Mục từ này cần được bình duyệt
Cây đa
Một cây đa ở Bangalore, Ấn Độ.

Cây đa là một loại cây cổ thụ có nguồn gốc từ Ấn Độ, Myanma, thân cao (25-30 m), nhiều cành tán rộng, lá mọc cách, bóng, hình thuôn hoặc trái xoan. Ở Việt Nam, phổ biến có hai loại đa là đa búp đỏ và đa tía. Đa búp đỏ có nhiều rễ phụ to ở thân và cành, lá kèm mọc dài bọc các lá non như búp đỏ ở đầu cành. Cây đa là loại cây cho bóng mát, có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt và có tuổi thọ cao tới hàng trăm năm. Cây đa thường được trồng ở các khu đất rộng trong các làng quê và trồng ở các di tích. Dần dần cây đa trở thành hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam, nhất là các làng Bắc Bộ. Sự gắn bó của cây đa với làng quê Việt Nam đã tạo cho cây đa đời sống văn hóa sinh động và là biểu tượng văn hóa đặc trưng gắn với văn hóa làng.

Xuất phát từ đặc tính về tuổi thọ cao mà cây đa trong quan niệm dân gian mang ý nghĩa biểu tượng cho sự vững bền, cho sức sống dẻo dai, bền bỉ của con người nói chung và cá nhân những con người giữ vị trí trụ cột nói riêng. Cũng có khi cây đa được xem là biểu tượng cho sự vững bền của một triều đại. Cây đa còn được dân gian xem như nhân chứng của thời gian, "gốc đa già xù xì" hay "cây đa làng trầm mặc" luôn mang ý nghĩa về thời gian trong suy tư về sự trường tồn và những thay đổi, những sự luân chuyển đi-về của con người.

Trong văn hóa làng, cây đa có đời sống xã hội sinh động, đời sống nghệ thuật trữ tình và đời sống tâm linh đặc sắc.

Những gốc đa làng thường được trồng ở đầu làng, cuối làng và trước các di tích của làng, ngoài vị trí mang tính phân định không gian trong làng - ngoài làng, không gian sản xuất - không gian sinh hoạt thì xung quanh các gốc đa này cuộc sống của làng quê diễn ra sôi động. Gốc đa thường là nơi dân làng nghỉ chân trước khi vào làng hoặc đi ra khỏi làng, là nơi hóng mát những ngày hè, là nơi dân làng gặp gỡ, chuyện trò, nơi trai gái làng hò hẹn, nơi trẻ nhỏ nô đùa, nhặt lá đa chơi những trò chơi dân gian, nhiều làng họp chợ ở gốc đa,... tất cả đã tạo nên một không gian xã hội dân dã và bình đẳng, giản dị và gắn bó.

Cây đa làng là một hình tượng nghệ thuật, "cây đa bến cũ", "gốc đa", "ngọn đa", "lá đa", "bóng cây đa", "cây đa già"... là những hình ảnh trữ tình quen thuộc trong ca dao, dân ca và cả thơ văn bác học (thơ văn Nguyễn Trãi). Cây đa trong ý nghĩa là "mảnh hồn làng", là điểm nhấn trong "bức tranh quê", là hình tượng quê hương luôn xuất hiện trong thơ ca nhạc họa của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ (thơ Trần Đăng Khoa, Anh Vũ,...).

Cây đa có một đời sống tâm linh đặc sắc trong tín ngưỡng dân gian của làng. Cây đa luôn được dân làng xem là cây thiêng, nơi có thần trú ngụ: "Thần cây đa, ma cây gạo", "cây thị có ma, cây đa có thần". Cây đa, trong quan niệm dân gian là nơi trú ngụ của thần cây, của các vị thần linh dân dã, của các linh hồn bơ vơ, chính vì vậy dân làng thường dựng miếu cạnh gốc đa và thường xuyên thắp hương ở miếu cũng như ở chính gốc đa. Cây đa cũng thường được trồng cạnh di tích của làng như đình, chùa, miếu vừa tạo không gian thiêng cho di tích vừa gia tăng tính thiêng cho chính thần cây đa.

Làng quê Việt Nam hôm nay đã có nhiều sự thay đổi, nhiều làng đã không còn cảnh quan quen thuộc "cây đa, bến nước, sân đình", nhiều cây đa làng xưa nay tồn tại giữa phố nhưng cây đa làng vẫn chưa phải là đã vắng bóng và vẫn luôn là biểu tượng văn hóa sống trong văn hóa làng cũng như trong ký ức của mỗi người dân. Biểu tượng cây đa vẫn luôn tồn tại sống động cùng làng quê Việt Nam.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Dương Đình Minh Sơn, Kiến giải mới về tên quan họ và điệu Lý cây đa, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4 năm 1996, tr.38-46.
  2. Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb. Văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, 2000.
  3. Nguyễn Xuân Kính, Nguyễn Thị Phương Châm, Biểu tượng thực vật trong ca dao người Việt, Công trình cấp Viện, Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian, Hà Nội, 2001.
  4. Trịnh Viết Toàn, Thế giới thực vật trong ca dao cổ truyền người Việt, Luận án Tiến sĩ Văn học, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016.