Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cân bằng nội môi

Cân bằng nội môi là nhu cầu duy trì sự ổn định bên trong để tồn tại của các cá thể sinh học có cấu trúc cơ thể phức tạp.

Cơ thể người trưởng thành có khoảng 56% là dịch, trong đó co 2/3 lượng dịch nằm trong tế bào (dịch nội bào) và 1/3 còn lại là nằm ngoài tế bào (dịch ngoại bào). Nhờ hệ thống tuần hoàn, dịch ngoại bào với thành phần chủ yếu là các chất dinh dưỡng, ô xi được vận chuyển khắp cơ thể để nuôi dưỡng các tế bào. Như vậy, dịch ngoại bào đóng vai trò là môi trường bên trong (nội môi) của cơ thể.

Để các tế bào, cơ quan, hệ thống của cơ thể có thể tồn tại và phát triển, thực hiện được các chức năng của mình thì cần phải có sự cân bằng nội môi. Đây chính là trạng thái tối ưu của các yếu tố: nhiệt độ cơ thể; cân bằng dịch; độ pH của dịch ngoại bào; nồng độ của các ion Na, K, Ca; nồng độ đường máu…

Từ giữa thế kỷ XIX Claude Bernard, nhà sinh lý học người Pháp người thiết lập nền tảng của sinh lý học khoa học và cũng là người đặt nền móng ban đầu cho việc nghiên cứu cân bằng nội môi. Tuy nhiên, phải đến Cannon W. (1871 - 1945), nhà sinh lý học người Mỹ thì vấn đề cân bằng nội môi mới được những nghiên cứu sâu rộng hơn. Năm 1926, ông đã đưa ra thuật ngữ Homeostasis (cân bằng nội môi). Theo Cannon, các hoạt động của cơ thể được ví như một dàn hợp xướng, có sự phối hợp nhịp nhàng của các hệ thống sinh lý khác nhau và ở các mức độ khác nhau. Đó là những cơ chế điều hòa sự ổn định của các loại dịch khác nhau bao quanh tế bào để kiểm soát nhiệt độ cơ thể, huyết áp và những yếu tố khác cần thiết cho môi trường bên trong nhằm duy trì sự sống. Các hệ thống thần kinh, nội tiết cũng tham gia vào cân bằng nội môi thông qua việc điều chỉnh các phản ứng của cơ thể như: điều chỉnh quá trình trao đổi chất của tế bào, tăng nhiệt độ cơ thể trong điều kiện thời tiết lạnh đến tăng hoặc giảm trong các quá trình phức tạp dẫn đến đói và khát, thông qua đó ảnh hưởng đến các hành vi tìm kiếm thức ăn, nước uống.

Khái niệm cân bằng nội môi của Cannon đã khẳng định rằng các sinh thể phức tạp với các thành tố ổn định và cũng luôn thay đổi, về bản chất là một hệ thống mở với môi trường xung quanh. Trong khi liên tục có xu hướng thay đổi thì các cá thể cũng luôn phải duy trì sự ổn định trong mối quan hệ với môi trường xung quanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống. Do vậy sự hằng định bên trong/cân bằng nội môi được xem là trạng thái động chứ không phải là trạng thái ổn định tuyệt đối.

Có thể nói rằng, điểm nhấn nổi bật của lý thuyết cân bằng nội môi của Cannon chính là xem các cơ thể có cấu trúc phức tạp như của con người hay động vật là các hệ thống mở: mở với các tác động luôn thay đổi từ phía môi trường và luôn giữ trạng thái ổn định động bên trong để thích nghi và tồn tại.

Luận điểm của Cannon về hệ thống mở và cân bằng nội môi đã tạo đà cho các nghiên cứu mở rộng. Một trong số các nhà nghiên cứu đó là Hans Selye (1907 - 1982), nhà nội tiết học người Canada gốc Hungary, người đã tạo nên xu hướng nghiên cứu các stress sinh lý và tâm lý. Theo Selye, các tác nhân (stressor) từ phía bên ngoài môi trường, không chỉ là những tác nhân vật lý mà đó còn có thể là những tác nhân tâm lý. Để ứng phó với các tác nhân bên ngoài, đặc biệt là các tác nhân tâm lý, cá nhân còn huy động cả các quá trình, trạng thái tâm lý như cảm xúc, nhận thức nhằm duy trì trạng thái cân bằng bên trong. Bệnh tật trong nhiều trường hợp, theo quan điểm của Selye, là sự mất cân bằng nội môi do stress vượt quá khả năng dàn xếp của chủ thể.

Khái niệm về sự cân bằng bên trong cũng đã được Wiener N. vận dụng vào lý thuyết điều khiển học (1948) để nhằm xây dựng các nguyên tắc giải thích sự tự điều chỉnh giữa các hệ thống sinh học và không sống như máy tính, thậm chí còn được xem như rộng hơn so với lý thuyết hệ thống tổng quát của Ludwig Von Bertalanffy.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trịnh Bỉnh Di và cộng sự, Sinh lý học, T.1, Nxb. Y học, 2006, tr. 27 - 29.
  2. Craighead W.E. and Nemeroff C.B., The Consise Corsini Encyclopedia of Psychology and Behavioral Science, 3rdEd., 2004, pp. 438 - 439.
  3. VandenBos G.R, (Editor in Chief), APA Dictionary of Clinical Psychology, American Psychological Association, Washington DC, 2013, pp. 275 - 276.
  4. Головин X.Ю., Словарь психолога-практикa, Mинcк Xaрвecт, стр. 134 - 135, 2001.