Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cách mạng tư sản Anh thế kỷ XVII

Cách mạng tư sản Anh thế kỷ XVII là cuộc đấu tranh giai cấp, tôn giáo diễn ra ở Anh trong thế kỷ XVII, lật đổ chế độ phong kiến chuyên chế, xác lập nền quân chủ lập hiến và địa vị của Thanh giáo, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển ở Anh, cg. cách mạng Anh.

Cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, nước Anh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế, xã hội và tư tưởng. Về kinh tế, cả công nghiệp, thương nghiệp và nông nghiệp đều phát triển mạnh mẽ kheo khuynh hướng tư bản chủ nghĩa. Trong công nghiệp, hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là công trường thủ công phân tán và tập trung đang dần thay thế hình thức sản xuất phường hội. Ngành công nghiệp dệt len dạ truyền thống phát triển mạnh nhất, sản phẩm được xuất khẩu sang nhiều nước Tây Âu, còn một số ngành công nghiệp mới như dệt vải, đóng tàu, làm thủy tinh, khai thác khoáng sản … cũng khá phát triển. Hoạt động thương nghiệp cũng được mở rộng khắp châu Âu, đến châu Mỹ và ở cả Bắc Phi, Ấn Độ với London là trung tâm thương mại, tài chính quốc tế. Sự phát triển của công nghiệp, thành thị và thương nghiệp dẫn đến nhu cầu tiêu thụ nông sản, lông cừu tăng mạnh, giá tăng vọt, quý tộc ở miền đông và tây nam đã đuổi tá điền ra khỏi ruộng đất họ đang canh tác, bao chiếm đất công, rào ruộng thành những mảnh lớn để trồng ngũ cốc hoặc biến thành đồng cỏ để chăn nuôi cừu. Sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã làm xuất hiện các giai cấp, tầng lớp mới như giai cấp tư sản, tầng lớp quý tộc mới và một đội quân vô sản đông đảo bên cạnh các giai cấp, tầng lớp cũ (quý tộc, phong kiến, nông dân, thợ thủ công). Trong đó, giai cấp tư sản gồm thương nhân và chủ các công trường thủ công, là giai cấp giàu có nhất trong xã hộị, nhưng không có địa vị chính trị tương xứng. Quý tộc mới là tầng lớp phân hóa từ giai cấp quý tộc, phong kiến, chuyển hướng kinh doanh theo phương thức tư bản chủ nghĩa nên vừa có địa vị chính trị, vừa có thế lực kinh tế. Nông dân, thợ thủ công bị phá sản vì phong trào rào ruộng và sự cạnh tranh của các công trường thủ công, dần biến thành tầng lớp vô sản, trở thành lao động làm thuê trong các công trường thủ công, đời sống khó khăn. Hơn nữa, về tư tưởng, vương triều Stuart cai trị dựa vào Anh giáo, thực hiện chính sách tôn giáo hà khắc, trong khi đại đa số tư sản, quý tộc mới và các tầng lớp quần chúng đều theo Thanh giáo – một tôn giáo cải cách có giáo lý, lễ nghi đơn giản, ít tốn kém hơn Anh giáo và Công giáo. Trong khi nước Anh đã và đang có sự chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt, những vị vua thuộc vương triều Stuart vẫn tiếp tục hình thức cai trị cũ và không có động thái thay đổi gì. Cả James I (1603-1625) và Charles I (1625-1649) vẫn duy trì quyền lực tuyệt đối. Thậm chí, Charles I đã cai trị trong suốt mười một năm (1629-1640) mà không có Nghị viện. Điều này gây nên sự bất mãn của đại đa số các tầng lớp nhân dân, nhất là giai cấp tư sản, quý tộc mới với các chính sách kinh tế, tôn giáo, ngoại giao của vương triều Stuart. Và cuộc đấu tranh chống lại sự cai trị độc đoán của nhà vua đã diễn ra gay gắt trong Nghị viện.

Nghị viện “ngắn” kiên quyết từ chối yêu cầu của Charles I về một khoản tiền để tăng cường chi phí cho cuộc chiến tranh ở Scotland và bị giải tán sau hơn hai tuần được triệu tập (từ ngày 13.4 đến ngày 5.5.1640). Khi được Charles I triệu tập lại ngày 3.11.1640 vì một khoản bồi thường cho Scotland, việc đầu tiên Nghị viện làm là luận tội và hành quyết các cố vấn cao cấp của nhà vua (William Laud và Bá tước Stratford), buộc nhà vua phải chấp nhận Đạo luật Ba năm, tuân thủ triệu tập Nghị viện thường xuyên, ít nhất ba năm một lần và không thể giải tán Nghị viện nếu không được sự đồng ý của nó. Thậm chí, Nghị viện còn thông qua Dự luật Dân quân (tháng 3.1642) và Mười chín kiến nghị (tháng 6.1642) để hạn chế quyền lực của Charles I trong việc bổ nhiệm sĩ quan chỉ huy quân đội, thành viên nội các cũng như thực hiện các chính sách tôn giáo, đối ngoại. Không chấp nhận, ngày 22.8.1642, tại Nottingham, Charles I tuyên chiến với Nghị viện, đánh dấu sự bùng nổ của cuộc nội chiến - sự kiện mở đầu cho cuộc Cách mạng tư sản Anh.

Khi cuộc nội chiến bắt đầu, nước Anh chia thành hai phe đối lập. Phe Bảo hoàng của nhà vua dựa vào quý tộc phong kiến ở các vùng phía bắc và tây bắc còn lạc hậu. Phe Nghị viện, đại diện cho giai cấp tư sản, quý tộc mới được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân ở khu vực đông nam có nền kinh tế phát triển với trung tâm là London. Xét về sức mạnh tổng thể, Nghị viện chiếm ưu thế. Tuy nhiên, do phái Trưởng lão, đại diện cho đại tư sản và quý tộc mới lớp trên, chiếm ưu thế trong Nghị viện muốn thỏa hiệp với nhà vua, dẫn đến thất bại liên tiếp trong giai đoạn đầu của cuộc nội chiến. Năm 1645, theo đề nghị của phái Độc lập, đại diện cho tư sản và quý tộc mới vừa và nhỏ có thái độ kiên quyết chống nhà vua, Nghị viện thông qua Đạo luật tổ chức lại quân đội, thành lập quân đội thường trực kiểu mới, tập trung, thống nhất đặt dưới sự chỉ huy của T.Fairfax và O.Cromwell. Đó chính là đội quân “sườn sắt”, nòng cốt là nông dân, dân nghèo thành thị theo Thanh giáo, được huấn luyện chuyên nghiệp, có tinh thần chiến đấu mạnh mẽ và tính kỷ luật cao. Nhờ vậy, phe Nghị viện đã giành được nhiều thắng lợi quân sự quan trọng, tiêu biểu là trận Naseby (tháng 6.1645) và chiếm được Oxford – trụ sở của phe hoàng gia (tháng 6.1646). Charles I bị bắt giữ tại Scotland và được giao nộp cho Nghị viện Anh, đánh dấu sự kết thúc cuộc nội chiến lần thứ nhất.

Sau cuộc nội chiến lần thứ nhất, Nghị viện trở thành cơ quan quyền lực cao nhất của Anh. Tuy nhiên, do phái Trưởng lão muốn dừng cuộc cách mạng, thương lượng với nhà vua, duy trì chế độ quân chủ và đảm bảo quyền lợi của mình nên đã thực hiện một số chính sách hạn chế, không đáp ứng được nguyện vọng của đa số quần chúng nhân dân, làm xuất hiện phái San bằng năm 1647.

Lo sợ ảnh hưởng của phái Độc lập và quân đội, tháng 2.1647, phái Trưởng lão ra lệnh giải tán quân đội, tổ chức các lực lượng vũ trang mới tại London. Phái Độc lập, đại diện là O.Cromwell quyết định dựa vào quân đội để giành quyền lực, thúc đẩy cách mạng đi lên. O.Cromwell đã tổ chức Hội nghị toàn quân, bầu ra Hội đồng Quân sự. Ngày 14.6.1647, Hội đồng tuyên bố chủ quyền thuộc về nhân dân và trở thành cơ quan chính trị thứ hai đối lập với Nghị viện. Ngày 6.8.1647, quân đội do phái Độc lập chỉ huy tiến vào London, thanh trừng và lật đổ phái Trưởng lão. Phái Độc lập đã giành ưu thế trong Nghị viện, nhưng trong nội bộ quân đội lại nảy sinh bất đồng giữa phái San bằng và phái Độc lập về chủ trương xóa bỏ chế độ quân chủ hay chỉ hạn chế quyền lực của nhà vua dẫn đến sự trấn áp phái San bằng của O.Cromwell (ngày 15.11.1647).

Mâu thuẫn trong nội bộ Nghị viện và quân đội tạo cơ hội cho lực lượng Bảo hoàng nổi dậy, Charles I bỏ trốn (tháng 11.1647) và tìm cách cấu kết với thế lực Bảo hoàng, thỏa thuận với Scotland, phát động cuộc nội chiến lần thứ hai. Tháng 7.1648, quân đội Scotland tiến vào Anh theo lời mời của Charles I, uy hiếp London. Phái Độc lập liên minh với phái San bằng dưới sự lãnh đạo của O. Cromwell đã dập tắt được cuộc nổi dậy của phe Bảo hoàng, đánh bại quân đội Scotland trong trận Preston (tháng 8.1648), bắt Charles I làm tù binh, kết thúc thắng lợi cuộc nội chiến lần thứ hai.

Phái Trưởng lão nắm bắt cơ hội để kiểm soát Nghị viện trong cuộc nội chiến lần thứ hai, tìm cách cản trở cuộc đấu tranh của quần chúng và trì hoãn việc tiếp tế quân lương. Khi nội chiến kết thúc, tháng 12.1648, quân đội tiến vào London lần thứ hai, chiếm đóng Nghị viện và trục xuất các thành viên của phái Trưởng lão, bắt giam những người chống đối. Nghị viện chỉ còn lại các đại biểu thuộc hoặc ủng hộ phái Độc lập nên được gọi là Nghị viện “cụt”. Tòa án Tối cao gồm 135 thành viên do Nghị viện “cụt” thành lập, đã tiến hành xét xử và kết tội Charles I là bạo chúa và phản quốc với mức án tử hình ngày 20.1.1649. Charles I bị đưa lên máy chém ngày 30.1.1649. Sau đó, Nghị viện thông qua quyết định xóa bỏ Thượng viện và chế độ quân chủ. Ngày 19.5.1649, Anh chính thức tuyên bố là một nước cộng hòa và là một quốc gia tự do. Hạ viện trở thành cơ quan quyền lực tối cao, nắm quyền lập pháp. Cơ quan hành pháp là Hội đồng Nhà nước gồm 41 thành viên của phái Độc lập do O.Cromwell đứng đầu.

Nền cộng hòa phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: sự chống đối của phái San bằng, cuộc đấu tranh hòa bình của phái Đào đất. Một mặt, thẳng tay trấn áp sự chống đối ở trong nước, mặt khác, O.Cromwell tiến hành chinh phục Ireland (tháng 8.1649), Scotland (1650-1652), chiến tranh với Hà Lan (1652). Được sự ủng hộ của Hội đồng Quân sự và giai cấp tư sản ở London, ngày 20.4.1653, O.Cromwell giải tán Hạ viện và theo đề nghị của Hội đồng, trở thành Bảo hộ công (tháng 12.1653), nắm cả quyền lập pháp, hành pháp và quân sự. Dưới chế độ Bảo hộ công, nước Anh được chia thành 11 khu vực hành chính, quân sự, đứng đầu mỗi khu vực là một sĩ quan quân sự cấp cao. Chế độ độc tài quân sự của O.Cromwell đã ổn định được tình hình kinh tế, trấn áp được thế lực Bảo hoàng và phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, thực hiện thành công chính sách đối ngoại bằng chiến thắng trước Hà Lan (1654) và giành ưu thế trong quan hệ với Bồ Đào Nha, Thụy Điển.

Tuy nhiên, sau khi O.Cromwell qua đời (tháng 9.1658), con trai ông là Richard đã không thể đảm đương chức vụ Bảo hộ công và bị buộc phải từ chức vào tháng 5.1659. Tình hình chính trị ở Anh rối ren, mâu thuẫn giai cấp gay gắt. Trước yêu cầu thành lập một chính quyền mới, giai cấp tư sản, quý tộc mới đã lựa chọn phục hồi sự cai trị của vương triều Stuart. Theo đó, Charles đang tị nạn ở Hà Lan được mời về lên ngôi vua Anh sau khi cam kết sẽ ân xá cho tất cả những người tham gia cách mạng và đảm bảo nguyên trạng chế độ sở hữu đất đai và tài sản.

Vương triều Stuart được phục hồi với sự đăng quang của Charles II (1660-1685) và James II (1685-1688). Tuy nhiên, cả hai đều muốn tăng cường quyền lực chuyên chế, phục hồi Anh giáo, thực hiện chính sách thân Pháp. Quý tộc và tư sản đã mời William xứ Orange, Quốc trưởng Hà Lan, con rể của James II, một tín đồ Tin lành đưa quân vào Anh làm cuộc chính biến, lật đổ James II. William nhanh chóng chiếm được London trong tháng 12.1688 mà không tổn thất vì James II đã bỏ trốn sang Pháp nên được giai cấp tư sản Anh ngợi ca là “Cách mạng quang vinh”. Sau chính biến, Nghị viện Anh trao ngôi vua, nữ hoàng Anh cho William và Mary. Ngày 16.12.1689, được sự chấp thuận của nhà vua và nữ hoàng, Nghị viện Anh thông qua Tuyên ngôn về quyền, quy định quyền lập pháp thuộc về Nghị viện, nhà vua chỉ nắm quyền hành pháp và cai trị theo luật pháp mà Nghị viện ban hành. Chế độ quân chủ lập hiến được xác lập ở Anh.

Cách mạng tư sản Anh có ý nghĩa to lớn đối với cả nước Anh và thế giới. Đối với nước Anh, thắng lợi của cách mạng đã xóa bỏ quan hệ sản xuất phong kiến lỗi thời, lật đổ chế độ phong kiến chuyên chế và sự thống trị của Giáo hội Anh, đưa giai cấp tư sản, quý tộc mới lên cầm quyền, xác lập nền quân chủ lập hiến, mở đường cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển ở Anh, tạo điều kiện cho Anh vươn lên trở thành cường quốc hàng hải đứng đầu thế giới cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII và cường quốc công nghiệp số một thế giới đầu thế kỷ XIX. Đối với thế giới, cách mạng Anh tác động gián tiếp thông qua cách mạng công nghiệp Anh, góp phần làm chín muồi các tiền đề kinh tế, xã hội cho sự bùng nổ các cuộc cách mạng tư sản ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ trong thế kỷ XVIII, XIX. Hơn thế, sự sáng tạo ra thể chế quân chủ lập hiến ở Anh không chỉ đóng góp cho sự phát triển của văn minh nhân loại mà còn là một thực tiễn sinh động để các nhà Triết học Khai sáng ở Pháp xây dựng và hoàn thiện lý thuyết về nhà nước, pháp luật và đặc biệt là thuyết tam quyền phân lập, cơ sở lý luận cho việc xây dựng, vận hành bộ máy nhà nước dân chủ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bùi Đức Mãn, Lược sử nước Anh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.
  2. Phan Ngọc Liên (chủ biên), Đào Tuấn Thành, Nguyễn Thị Huyền Sâm, Mai Thị Phú Phương, Lịch sử thế giới cận đại, tập 1, Nxb. Đại học Sư phạm, in lần thứ hai, Hà Nội, 2010.
  3. Woolrych A, Britain in Revolution, 1625–1660 (Nước Anh trong thời kỳ cách mạng, 1625-1660), Nxb. Đại học Oxford, 2002.
  4. Jenny Wormald, The Seventeenth Century 1603–1688 (Thế kỷ XVII, 1603-1688), Nxb. Đại học Oxford, 2008.
  5. Nicholas Tyacke, The English Revolution 1590–1720: Politics, Religion and Communities (Cách mạng Anh 1590-1720: chính trị, tôn giáo và cộng đồng), Nxb. Đại học Manchester, 2013.