừng. Từ chỗ vài nghìn bản mỗi số, đến năm 2000 đã tăng lên hơn bốn vạn bản/số. Trong đó có hàng vạn bản phát không cho các địa phương khó khăn, vùng sâu vùng xa, miền núi hải đảo.

Những năm gần đây, thực hiện chủ trương số hóa, bên cạnh bản in giấy, Công báo chủ yếu được phát hành qua Cổng Thông tin Chính phủ nên diện phát hành được mở rộng tối đa.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Việt Nam dân quốc Công báo 1945-1947, Thư viện Quốc gia Hà Nội, mã EV0001.
  2. Công báo Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1976-1990, Thư viện Quốc gia Hà Nội, mã EV0001
  3. Lịch sử Công báo Việt Nam, Công báo điện tử tỉnh Đắk Lắk ngày 24.7.2019.