Mục từ này cần được bình duyệt
Cách mạng giải phóng dân tộc

(N: национально-освободительная революция, A: national liberation revolution, - Ph: révolution de libération nationale): cách mạng phát triển từ phong trào giải phóng dân tộc và nhằm thủ tiêu sự thống trị của nước ngoài, giành độc lập dân tộc, xoá bỏ sự áp bức và bóc lột thực dân, thực hiện quyền dân tộc tự quyết, thành lập nhà nước dân tộc. Đó là sự biến chuyển sâu sắc về chính trị và xã hội trong đời sống nhân dân các nước phụ thuộc, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Cách mạng giải phóng dân tộc triển khai ở châu Âu và châu Mỹ trong thế kỷ XVI - XIX. Các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc chống ách thống trị của chủ nghĩa thực dân diễn ra không ngừng trong thế kỷ XX. Trong chiến tranh thế giới II, cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa phát xít Đức, ý, Nhật ở châu Âu và châu á mang tính chất giải phóng dân tộc. Sau chiến tranh, cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc mang tính chống phong kiến, chống đế quốc, trở thành cao trào đưa đến sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa.

Trong cách mạng giải phóng dân tộc, phong trào dân chủ, chống đế quốc, chống phong kiến của quần chúng nhân dân phát triển rộng rãi, nhằm đạt được độc lập về chính trị, xây dựng bộ máy nhà nước dân chủ, thủ tiêu trật tự phong kiến, tiến hành cải cách ruộng đất, xây dựng nền công nghiệp dân tộc. Tất cả những nhiệm vụ này đều mang tính chất dân chủ chung, và trong quá trình đấu tranh nhằm triệt để thực hiện các nhiệm vụ ấy đã hình thành một mặt trận dân tộc rộng rãi của các lực lượng chống đế quốc. Động lực chủ yếu của cách mạng giải phóng dân tộc là giai cấp công nhân và nông dân; tham gia tích cực có nhiều tầng lớp: tiểu tư sản thành thị, trí thức yêu nước, tư sản dân tộc, binh lính, thanh niên, v.v… Ở nhiều nước, giai cấp công nhân chưa được chuẩn bị về chính trị, về tư tưởng và tổ chức để lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc. Trong trường hợp đó, các đại biểu của những tầng lớp xã hội trung gian xuất hiện ở hàng đầu trên vũ đài chính trị ở các quốc gia non trẻ. Ở nhiều nước, mặt trận dân tộc rộng rãi dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân đưa đến việc thành lập nền chuyên chính dân chủ cách mạng, thực hiện cải tạo kinh tế - xã hội sâu sắc phù hợp lợi ích của đa số nhân dân.

Trong giai đoạn đầu, cách mạng giải phóng dân tộc không giải quyết trực tiếp những nhiệm vụ xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu chủ yếu của nó là giải phóng đất nước khỏi chủ nghĩa thực dân, thực hiện những cải cách dân chủ chung. Tuy nhiên, xét về tính chất của nó, cách mạng giải phóng dân tộc do giai cấp công nhân lãnh đạo không đóng khung trong phạm vi cách mạng dân chủ - tư sản thông thường. Phát triển theo hướng đi lên, cách mạng giải phóng dân tộc có thể chuyển thành cuộc đấu tranh của nhân dân lao động cho con đường phát triển không tư bản chủ nghĩa, hướng lên chủ nghĩa xã hội.

Tài liệu tham khảo:

1. Từ điển Chủ nghĩa xã hội khoa học (1976). Nxb Tiến bộ Mátxcơva

2. Từ điển Bách khoa Việt Nam ;

3. M.M. Rodentan (chủ biên) (1975)Từ điển triết học. Nxb Tiến bộ Mátxcơva

4. C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.