Cô gái Lucy là tên thường gọi hàng trăm mảnh xương hóa thạch của một người phụ nữ thuộc loài Australopithecus, được nhà cổ nhân học Donald Johanson phát hiện vào tháng 11.1974 tại điểm 162 gần làng Hadar, thung lũng Awash, phía bắc Etiopia. Bộ xương hóa thạch này có ký hiệu khoa học AL 288-1 trong bộ sưu tập Hadar hiện được bảo quản tại bảo tàng quốc gia Addia Ababa thuộc Etiopia.
Cô gái Lucy được phát hiện trong bối cảnh khi mà vào giữa thế kỷ XX các nhà khảo cổ và cổ nhân học đã tìm thấy hàng loạt các bằng chứng mới về nguồn gốc loài người ở vùng Đông Phi. Đầu tiên là những phát hiện của hai vợ chồng Leaky và các nhà khoa học Pháp ở Olduvai (Tanzanie) vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX; sau đó là các cuộc tìm kiếm của Glark Howell ở thung lũng Omo (Tanzanie), của Leaky ở Kôbifora (Kenya) và Lactoli (Tanzanie)...
Những phát hiện mới trên đây, dù có chỗ còn gây tranh luận, nhưng đã làm thay đổi căn bản các quan điểm trước đây cho rằng con người mới chỉ xuất hiện trên dưới một triệu năm cách ngày nay. Đồng thời cũng tạo nên một sự quan tâm lớn của các nhà nghiên cứu trên thế giới với vùng đất Đông Phi.
Năm 1973, đoàn khảo sát quốc tế đầu tiên do Maurice Taieb chỉ huy, trong đó có Donall Johanson tham gia đã khảo sát ở Hadar. Tại đây, họ đã tìm thấy một đoạn xương đùi và xương ống chân, có niên đại khoảng 4 triệu năm cách ngày nay.
Mùa điền dã thứ hai vào năm 1974 tại Hadar, phái đoàn đã phát hiện ba mảnh xương hàm của loài Hominid. Đến tháng 11.1974, gần kết thúc mùa điền dã thì Donall Johanson và Tom Grey đã phát hiện Cô gái Lucy. Họ đặt tên cho bộ xương là “Lucy” sau khi nghe ban nhạc Beatles hát ca khúc “Lucy trên bầu trời với những hạt kim cương” mà Donall rất yêu thích trên đài phát thanh địa phương. Phát hiện này là một khám phá làm kinh ngạc giới khoa học. Bởi vì, đây là bộ xương hóa thạch người cổ nhất được phát hiện còn tương đối hoàn chỉnh của một cơ thể đủ từ sọ đến tứ chi. Trước phát hiện này, nhiều khi toàn bộ loài được định tên và phân loại chỉ dựa trên những chiếc răng hay mảnh sọ đơn lẻ.
Lucy được miêu tả có chiều cao 1,1 mét (3 ft 7 in) và nặng khoảng 29 kg (64 lb), được các nhà khoa học xác định là giống cái do phần xương chậu lớn, cô vẫn có tay dài hơn so với chân nhưng không phải là dài như của một con tinh tinh. Lucy có hộp sọ nhỏ và cấu trúc khuôn mặt giống với loài khỉ đột, với những đặc điểm gần giống với hộp sọ của con người. Đặc điểm quan trọng nhất chính là cấu tạo của đầu gối và cột sống cong, mà từ đó các nhà khoa học kết luận Lucy có thể đi bằng 2 chân như con người.
Lucy được xác định niên đại bằng nhiều phương pháp khác nhau như địa tầng, xét nghiệm P/A, cổ sinh vật học...và dao động từ khoảng 3 đến 4 triệu năm trước. Từ đó niên đại 3,2 đến 3,5 triệu năm cách ngày nay được nhiều người thừa nhận.
Lucy trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới, và câu chuyện về việc khám phá và tái tạo lại Lucy được xuất bản thành một cuốn sách bởi Johanson. Từ năm 2007, các mẫu hóa thạch được lắp ráp hoàn chỉnh và được đưa đi khắp các thành phố tại Mỹ để người dân có thể được nhìn thấy hình hài của tổ tiên loài người. Cuộc triễn lãm này được gọi là Lucy’s Legacy: The Hidden Treasures of Ethiopia'. Năm 2013, Lucy được trao trả về Ethiopia và được lưu giữ tại bảo tàng Quốc gia Ethiopia.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Lucy cô gái 3.500.000 năm, Nguyễn Duy Hinh (lược dịch), Trong “Cái mới trong khoa học xã hội. Sử học, Khảo cổ học, Dân tộc học”, UBKHXH Việt Nam. Viện Thông tin KHXH, Hà Nội,1989.
- Nguyễn Đình Khoa, Nguồn gốc loài người trong tiến hóa, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
- Hán Văn Khẩn (Chủ biên), Cơ sở khảo cổ học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2011.
- Nguyễn Lân Cường, Nhân học hình thể, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2017.
- Donald Johanson et Maitlaind Edey: LUCY, une jeune femme de 3.500.000 ans. Traduit de l’américain par Odil de mange. Préface de Maurice Taieb. Editions Robert Laffont Paris, 1983 (Donald Johanson và Maitlaind Edey: LUCY, cô gái 3.500.000 năm, Robert Laffont xuất bản, Pari, 1983).