Cách mạng tư sản Netherlands thế kỷ XVI là cuộc cách mạng dân tộc diễn ra từ năm 1566 đến năm 1648, chống lại sự cai trị của vương triều Tây Ban Nha, mở đầu cho hàng loạt các cuộc cách mạng chống chế độ phong kiến ở châu Âu.
Netherlands nghĩa là “vùng đất thấp”, thấp hơn mặt nước biển, nằm ở vùng bờ biển Bắc, thuộc Tây Âu, được ngăn cách với biển bằng những con đê ngăn nước mặn, hiện nay thuộc lãnh thổ của Bỉ và Hà Lan. Trước cách mạng, vùng đất này có 17 tỉnh, trong đó tỉnh lớn nhất là Hà Lan.
Trước thế kỷ XIV, phần lớn xứ sở Netherlands thuộc triều đình Bourgogne (Pháp), nhưng từ cuối thế kỷ XV lệ thuộc vào dòng họ Habsburg (Áo). Đầu thế kỷ XVI, Hoàng đế Charles V của Tây Ban Nha đã được thừa kế vùng Netherlands do ông ngoại ban tặng. Dưới thời trị vì của Charles V, Netherlands giữ vai trò quan trọng trong hệ thống đất lệ thuộc và thuộc địa của Tây Ban Nha. Từ đầu thế kỷ này, kinh tế công thương nghiệp của Netherlands phát triển nhất châu Âu với nhiều thành phố và hải cảng ra đời, trong đó có những trung tâm thương mại nổi tiếng, như Utrecht, Amsterdam. Với đội thương thuyền lớn, thương nhân là những người chuyên chở hàng hóa từ Tân lục địa về Tây Ban Nha, thường xuyên cung cấp các mặt hàng thiết yếu, như lương thực, nguyên liệu, hương liệu và nhiều mặt hàng xa xỉ của phương Đông cho Tây Ban Nha. Vùng “đất thấp” này chỉ chiếm 6% diện tích lãnh thổ toàn đế quốc, nhưng đã đóng góp tới 40% ngân khố quốc gia cho triều đình Tây Ban Nha. Ở thời Charles V, giới công thương Netherlands ít nhiều còn được hưởng không khí tự do, như mỗi tỉnh vẫn có một Hội nghị các đẳng cấp và tòa án riêng, 17 tỉnh có một chính quyền trung ương tự trị, bên cạnh là Hội đồng tài chính và Hội đồng tư pháp. Khi cần thiết, Charles V thường triệu tập Hội đồng các tỉnh hay Hội đồng trung ương để tham vấn, tiếng nói của giới công thương được tôn trọng.
Năm 1556, do ốm nặng, Charles V thoái vị, nhường ngôi cho con trai là Thái tử Felipe II. Khác với vua cha, Felipe II không có mối quan hệ mật thiết với vùng “Đất thấp” này và cũng không ưa gì giới công thương Netherlands, do vậy không khí tự do dành cho giới công thương không còn như thời Charles V. Felipe II cũng không ưa gì lực lượng tôn giáo cải cách ở châu Âu, trong đó có các tín đồ đạo Tin lành ở Netherlands. Các hội đồng tự trị các tỉnh cũng như trung ương của vùng “Đất thấp” không được vua quan tâm. Thuế khóa, thất nghiệp gia tăng vào những năm 1563 – 1564. Nạn đói kém, mất mùa, đắt đỏ trong những năm này đã đẩy nhân dân Netherlands vào bước đường cùng. Trong bối cảnh đó, dân chúng càng tin theo tôn giáo cải cách Calvin, vì họ cho rằng cuộc sống cơ cực của họ chính là do tăng lữ, giáo hội và chính quyền phong kiến Tây Ban Nha gây ra. Nhà vua dựa vào Giáo hội Thiên chúa giáo Rôma để đàn áp Tôn giáo cải cách. Các Tòa án dị giáo được thành lập. Nhân việc Felipe II ra lệnh “chặt đầu đàn ông”, “chôn sống đàn bà” nếu họ theo Tôn giáo cải cách, từ tháng 8.1566, hàng ngàn nông dân, thị dân nghèo đã cùng nhau nổi dậy ở nhiều nơi từ miền Nam đến miền Bắc, như các tỉnh: Brabant, Frandra, Hà Lan, zeelands, … Những người nổi dậy tấn công vào các nhà thờ Thiên chúa giáo, lùng bắt các tăng lữ Tây Ban Nha để trừng trị. Hàng nghìn nhà thờ bị đập phá, hàng trăm nhà thờ bị phá hủy hoàn toàn. Trong thời gian ngắn, nhân dân 12/17 tỉnh đã nổi dậy đấu tranh, phá hủy 5500 nhà thờ và tu viện. Trước làn sóng đấu tranh, chính quyền Tây Ban Nha đã phải nhượng bộ, như ngừng hoạt động của Tòa án dị giáo, đạo Calvin được tự do truyền bá. Nhưng Felipe II thì không hài lòng với nhượng bộ của chính quyền, muốn dùng bạo lực để lập lại trật tự. Tháng 8.1567, Felipe II đã cử ngay một đạo quân với 18.000 người do tướng Anva chỉ huy sang đàn áp cuộc đấu tranh.
Trước khi thế cuộc đấu tranh của quần chúng, giới công thương phải tỏ thái độ. Tháng 1.1566, họ lập ra “Liên minh thỏa ước” do Thị trưởng thành phố Frandra và Gioocno đứng đầu. Liên minh thảo ra bản thỉnh cầu gửi lên hoàng đế, trong đó đề nghị nới rộng quyền lợi cho dân chúng, ngừng việc đàn áp phong trào Tân giáo,… Nhưng tất cả những yêu cầu này đều bị bác bỏ và Anva tiếp tục thẳng tay đàn áp dữ dội hơn. Trong vòng 5 năm (1567 – 1573), ông ta đã ra lệnh chặt đầu hơn 1000 người, kết tội 10000 người khác.
Bất chấp sự đàn áp của chính quyền Tây Ban Nha, quần chúng Netherlands tiếp tục nổi dậy, tự vũ trang chiến đấu chống xâm lược. Họ ẩn náu trong rừng sâu hoặc hai bên bờ lau sậy um tùm trong hệ thống kênh lạch chằng chịt để tiến công, đánh tỉa quân Tây Ban Nha. Họ đã đánh đắm nhiều tàu thuyền chở vũ khí, lương thực của Tây Ban Nha. Họ tấn công cả ở trên bộ, cả ở biển làm cho quân Tây Ban Nha không thể ứng phó.
Mùa hè năm 1568, Wilhelm Orania cùng các quý tộc cấp tiến được lực lượng Anh giáo và phái Huygno ở Pháp giúp đỡ, tổ chức đội quân đánh thuê kéo về Netherlands, nhưng Anva đã đánh bại họ. Trong khi đó, “Đội quân khốn cùng” (Anva đã gọi những người kháng chiến như vậy) càng đánh càng mạnh, đã làm chủ được nhiều nơi, như Holland, Brinle, Zeelands, Brussels, … Mùa hè năm 1572, hai tỉnh ở miền Bắc là Holland và Zeelands hoàn toàn được giải phóng. W. Orania được mời về thành lập chính quyền cách mạng, ông được bầu làm thống đốc. Nền móng đầu tiên của nền cộng hòa được xây dựng. Đến cuối năm 1573, các tỉnh khác ở miền Bắc, như Friesland, Utrecht, … lần lượt tuyên bố độc lập. Mặc dù về hình thức, vẫn thừa nhận Felipe II là quốc vương của mình, nhưng trên thực tế các tỉnh miền Bắc đã từng bước hình thành một nhà nước độc lập. Trước tình hình đó, chính quyền Tây Ban Nha thay tướng chỉ huy, thực hiện chính sách bao vây các thành phố, nhưng bị thất bại.
Những thắng lợi ở miền Bắc đã cổ vũ phong trào đấu tranh ở miền Nam. Tháng 9.1576, nhân dân ở Brussels đứng lên khởi nghĩa, chiếm trụ sở và bắt giữ các quan chức nhà nước. Từ đó, trung tâm của cách mạng được chuyển xuống miền Nam cho đến khi Antwerpen được giải phóng vào năm 1585.
Tháng 10.1576, Hội nghị Ba đẳng cấp toàn Netherlands được tổ chức ở Ghent. Tuy nhiên, đa số đại biểu vốn là thành viên của chính quyền cũ nên những chính sách mang tính cách mạng của các đại biểu miền Bắc không được chấp nhận. Trong khi đó, Tây Ban Nha huy động quân đội tới Netherlands nhằm nhanh chóng đàn áp phong trào cách mạng ở đây. Quân đội Tây Ban Nha tiến hành những cuộc đốt phá và tàn sát man rợ. Ngày 4.11.1576, vụ tàn sát đã diễn ra ở thành phố Antwerpen, 8000 người bị giết, khoảng 1000 ngôi nhà bị thiêu hủy. Trong bối cảnh đó, ngày 8.11.1576, Hội nghị Ba đẳng cấp buộc phải thông qua Hiệp định Ghent. Tuy nhiên, Hiệp định này vẫn còn nhiều hạn chế, như không đề cập đến vấn đề độc lập và vấn đề ruộng đất cho nông dân,… Đây là những vấn đề căn cốt của cách mạng. Chính vì thế mà tại nhiều tỉnh miền Nam, như Brussels, Ghent, Antwerpen, Flandra, Barabant,… quần chúng tiếp tục nổi dậy. Ở nhiều nơi, quần chúng đã lật đổ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng. Đến năm 1578, cách mạng Netherlands đã giành được những thắng lợi quan trọng. Ủy ban quản lý xã hội gồm đa số tư sản và bình dân được thành lập và ban hành chế độ thế khóa mới. Các lực lượng kháng chiến chống chính quyền Tây Ban Nha ở Netherlands được thống nhất, lực lượng này thực hiện hai nhiệm vụ: vừa chống ngoại xâm vừa đấu tranh với khuynh hướng thỏa hiệp, phản bội của quý tộc Netherlands. Trước khí thế cách mạng, quý tộc và tư sản lớp trên lo sợ, nên ngày càng xa rời cuộc đấu tranh chống xâm lược. Tháng 1.1579, một số quý tộc quay lưng lại với cách mạng ở các tỉnh miền Nam đã tập hợp trong Đồng minh Arat ra tuyên bố phục tùng vua Tây Ban Nha. Đáp lại Đồng minh Arat, ngày 23.1.1579, đại biểu 7 tỉnh miền Bắc là Zeelanda, Holland, Utrecht, Genđen, Overisen,Friesland và Gronigen đã tiến hành hội nghị ở thành phố Utrecht và ra tuyên bố thành lập một đồng minh vĩnh viễn, đoàn kết với tên gọi là Đồng minh Utrecht. Hội nghị đã quyết định những vấn đề quan trọng: Hội nghị Ba đẳng cấp gồm đại biểu các tỉnh là cơ quan quyền lực cao nhất của Đồng minh, là cơ quan lập pháp, có quyền quyết định những công việc trọng yếu, như tuyên chiến, đình chiến, ký hòa ước, ban hành pháp luật và chế độ thuế khóa; Thống nhất tiền tệ, đo lường, tổ chức quân sự và chính sách đối ngoại; Theo tôn giáo Calvin nhưng người dân vẫn có quyền tự do tín ngưỡng.
Tháng 7.1581, Hội nghị Ba đẳng cấp lên án vua Felipe II là “bạo chúa” và chính thức phế truất quyền cai trị của ông ở Netherlands. Trên thực tế, các tỉnh miền Bắc đã liên minh với nhau thành một nước cộng hòa với tên gọi là Các tỉnh liên hiệp, đứng đầu là W. Orania với tư cách là Thống chế của nhà nước này. Về sau, Hội nghị Ba đẳng cấp quyết định lấy tên tỉnh lớn nhất là tỉnh Holland (Hà Lan), cũng là tỉnh có công lớn nhất trong cuộc đấu tranh chống Tây Ban Nha để thay thế cho tên Các tỉnh liên hiệp. Nước Cộng hòa Hà Lan với thủ đô là Amsterdam chính thức ra đời.
Nước Cộng hòa Hà Lan được thành lập là thắng lợi bước đầu của cuộc đấu tranh chống ách cai trị Tây Ban Nha. Vua Felipe II tìm mọi cách để xóa bỏ nước cộng hòa non trẻ này, như ám sát W. Orania năm 1585. Nhưng con trai cả của ông là Mois Orania lên thay đã tiếp tục đưa cách mạng tới toàn thắng. Chiến thắng của hạm đội Hà Lan ở eo biển Gibranta vào năm 1607 cùng với cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, ngày 9.4.1609, Tây Ban Nha buộc phải ký với Hà Lan hiệp định đình chiến kéo dài 12 năm (1609 – 1621). Mãi tới mùa thu năm 1648, sau thất bại trong cuộc Chiến tranh 30 năm mà Tây Ban Nha tham gia, tại Hội nghị Westphalia (Đức), Tây Ban Nha mới chính thức công nhận nền độc lập của 7 tỉnh miền Bắc, tức là nước Cộng hòa Hà Lan. Tuy nhiên, 10 tỉnh miền Nam vẫn thuộc quyền cai trị của Tây Ban Nha.
Cách mạng Netherlands là cuộc cách mạng tư sản diễn ra dưới hình thức một phong trào giải phóng dân tộc. là cuộc cách mạng tư sản đầu tiên trên thế giới, đã lật đổ ách thống trị thực dân của vương triều phong kiến Tây Ban Nha, lập ra nước cộng hòa tư sản đầu tiên trong lịch sử - Cộng hòa Hà Lan, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển ở 7 tỉnh miền Bắc Netherlands. Chỉ trong một thời gian ngắn, chủ nghĩa tư bản ở Hà Lan phát triển nhanh chóng với nền kinh tế đứng hàng đầu thế giới, là trung tâm thương mại, tiền tệ quốc tế, trở thành “nước tư bản kiểu mẫu trong thế kỷ XVII”.
Cách mạng Netherlands bùng nổ và thành công đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử thế giới – Thời cận đại, thời đại của các cuộc cách mạng tư sản và sự sụp đổ của chế độ phong kiến, mở đường cho các nước từ chế độ phong kiến tiển lên chủ nghĩa tư bản. Cách mạng Netherlands đã ảnh hưởng tới nhiều cuộc cách mạng sau đó, như cách mạng Anh, chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mỹ, cách mạng Pháp.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Phan Ngọc Liên (chủ biên), Hà Lan: đất nước – con người – lịch sử, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999.
- Phan Ngọc Liên (chủ biên), Lịch sử thế giới cận đại, tập 1, Nxb. Đại học Sư phạm, in lần thứ hai, 2010.
- Lại Bích Ngọc, Cộng hòa Hà Lan – một tời hoàng kim trên thị trường thế giới, Nxb. Giáo dục, 1997.
- Phạm Ngọc Tân (chủ biên), Giáo trình Lịch sử thế giới cận đại, Nxb. Đại học Vinh, 2020.