Cái tôi: khái niệm cái gương là khái niệm về tâm lý xã hội được coi là của Charles Horton Cooley đưa ra năm 1902 trong tác phẩm Bản chất con người và trật tự xã hội (Human Nature and the Social Order) khi cá nhân thực hiện một hành vi nào đó hoặc quản lý hành vi của mình thông qua các phản hồi của những người xung quanh. Nhờ đó, cá nhân hiểu được cái tôi của mình và có phản hồi tương ứng với những đánh giá của người khác (dù có chính xác hay không) bằng hành động tiêu cực (những phản ứng tiêu cực) hoặc những hành động tích cực (những phản ứng tích cực).
Cooley đã sử dụng thuật ngữ này để giải thích quá trình xã hội hóa. Ông cho rằng khái niệm về bản thân (cái tôi) hoặc ý thức về bản sắc của một người không chỉ đến từ sự chiêm nghiệm trực tiếp của người đó về bản thân hay các phẩm chất cá nhân mà còn từ việc xem xét cách một người được nhìn nhận bởi những người khác trong xã hội. Nói cách khác, tương tác xã hội đóng một vai trò quan trọng trong quá trình xác định bản thân. Tương tác xã hội đóng vai trò như một tấm gương giúp các cá nhân đo lường giá trị và hành vi của họ. Điều này xảy ra thông qua ba bước chính:
- Đầu tiên, người ta phải hình dung cách bản thân xuất hiện trước những người khác, có thể là gia đình, bạn bè hoặc bất kỳ người ngẫu nhiên nào đang gặp phải (đó là cảm giác về bản thân của một cá nhân).
- Thứ hai, cá nhân tưởng tượng mình phải được đánh giá như thế nào dựa trên cách những người khác quan sát anh ta (đó là cảm giác về cảm giác bản thân). Ví dụ, một người có thể được đánh giá là hài hước, thông minh hoặc có thể khôn ngoan.
- Bước thứ ba là sự phát triển của bản thân dựa trên ấn tượng của những đánh giá hay nhận định của người khác về cá nhân đó (đó là sự bộc lộ bản thân qua cảm giác này). Ví dụ, trong một cuộc phỏng vấn xin việc, người được phỏng vấn nghĩ mình là một ứng viên thông minh và trí tuệ, là một người có thể dễ dàng nhận được công việc. Trong cuộc phỏng vấn, người được phỏng vấn quan sát cách những người phỏng vấn tương tác với anh ta. Nếu họ lắng nghe anh ta mà không bị phân tâm hoặc không quan tâm, niềm tin của người được phỏng vấn vào khả năng của anh ta sẽ được duy trì. Ngược lại, nếu những người phỏng vấn không thể hiện sự quan tâm, người được phỏng vấn sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về niềm tin của anh ta về bản thân.
Trong thực tế, mọi người không tiếp thu từng phản hồi mà họ bắt gặp. Họ có thể nhấn mạnh ý kiến của ai đó hơn những người khác mà họ cho là quan trọng hơn hoặc đáng tin cậy hơn. Cooley khẳng định thêm rằng không phải ý kiến của mọi người ảnh hưởng đến sự phát triển ý thức về bản sắc của một người, mà là cách mà một người tưởng tượng ý kiến của người khác thực sự ảnh hưởng đến sự phát triển của hình ảnh bản thân. Những nhận thức này về ý kiến của người khác có thể đúng hoặc sai. Tuy nhiên, mọi người không ngừng cố gắng duy trì trạng thái cân bằng giữa quan niệm bên trong của anh ta về bản thân và nhận thức bên ngoài của người khác. Cái tôi: khái niệm cái gương cơ bản là trung tâm trong lý thuyết tương tác biểu tượng và lý thuyết tâm lý xã hội hiện đại về cái tôi xã hội và về cảm xúc. Trung tâm của cái tôi và quá trình của cái tôi trong nghiên cứu về cảm xúc và biểu hiện cảm xúc là then chốt trong các công thức điều trị tâm thần kinh hiện đại (Pribram, 1981).
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dũng, Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
- Wiley, N., The semiotic self, Cambridge, UK: Polity Press, 1994.
- Butler, J., Excitable speech: A politics of the performative, London: Routledge, 1997.
- Dunn, R. G., Identity crises: A social critique of postmodernity, Minneapolis: University of Minnesota Press, 1998.
- Perinbanayagam, R. S., The presence of self, Lanham, MD: Roman & Littlefield, 2000.
- Scheff, T. J., The emotional relational world. In J. H. Turner (Ed.), Handbook of sociological theory, New York: Kluwer, 2001, pp. 255 - 268.
- Freedheim D.K., Handbook of Psychology, Vol. 1, History of Psychology, John Wiley & Sons, 2003, pp. 124 - 125.