Trong cuộc đời, biến cố chắc chắn sẽ xảy ra nhất là cái chết. Chết dường như làm mất mát toàn diện, nhưng không ai tránh cái chết được, nên nhiều người tránh nghĩ tới nó và nếu phải đương đầu thì họ dễ bị khủng hoảng.
Nhiều ngàn năm qua, các tôn giáo và các nền văn hóa đã có những truyền thống khôn ngoan về cách đối diện với cái chết. Trong thế kỷ qua, phương Tây đã có nhiều tiến bộ về y khoa, chống đối quyết liệt lại với cái chết, kéo dài được tuổi thọ con người, nhưng lại thấy cái chết xa lạ và kinh hoàng hơn. Trong cuốn sách Phủ nhận sự chết, nhà nhân chủng học văn hóa Becker (1973) nhận xét rằng vì sợ chết mà con người kiếm đủ cách để đối phó: kẻ thì kiếm những ý nghĩa của một anh hùng vượt qua được giới hạn của cuộc sống, còn kẻ khác lại cố quên đi, để khỏi phải nghĩ tới. Mới gần đây, ngành tâm lý học đã nghiên cứu một cách khoa học về các bậc phát triển trong chặng cuối cuộc đời con người.
Có thể dùng một thuật ngữ cổ ngắn gọn là “kẻ liệt” thay cho những cụm từ dài hơn như “bệnh nhân giai đoạn cuối,” hay “người ở chặng cuối cuộc đời”. Chữ “người sắp chết” hay “người hấp hối” chỉ những ngày giờ cuối cùng, còn kẻ liệt chỉ thời gian rộng hơn, trong 6 tháng trước khi chết, khi thân xác yếu dần. Chữ “bệnh nhân” nhấn mạnh đến bệnh cần phải chữa để hồi phục lại, còn với kẻ liệt thì chữa chỉ để cho cuộc sống có chất lượng hơn. Điều ngạc nhiên là phương pháp điều trị cho kẻ liệt này có khi lại giúp cho sống lâu hơn là phương pháp nỗ lực chữa bệnh.
Số kẻ liệt càng ngày càng tăng vì nhiều người sống lâu hơn và chỉ khoảng 10% tới 25% chết đột ngột (Morimoto, 2019; Nuland, 1993, tr. 18). Những nghiên cứu về kẻ liệt và những phát triển tâm lý của kẻ liệt cũng tăng nhanh, một phần nhờ phong trào mở các viện chăm sóc giảm nhẹ (hospice). Mục đích của chăm sóc giảm nhẹ là giúp cho chất lượng cuộc sống của cả kẻ liệt lẫn người thân bằng cách chăm sóc toàn diện (palliative care), mà không nhắm tới việc chữa bệnh như các bệnh viện (http://benhvienlaokhoa.vn/).
Những nghiên cứu nổi tiếng về phát triển tâm lý của kẻ liệt[sửa]
Đầu thập niên 1960, bác sĩ Elisabeth Kübler-Ross, người Mỹ gốc Thụy Sĩ, xin nghiên cứu tâm lý kẻ liệt. Các hội đồng khoa học chống lại đề nghị nghiên cứu của bà, vì muốn tôn trọng kẻ liệt bằng cách không làm phiền họ qua những nghiên cứu. Nhưng bà trình bày là chính kẻ liệt muốn nói về cái chết mà ít người biết nghe. Bà khám phá ra năm bước trong hành trình đến cái chết và trình bày trong cuốn sách On Death and Dying (Kübler-Ross, 1969). Nhiều người biết tên năm bước này, nhưng ít người biết ý nghĩa và cách áp dụng. Dưới đây là một số điểm của năm bước đó.
1) Phủ nhận (Denial): cá nhân phủ nhận thực tế sức khỏe và bệnh tật của mình. Ví dụ, kẻ liệt khẳng định “Chắc bác sĩ lầm, cần tìm kiếm một bác sĩ khác”. Một hiểu lầm thông thường về nhiều tiến trình phát triển cái chết thể hiện ở bước sau hay hơn bước đầu, nên cần giúp kẻ liệt tiến nhanh tới các bước sau. Phản ứng phủ nhận này thật ra có giá trị của nó, vì nhờ đó bệnh nhân tạm bảo vệ được tâm lý của mình để có thể đối phó với một số vấn đề ngay trước mắt. Một hiểu lầm thông thường nữa là phải chấm dứt bước thứ nhất rồi mới qua các bước sau và không trở lại nữa. Trong thực tế, ngay cả khi đã tới bước thứ tư hay thứ năm, kẻ liệt có thể trở lại trạng thái “biết đâu mình sẽ hồi phục lại” cũng là một cách phủ nhận. Các bước khác cũng vậy. Không phải chỉ đi qua một lần rồi hết luôn mà thường vòng trở lại, cho nên thứ tự của năm bước chỉ tương đối.
2) Tức giận (Anger): bệnh nhân đột nhiên la lối gia đình và các y tá. Cũng như trong bước đầu, có vài hiểu lầm thông thường. Thứ nhất, là kẻ liệt đổi tính. Nhưng đây là phản ứng dễ hiểu theo hoàn cảnh, chứ không phải là thay đổi tính nết. Nếu ta đặt mình vào vị thế của người bệnh thì ta dễ hiểu cái tức giận này hơn: còn bao nhiêu dự tính chưa làm được, bao nhiêu cơ hội sẽ mất đi,…
Hiểu lầm thứ hai là người bị la lối là người mà kẻ liệt không ưa. Thật ra, người bị la lối lại là người kẻ liệt cảm thấy gần gũi hơn. Người ta dễ biểu lộ những cảm xúc tiêu cực với người mà họ cảm thấy thân thiết và an toàn hơn. Vì vậy, y tá hay người nhà mà bị la lối có thể tự an ủi là hành vi đó giúp cho người bệnh cảm thấy an toàn với mình hơn.
3) Mặc cả (Bargaining): giai đoạn này thường ngắn hơn, nhưng không cố định. Mặc cả là đã bắt đầu chấp nhận nhưng vẫn còn muốn trì hoãn một việc không tránh được, bằng cách hứa sẽ sống tốt hơn một cách cụ thể nào đó (nhưng thường là không giữ được) và cũng đặt một “hạn chót”. Ví dụ như xin Thượng đế cho sống tới khi đứa con cả lập gia đình. Nhưng khi được rồi thì lại xin cho sống tới đám cưới của đứa con thứ.
4) Trầm cảm (Depression): kẻ liệt từ từ sẽ nhận thức là cơ thể mình càng ngày càng suy yếu dần. Căn nhà hay mảnh vườn mà trước kia mình săn sóc kỹ lưỡng thì nay cũng phải bỏ hết. Cơ thể người phụ nữ không còn được diễm kiều như trước. Một lỗi thông thường của thân nhân là không biết phân biệt hai loại trầm cảm của kẻ liệt nên luôn kiếm cách khuyên nhủ và an ủi kẻ liệt, ngay cả khi không thích hợp.
Loại thứ nhất là trầm cảm phản ứng (reactive) về những vấn đề có thể giải quyết được, cách này hay cách khác. Ta nên giúp bệnh nhân giải quyết các vấn đề của loại này. Ai sẽ chăm sóc cho con cái? Ta tìm kiếm người sẵn sàng hứa giúp. Chi phí đám tang sẽ là gánh nặng cho gia đình? Giúp kẻ liệt thấy là chi phí sẽ được lo ổn thỏa. Một phụ nữ lo mình không còn duyên dáng nữa? Cho cô ta biết là cô vẫn được thương yêu.
Loại trầm cảm thứ hai là sửa soạn (preparatory), kẻ liệt nhận ra những mất mát đã, đang và sắp xảy ra. Trạng thái này sửa soạn cho bước chấp nhận, nên là điều tốt. Thân nhân không nên khuyên nhủ là “đừng buồn” chỉ vì nhu cầu của chính người khuyên. Tốt nhất là yên lặng, chỉ cần có mặt bên kẻ liệt.
5) Chấp nhận (acceptance): Nếu có đủ thời giờ, người sắp chết sẽ vượt qua được phần lớn những bước tức giận hay trầm cảm (dù đôi khi lại trở lại các trạng thái đó, nhưng dần dần ít hơn, ngắn hơn, nhẹ hơn), để nói lên được sự tức giận hay sự đau buồn một cách tương đối nhẹ nhàng. Thường lúc này kẻ liệt yếu đi nhiều và ngủ chập chờn, khác với giấc ngủ vùi của người trầm cảm. Thời gian ngủ nhiều giống như trẻ sơ sinh, nhưng đi ngược chiều, là càng ngày càng ngủ nhiều hơn. Chấp nhận không phải là vui, mà là hầu như không còn bị tình cảm làm dao động. Đa số kẻ liệt không muốn gặp nhiều người hay gặp lâu và cũng không muốn chuyện trò gì nhiều. Tuy nhiên, có kẻ khác quen sống ồn ào thì vẫn muốn có nhiều người chung quanh. Người thân có thể nắm tay, thinh lặng bên nhau, cùng nghe tiếng chim hót bên ngoài. Trấn an kẻ liệt là người thân sẽ có mặt tới giây phút cuối và sẽ không quên. Khi đó, cái chết sẽ dễ được chấp nhận hơn.
Khám phá năm bước của bà Kübler-Ross được coi trọng trong nhiều thập niên. Bà được báo Time xếp hạng trong số “100 nhà tư tưởng quan trọng nhất của thế kỷ thứ XX.” Các bước này giúp thân nhân quan sát kẻ liệt kỹ hơn và có thể thảo luận với nhau về tình trạng của kẻ liệt, như “Ông đang dịu dần cơn tức giận, bắt đầu trầm cảm”. Lý thuyết này cũng được áp dụng rộng cho những trường hợp mất mát khác, thí dụ như li dị, hay bị tê liệt toàn thân. Nhưng cũng có một số người cho rằng bà đã sai. Ở đây chúng ta sẽ phân tích về công trình của bà.
Có người cho rằng bà sai vì các kẻ liệt không đi qua năm bước theo một thứ tự như vậy. Họ cần phân biệt hai loại thang phát triển. Loại thang “cứng” như phát triển nhận thức (cognitive development) của Piaget, thì không trở lại những bước trước. Nhưng cũng có loại thang “mềm” nhắp qua nhắp lại và chính bà Kübler-Ross trình bày là thang của bà thuộc loại này.
Những thị kiến an bình của kẻ liệt[sửa]
Nghiên cứu đột phá nhất, nổi tiếng nhất và mới nhất là của tiến sĩ thần kinh học đồng thời là bác sĩ y khoa Christopher Kerr, cùng các cộng sự viên của ông. Năm 2020 xuất bản cuốn sách nổi tiếng Chết chỉ là một giấc mơ: Tìm được hy vọng và ý nghĩa ở cuối đời (Kerr & Mardorossian, 2020). Vì nhu cầu tài chính, hơn một thập niên trước, ông vào phục vụ trong một viện chăm sóc giảm nhẹ. Ông ngạc nhiên khi thấy chừng 88% kẻ liệt có những giấc mơ và những thị kiến, làm cho những người này, kể cả những người đã sống một cuộc đời kinh hoàng, bình an khi đi vào cõi chết.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Becker, E., The denial of death, Free Press, 1973.
- Nuland, S. B., How we die (3. print.ed.), Vintage Books, 1993.
- Kübler-Ross, E., On death and dying, Routledge, Lichfield, G., The Science of Near-Death Experiences: Empirically investigating brushes with the afterlife, The Atlantic, https://www.theatlantic.com/magazine/archive/2015/04/the-science-of-near-death-experiences/386231/What Happens At The End of Life? Morimoto, R. (Director). (2019, Jul 25), 2015.
- Hayagriva Buddhist Centre, Death Process: A Buddhist Perspective on the Emotional and Spiritual Stages of the Process of Dying,https://www.hayagriva.org.au/wheel-of-life/death-process, 2020.
- Steindl-Rast, D., Reflections, gratefulness.org. https://gratefulness.org/reflections/?Utm_source =A+Network+for+Grateful+Living&utm_campaign=c096349b2c-EMAIL_ CAMPAIGN_2020_04_07_05_43_COPY_01&utm_medium=email&utm_term=0_c606570b82-c096349b2c-114049181&mc_cid=c096349b2c&mc_eid=6916f9321b, 2020.