Cây nêu là loại cây thuộc họ tre, vầu, được dựng vào ngày giáp tết, gắn liền với tín ngưỡng của người Kinh và nhiều dân tộc thiểu số khác. Theo phong tục của người Kinh, cây nêu thường dựng vào vào ngày 23 tháng Chạp hoặc 30 Tết hàng năm. Nêu làm từ những đoạn tre, vầu có gốc to bằng cổ tay trẻ em, dài khoảng 5 – 6m đến 10 – 15m. Phần thân róc sạch cành lá, chỉ để lại tán nhỏ trên ngọn để treo thêm đồ cúng. Cây nêu được coi là cầu nối giữa trời và đất, là vật dẫn đường để ông bà tổ tiên về ăn Tết với con cháu, cũng là biểu tượng bảo vệ nơi cư trú của con người. Các nhà nghiên cứu lý giải ý nghĩa của “nêu” là cho biết mảnh đất này có người cai quản, ma quỷ phải tránh xa.
Nguồn gốc[sửa]
Nguồn gốc cây nêu và tục trồng nêu được kể lại trong Phật tích Phật thoại. Xưa kia người và quỷ ở cùng với nhau. Loài quỷ có tính tham lam, chiếm hết đất và đẩy loài người ra phần ruộng rẽ của chúng để cấy trồng. Phật thấy vậy bèn bày cho con người thương lượng với quỷ, hỏi mua lại một mảnh đất của quỷ với diện tích nhỏ bằng bóng chiếc áo cà sa. Theo lời Phật dặn, con người trồng một cây tre lên đất đó. Tre trồng xong, Đức Phật đứng trên ngọn cây, tung tà áo cà sa thành một bóng tròn, rồi hóa phép cho cây cao mãi lên tới mây xanh. Bóng áo cà sa trải rộng theo bóng cây cao, bóng phủ đến đâu, loài người lấy lại đất trồng đến đó. Quỷ bị mất đất, phải trốn ra đảo ngoài biển xa, chỉ những dịp chuyển giao năm cũ sang năm mới, chúng mới thường quay lại quấy nhiễu con người. Tục trồng cây nêu được duy trì nhằm ngăn không cho quỷ xâm phạm, quấy nhiễu nơi người ở. Về sau, dân gian quan niệm cây nêu tượng trưng cho mối giao hòa giữa trời và đất, cũng là biểu tượng cho linh hồn ông bà, tổ tiên về quây quần, vui vẻ với con cháu trong những ngày Tết.
Sự khác biệt ở các vùng miền[sửa]
Ghi chép trong các tài liệu cho thấy tục trồng nêu sớm đã có sự khác nhau giữa các vùng miền. Sách Lịch sử vương quốc Đàng ngoài của Alexandre de Rhodes cho biết, trên ngọn nêu, người miền Bắc thường buộc thúng hoặc một chiếc hộp đục lỗ, bên trong đựng tiền vàng giấy, để cho cha mẹ quá cố trả nợ cuối năm. Cuốn Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức ghi lại vào nửa đầu thế kỷ XIX, các gia đình ở Gia Định đều dựng nêu ngày trừ tịch, trên đầu cột tre buộc giỏ đựng trầu cau, vôi, treo tiền vàng giấy. Jean Koffer trong Những năm ở Nam cho biết, miền Nam thời đó, những người theo đạo Cơ Đốc được cha đạo cho phép trồng nêu, nhưng không được buộc thêm đồ vàng mã.
Sự khác biệt vùng miền cũng thể hiện trong cách bài trí cây nêu. Một số nơi dán giấy màu xen giữa cành lá trên ngọn tre, hoặc treo vòng tròn quấn giấy đỏ, gắn thêm các con giống, lông gà trống, hương và bánh trái. Ở một số vùng khác, người ta treo lá cờ của nhà Phật cùng các biểu tượng lá đề, chuông khánh và vật cúng khác trên ngọn cây. Cũng có làng trồng nêu nhưng không treo gì cả, có nơi lại treo chiếc chổi xể với hàm ý quét sạch rủi ro, vỏ ốc với ý nghĩa tượng trưng cho sự sinh nở, cành đa tượng trưng cho tuổi thọ, cờ nêu năm màu mang biểu trưng của ngũ hành v.v. Dưới mặt đất, cạnh cây nêu hoặc nơi cổng vào, người ta rắc vôi bột trắng theo hình cung nỏ và mũi tên đang giương lên, ý chỉ đây là đất nhà Phật, ma quỷ không được xâm phạm. Khi trồng và khi hạ cây nêu đều có lễ cúng. Có tài liệu ghi miền Bắc dựng nêu vào buổi trưa, miền Trung vào buổi chiều còn miền Nam là khoảng chạng vạng chiều tối. Ngày mùng 7 Tết làm lễ hạ nêu. Phần đồ lễ sau khi cúng xong được chia cho con cháu trong nhà thụ lộc.
Cây nêu có thể dựng trên sân nhà, hoặc ở đình làng, trên thuyền trong ngày hội. Người Tày trồng cây nêu xung quanh đình và nhà thần Nông, những gia đình ở nhà sàn thì buộc cây nêu ở cuối sàn. Dân vạn chài ở xã Xuân Hội (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) sống trên thuyền, có “cây nêu thuyền” làm từ cây lau, cắm trên mũi thuyền, thường để một lá, dài trên một sải tay và treo thêm vàng mã. Một số trò chơi dân gian tổ chức trong ngày hội làng xoay quanh tục dựng cây nêu, như trò “thi dựng cây nêu” ở làng Liêu Trung (Liêu Xá, Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) cho mỗi giáp chuẩn bị một cây nêu, đến ngày thi đem trồng trước sân đình để chấm xem cây nêu nào thẳng và đẹp nhất. Hay trò “phá giải cây nêu”, được ghi chép lại ở làng Thu Ích (Vĩnh Lạc, Vĩnh Phú), người tham gia phải tranh nhau leo lên cây nêu xem ai giật được giải thưởng treo trên ngọn trước tiên. Các trò chơi mang ý nghĩa gửi thông điệp của dân làng tới thần linh, cầu mong được phù hộ, giữ đất cho làng.
Những linh vật trang trí trên cây nêu mang ý nghĩa biểu tượng của nền văn hóa nông nghiệp. Vòng tròn giấy đỏ được cho là biểu tượng mặt trời, nguồn sống, nguồn ánh sáng của cây trồng, vật nuôi. Túm lông gà trống tượng trưng cho hình ảnh con vật thiêng cất tiếng gáy đánh thức mặt trời. Hình con chim đan bằng tre, nứa là biểu tượng của chim Lửa, theo truyền thuyết là một trong mười mặt trời còn lại. Một số nhà nghiên cứu cho rằng biểu tượng cây nêu gắn với tục thờ thần Mặt trời của cư dân nông nghiệp, đồng thời gửi gắm ước nguyện của người dân về mùa màng tươi tốt, mưa nắng thuận hòa. Những ánh sáng, màu sắc, âm thanh trên cây nêu khi có gió thổi có tác dụng khiến cho ma quỷ sợ hãi, không dám bước vào nhà quấy phá. Chiếc khánh gợi nhắc từ đồng âm mang ý nghĩa đem phúc đến cho gia đình, tiền mã để cầu tài, lá dứa có gai giúp trừ tà. Tục trồng cây nêu mang ý nghĩa bảo vệ con người và thể hiện ước mong bình an, hạnh phúc của cư dân nông nghiệp.
Ý nghĩa[sửa]
Trong văn hóa Việt Nam, cây nêu còn mang hàm nghĩa “cây bùa thiêng”, “cây vũ trụ”, cây giữ đất, giữ nhà, mang lại sự no ấm và bình an cho con người. Đất trồng nêu là nơi đất lành. cây nêu được trồng vào cuối đông chuyển xuân, với dụng ý ngọn nêu vươn cao đón ánh mặt trời mùa xuân, khí dương thịnh, áp đảo âm khí của loài quỷ. cây nêu và phong tục trồng cây nêu ngày Tết được đánh giá là gắn liền với nguyên tắc bất biến trong tâm thức người Việt Nam, đó là ý thức bảo vệ đất đai và nơi cư trú để có thể tồn tại lâu dài. cây nêu còn được coi là cây vũ trụ, trong truyền thuyết là nơi đậu của mặt trời và chim thần, do đó mang biểu trưng kết nối trời với đất, dương với âm, con người với vũ trụ.
Từ lâu, trồng nêu đã thành phong tục của người Việt Nam ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. “Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh” được coi là những thứ không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Cách trồng cây nêu ở những vùng khác nhau có sự biến đổi theo quan niệm của dân địa phương, đem lại sự phong phú cho tục này. Trong tâm thức người Việt nói chung, cây nêu là một biểu tượng có ý nghĩa che chở, bảo vệ con người, là nơi gửi gắm ước mong về một đời sống bình an, sung túc của tầng lớp cư dân gốc nông nghiệp.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Ngọc Khánh, Nghiên cứu văn hóa cổ truyền Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007.
- Lê Trung Vũ (chủ biên), Tết cổ truyền người Việt, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2012.
- Vũ Tiến Kỳ: Trò chơi dân gian Hưng Yên, Nxb. Mỹ Thuật, Hà Nội, 2016.
- Vũ Tiến Kỳ, Dương Thị Cẩm, Từ điển văn hóa Hưng Yên, Nxb.Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2018.
- Hoàng Quốc Hải, Văn hóa phong tục, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 2019.
- Hoàng Văn Páo, Văn hóa dân gian của người Tày ở Lạng Sơn, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2019.