Một cấp độ tâm trí kết nối với cái Tôi và cái Siêu tôi, đáp ứng các nhu cầu bản năng và phần lớn các quá trình vô thức trong đời sống tâm lý con người.
Thuật ngữ cái Nó lần đầu tiên được C. Groddeck đưa vào trong tâm lý học, sau đó được Freud sử dụng để chỉ phần nguyên thủy nhất trong tâm lý con người.
Cái Nó bao gồm một tập hợp các bản năng, xung năng sơ khai, những ham muốn, dục vọng mang tính di truyền, vô thức. Cái Nó còn là nguồn năng lượng tâm lý (libido) cung cấp cho toàn bộ hệ thống, làm nền tảng cho sự phát triển nhân cách nói chung, cụ thể là cho cái Tôi và cái Siêu tôi.
Nguồn năng lượng này dẫn dắt, định hướng các hành vi của con người trong đời sống hàng ngày. Nguồn năng lượng này xuất hiện không rõ ràng và khó được ý thức kiểm soát. Nó tuân theo nguyên tắc tìm kiếm khoái cảm và hướng đến thỏa mãn những nhu cầu, ham muốn cơ bản của con người,dưới ảnh hưởng của những tác động bên ngoài hoặc của những thôi thúc bên trong.
Với cái Nó, con người muốn hướng tới sự giải tỏa những căng thẳng bằng cách tìm kiếm những phương thức có thể làm thỏa mãn ngay lập tức các nhu cầu, ham muốn bản năng, bất chấp hậu quả.
Theo quan niệm của Freud, Cái Nógắn với các quá trình sinh học, với các xung năng nguyên thủy. Trong những xung lực bản năng xuất phát từ cái Nó, Freud nhấn mạnh hai loại xung lực chủ yếu là bản năng tính dục và bản năng xâm kích (hung tính).
Các quá trình diễn ra trong cái Nó không tuân theo quy luật lôgic. Các xung năng mâu thuẫn với nhau những không thay thế lẫn nhau, ngược lại chúng cùng tồn tại. Cái Nó vận hành một cách vô thức, phi lôgic, bất chấp mọi đánh giá về mặt đạo đức xã hội. Do vậy, cái Nóthường nằm trong sự đối kháng với cái Siêu tôi (nghiêng về phía kiểm duyệt cái Tôi theo các chuẩn mực đạo đức và cấm đoán của xã hội)
Trong cái Nó, thời gian hoàn toàn không có ý nghĩa. Những ham muốn, dục vọng bị kìm nén, bị dồn ép vẫn cứ luôn luôn tồn tại và chúng có thể « trồi lên » ý thức bất kỳ lúc nào với bất kỳ hình thức nào. Điều này có thể dẫn đến sự thăng hoa, sáng tạo, nhưng cũng có thể dẫn đến những rối loạn tâm lý.Trong nhiều trường hợp, khi những ham muốn, nhu cầu bản năng bị cản trở hoặc bị dồn nén, cái Nó sẽ tìm cách giải quyết bằng sự chuyển hướng thỏa mãn một cách kín đáo thông qua các giấc mơ, các hành vi nhỡ ý, hoặc trong các triệu chứng nhiễu tâm.
Các bằng chứng về cái Nó được Freud thu thập qua những nghiên cứu của ông về giấc mơ, về những hiện tượng như nói nhịu, những hành vi vô ý,… Ngày nay, để tìm hiểu những biểu hiện của cái Nó, có thể tiến hành quan sát lâm sàng, nghiên cứu trường hợp, phân tích sản phẩm và sử dụng các trắc nghiệm phóng chiếu.
Tài liệu tham khảo
Vũ Dũng (chủ biên), Từ điển Tâm lý học, NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội 2008.
Patricia H.miler, Các thuyết về tâm lý học phát triển, Vũ Thị Chín dịch, NXB Văn hóa thông tin 2003.
Nguyễn Khắc Viện.Từ điển Tâm lý, NXB Thế giới (tái bản lần thứ 2), Hà Nội 2007.
Alan E. Kazdin (Editor in Chief), Encyclopedia of Psychology, Volume 6, APA, OXFORD University Press 2000.
Alain de Mijolla (Editor in Chief), International Dictionary of Psychoanalysis,Thomson Gale and Macmillan Reference, USA 2005.
Didier Houwel, Michèle Emmanuelli, Françoise Moggio (sous la direction), Dictionnaire de psychopathologie de l’enfant et de l’adolescent, Presses Universitaires de France 2000.
Nobert Silamy, Dictionnaire de Psychologie, Larousse, France 1998.