Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cô lập xã hội

Cô lập xã hội (hay Cách ly xã hội) là sự phản ánh khách quan và có thể định lượng được về việc thiếu, giảm hay mất đi các mạng lưới và tiếp xúc xã hội.

Cô lập xã hội như một sự cô đơn, là nỗi đau kéo dài không thể thay đổi, tuy nhiên, cô lập xã hội và sự cô đơn không có nghĩa giống nhau. Cô lập xã hội là một trạng thái khách quan được xác định theo số lượng người mà cá nhân liên lạc, trong khi đó, cô đơn là một kinh nghiệm chủ quan, là trạng thái cảm xúc được cảm nhận bởi sự không hài lòng của cá nhân với các kết nối xã hội của họ. Do đó, một người đang trong trạng thái cô lập xã hội không có nghĩa là họ đang trong tình trạng cô đơn, đặc biệt là khi sự cô lập xã hội là tự nguyện. Ngoài ra, sự cô đơn cũng có thể là tạm thời, trong khi sự cô lập xã hội có thể kéo dài bất cứ nơi nào từ vài tuần đến vài năm.

Phân loại[sửa]

Nghiên cứu hiện nay tập trung nghiên cứu sự cô lập xã hội gồm hai cấu trúc riêng biệt: cô lập xã hội khách quan và cô lập xã hội chủ quan.

Cô lập xã hội khách quan[sửa]

Sự cô lập xã hội khách quan thể hiện các khía cạnh vật lý của sự cô lập xã hội với sự xa cách về thể chất và sự vắng mặt/thiếu vắng tương tác với những người khác. Các thang đo về sự cô lập xã hội khách quan thường bao gồm các đánh giá về quy mô mạng xã hội của một người, tần suất tương tác với các thành viên mạng xã hội và sự tham gia vào các nhóm, hoạt động tình nguyện hoặc các hoạt động/sự kiện xã hội khác.

Cô lập xã hội chủ quan[sửa]

Sự cô lập xã hội chủ quan được định nghĩa là nhận thức và chất lượng mối quan hệ của cá nhân với các thành viên trong mạng xã hội của họ, cũng như nhận thức được sự hòa nhập và tham gia vào các mạng xã hội. Các nghiên cứu về sự cô lập xã hội chủ quan bao gồm các cấu trúc của sự cô đơn, sự gần gũi chủ quan với bạn bè và các thành viên trong gia đình, sự hiện diện của bạn tâm giao và sự hỗ trợ xã hội từ các thành viên trong mạng xã hội

Sự cô lập khách quan và cô lập chủ quan, mặc dù thường xuyên có tương quan với nhau, nhưng không cùng cấu trúc. Những cá nhân trải qua sự cô lập xã hội khách quan (ví dụ: không thường xuyên tiếp xúc với các thành viên của mạng lưới xã hội), có thể/hoặc không bị cô lập một cách chủ quan (ví dụ: cảm thấy xa cách với các thành viên mạng lưới xã hội).

Biểu hiện[sửa]

Không có liên hệ hàng ngày với mọi người, liên hệ hàng tuần ít, sống một mình, không kết hôn, không có con, không có người đồng hành, không có bạn tâm giao. Tần suất mà khách thể tâm sự với các thành viên trong gia đình, tâm sự với bạn bè, tâm sự với vợ/chồng, dựa vào các thành viên trong gia đình, dựa vào bạn bè, dựa vào vợ/chồng, sự đồng hành, cảm thấy bị bỏ rơi và cảm thấy bị cô lập với những người khác. Không kết hôn/không sống cùng người khác; không có liên hệ hàng tháng (bao gồm trực tiếp, gọi điện hoặc viết thư, email) với con cái, các thành viên khác trong gia đình, bạn bè; không tham gia bất kỳ một tổ chức nào như các câu lạc bộ xã hội, nhóm dân cư, nhóm tôn giáo…

Thang đo[sửa]

Sự cô lập xã hội khách quan được đo lường bằng thang đo mức độ mất kết nối xã hội như quy mô mạng lưới xã hội, phạm vi mạng xã hội, tần suất liên lạc, số lượng bạn bè và giao tiếp xã hội với các thành viên gia đình và bạn bè; tần suất tiếp xúc với gia đình và bạn bè.

Một số thang đo sự cô lập xã hội chủ quan được sử dụng trong các nghiên cứu. Thang đo Nhận thức về sự cô lập, tần suất mà khách thể tâm sự/dựa vào các thành viên trong gia đình, bạn bè; sự kết hợp thang đo Nhận thức về sự cô đơn và sự hỗ trợ xã hội, mức độ gần gũi trong quan hệ với gia đình, bạn bè, các cộng đồng xã hội khác.

Nguyên nhân[sửa]

Các yếu tố góp phần tạo ra sự cô lập xã hội bao gồm các yếu tố cá nhân - nhân khẩu, các yếu tố tâm lý cá nhân và các yếu tố môi trường.

Những yếu tố cá nhân - nhân khẩu ảnh hưởng đến sự cô lập xã hội gồm: bị sa thải hoặc phải rời bỏ công việc theo thỏa thuận, mà không thể tìm được một công việc mới trong một thời gian dài; suy giảm nhận thức và khuyết tật phát sinh do tuổi tác; mất thính giác gây ra suy giảm giao tiếp, có thể dẫn đến sự cô lập xã hội đặc biệt ở người cao tuổi.

Những yếu tố tâm lý cá nhân ảnh hưởng đến sự cô lập xã hội gồm sự ám ảnh, trầm cảm, nỗi sợ hãi, sự tức giận, nhận thức xã hội, sự hợp tác, sự đồng cảm, sự từ chối và tình yêu, mong muốn tránh gặp phải những cảm xúc tiêu cực và chịu trách nhiệm phát sinh từ mọi người; xấu hổ vì khuyết tật hoặc các vấn đề sức khỏe, sợ rằng bị đánh giá hoặc bị kỳ thị; đau khổ do ly thân, ly dị với bạn đời/bạn đời chết.

Những yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sự cô lập xã hội gồm: điều kiện kinh tế xã hội thấp kém tại nơi cá nhân sinh sống, phương tiện giao thông không có/không thuận tiện để di chuyển để tham dự các cuộc họp mặt hoặc đơn giản chỉ là ra khỏi nhà; những thay đổi vai trò trong gia đình và công việc.

Tác động của sự cô đơn xã hội[sửa]

Đối với mọi lứa tuổi, sự cô lập xã hội có liên quan đến một loạt các vấn đề về sức khỏe và tâm lý. Sự cô lập xã hội làm gia tăng việc bị cảm lạnh thông thường đến khả năng sống sót sau thảm họa thiên nhiên. Một số học giả đã báo cáo mối liên hệ giữa tình trạng mối quan hệ xã hội hạn chế với sức khỏe và hạnh phúc tổng thể. Cô lập xã hội có liên quan đến việc gia tăng các triệu chứng gây nguy cơ dẫn đến bệnh tật và khuyết tật trong tương lai như đau khổ tâm lý hoặc cô đơn.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ em, việc thiếu tương tác với người chăm sóc đầu đời có thể dẫn đến chậm trễ trong sự phát triển nhận thức, cảm xúc xã hội, ngôn ngữ và vận động thô. Đối với những trẻ em bị cô lập xã hội, những tác động tiêu cực của sự cô lập xã hội có thể kéo dài suốt thời thơ ấu, dẫn đến những khó khăn ở tuổi vị thành niên và tuổi trưởng thành như trình độ học vấn, nghề nghiệp và sức khỏe tâm lý. Các em hiếm khi chủ động tiếp xúc với người khác hoặc đáp lại lời mời của người khác. Những đứa trẻ này có xu hướng bị bạn bè đồng trang lứa phớt lờ và bỏ mặc do thiếu sự nhanh nhẹn. Cô lập xã hội mang lại cảm giác cô đơn, sự cô lập, sự bất lực, những khó khăn xã hội và học đường, khiến lòng tự trọng của cá nhân thấp, tự đánh giá bản thân tiêu cực, làm gia tăng sự ngại ngùng và tức giận, làm giảm sự sáng tạo, có thể dẫn đến trầm cảm và một số hành vi phạm pháp, bạo lực.

Đối với người cao tuổi, cô lập xã hội là một mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe và hạnh phúc, làm tăng nguy cơ tử vong.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Pekovic, V., Seff, L., & Rothman, M., Planning for and responding to special needs of elders in natural disasters, Generations, 31 (4), 2007, 37 - 41.
  2. Holt-Lunstad, J., Smith, T., & Layton, B., Social relationships and mortality risk: A metaanalytic review, PLOS Medicine, 7 (7), e1000316. doi:10.1371/journal.pmed.1000316, 2010.
  3. Shankar A., McMunn A., Banks J., Steptoe A., Loneliness, social isolation, and behavioral and biological health indicators in older adults, Health Psychol, 30 (4), 2011, 377 - 385.
  4. Cacioppo, J. T., & Cacioppo, S., Social relationships and health: The toxic effects of perceived social isolation, Social and personality psychology compass, 8 (2), 2014, 58 - 72.
  5. Valtorta, N. K., Kanaan, M., Gilbody, S., & Hanratty, B., Loneliness, social isolation and social relationships: what are we measuring? A novel framework for classifying and comparing tools, BMJ open, 6 (4), 2016.
  6. Taylor, H. O., Taylor, R. J., Nguyen, A. W., & Chatters, L., Social isolation, depression, and psychological distress among older adults, Journal of aging and health, 30 (2), 2018, 229 - 246.