Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cách mạng Nhật Bản

Cách mạng Nhật Bản cuộc đấu tranh lật đổ chế độ Mạc phủ đưa Thiên hoàng Minh Trị lên nắm quyền lực ở Nhật Bản vào tháng 1.1868.

Vào giữa thế kỷ XIX, chế độ phong kiến Nhật Bản Tokugawa sau mấy thế kỷ cầm quyền đã rơi vào tình trạng suy thoái, không còn khả năng đáp ứng được sự phát triển, không đủ sức ngăn chặn sự xâm nhập của các cường quốc phương Tây.

Nền nông nghiệp dựa trên quan hệ phong kiến. Pháp luật không công nhận người nông dân có quyền chiếm hữu ruộng đất, hầu hết trở thành tá điền, họ phải nộp tô cho lãnh chúa và địa chủ (Dzinusi) lên tới 70% thu hoạch ( mức quy định của pháp luật là 50%). Tình trạng mất mùa, dịch bệnh xảy ra thường xuyên. Trong nửa thế kỷ (1790 – 1840), nước Nhật có 22 lần mất mùa, nạn đói bao trùm nhiều vùng trong cả nước.

Người nông dân mất ruộng chạy ra thành thị kiếm việc làm, hình thành tầng lớp thị dân mới sống ở các đô thị, như ở Edo, Osaka, Kyoto,… Các công trường thủ công và phường hội xuất hiện ở các công quốc vào những năm 20 của thế kỷ XVIII và phát triển mạnh trong nửa đầu thế kỷ XIX, nhưng cũng bị cản trở bởi chế độ Mạc phủ.

Chính quyền Shogun (Tướng quân) muốn duy trì nguyên trạng chế độ đẳng cấp, nhưng trong bối cảnh mới, quan hệ giai cấp dần dần tan rã, làm xuất hiện những giai cấp mới. Daimyo (quý tộc phong kiến lớn) phân hóa thành hai thế lực (lực lượng bảo thủ là các phiên phía bắc, đại diện là Daimyo ở Hokkaido; lực lượng có xu hướng canh tân, chống lại chế độ quân sự phong kiến, tiêu biểu như ở Satsuma, Choshu,Hizen, Tosa. Samurai (tầng lớp võ sĩ, có học thức), chuyên phục vụ quân sự cho các Daimyo. Xã hội phát triển, nhiều người trong số họ rời bỏ các lãnh địa và các Daimyo ra thành thị trở thành những nhà kinh doanh, muốn cải biến xã hội, có tư tưởng chống lại Shogun. Thương nhân ở Osaka có thế lực về kinh tế, đặc biệt là những tập đoàn thương gia lúa gạo lớn đã nắm mạch sống của đất nước, nhiều Daimyo đã lệ thuộc về tài chính và trở thành con nợ của họ.

Các cuộc khởi nghĩa nông dân và thị dân ngày càng gia tăng làm sói mòn chế độ phong kiến, chỉ tính trong 67 năm của thế kỷ XIX có tới 538 cuộc vùng dậy. Các cuộc khởi nghĩa cho thấy đến lúc này chính quyền Tokugawa không đủ sức điều hòa các mâu thuẫn xã hội và tìm ra còn đường đi lên của nước Nhật.

Từ năm 1858 trở đi, Mỹ và các cường quốc châu Âu đã gây sức ép mở cửa Nhật Bản, buộc nước này phải ký các điều ước bất bình đẳng. Tình hinh đó làm cho nước Nhật rơi vào địa vị phụ thuộc nước ngoài. Các lực lượng chống Shogun (đứng đầu là các công quốc Satsuma, Choshu, Hizen, Tosa) hợp thành một thế lực và nêu cao khẩu hiệu bài ngoại ủng hộ Thiên hoàng. Vào đầu năm 1860, các nước phương Tây đều ủng hộ Shogun nhằm bảo vệ quyền lợi của họ. Năm 1862, lấy cớ nhà buôn Anh là Richardson bị giết, Anh đòi bồi thường và đưa hạm đội tới gây áp lực. Tháng 8.1863, chiến hạm Anh bắn phá cảng Kagoshima thuộc công quốc Satsuma. Ngay sau đó, Anh thiết lập quan hệ với Satsuma, tiếp đó với Choshu vì các công quốc này chịu bồi thường cho Anh. Từ đó, họ nhận được sự ủng hộ của Anh về quân sự, các công quốc chống Shogun đều bỏ khẩu hiệu chống người nước ngoài, mặc dù phong trào bài ngoại trong dân chúng vẫn không mất đi.

Đến năm 1864, sự can thiệp của nước ngoài vào Nhật Bản ngày càng tăng, hạm đội của Mỹ, Anh, Pháp và Hà Lan tấn công Shimonoseki, đòi quyền qua lại cảng này. Sự tấn công của các nước phương Tây vào Nhật Bản làm cho mâu thuẫn dân tộc rất gay gắt. Người Nhật nhận thấy,muốn chống được các thực dân phương Tây thì phải lật đổ Mạc phủ. Vào năm 1865, phái chống Shogun ở Choshu mạnh lên. Họ tổ chức quân đội theo kiểu phương Tây với sự giúp đỡ của chuyên gia người Anh. Satsuma là công quốc mạnh ở phía nam đã liên minh với Choshu chống lại Shogun. Các công quốc Tosa, Hizen cũng đều lần lượt ủng hộ liên minh này. Như vậy, ở phía tây nam, mặt trận chống Mạc phủ đã hình thành. Tháng 6.1866, cuộc chinh phạt của Shogun nhằm khuất phục Choshu thất bại, chính quyền Mạc phủ không còn nhận được sự ủng hộ của các công quốc như trước nữa.

Tháng 9.1867, các công quốc chống Mạc phủ đã tập trung binh lực theo lệnh của Thiên hoàng thảo phạt Mạc phủ. Trước nguy cơ nội chiến, Goto Shojiro và Sakamoto thông qua lãnh chúa công quốc Tosa khuyên Tokugawa Yoshinobu nên trao trả lại chính quyền cho Thiên hoàng. Nghe theo lời khuyên này, ngày 14.10.1867, tại Kyoto Tokugawa đã trao trả quyền lực chính trị cho triều đình Kyoto – Thiên hoàng Mutsuhito, mặc dù sau đó, ngày 1.1.1868, họ còn đưa quân về Kyoto giao chiến với quân chính phủ kéo dài đến tháng 5.1869, và bị bại trận phải rút về Edo, rồi đầu hàng, sau đó được nhà vua ân xá cho trở về lãnh địa và vẫn được giữ tước hiệu quý tộc.

Như vậy, quyền lực Shogun của dòng họ Tokugawa kéo dài 265 năm đã chấm dứt. Ngày 3.1.1868, Mutsuhito quyết định phế truất quyền Shogun và thành lập chính phủ mới. Ngày 6.4.1868, Thiên hoàng Minh Trị tuyên bố “Ngũ điều ngự thệ văn”. Đây là cương lĩnh chính trị xây dựng đất nước theo mô hình phương Tây. Ngày 11.4.1868, chính phủ công bố “Chính thể thư” nêu rõ Nhật Bản sẽ thực hiện chế độ tam quyền phân lập. Các lực lượng quân sự của Satsuma và Choshu được giao phó bảo vệ chính phủ Thiên hoàng.

Cuộc đấu tranh để giành quyền lực về tay Thiên hoàng có ý nghĩa cách mạng bởi nó loại bỏ cái bảo thủ, tạo ra những điều kiện mới cho sự phát triển của nước Nhật, đặt nền móng cho cuộc cải cách sâu rộng sau đó – cải cách Minh Trị, đưa Nhật Bản bước vào thời đại cận đại hóa

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng – Võ Mai Bạch Tuyết, Lịch sử cận đại thế giới, quyển 1, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1986.
  2. Phan Ngọc Liên (chủ biên), Định Ngọc Bảo, Trần Thị Vinh, Đỗ Thanh Bình, Lịch sử Nhật Bản, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1995.
  3. Nguyễn Quốc Hùng (chủ biên), Đặng Xuân Kháng, Nguyễn Văn Kim, Phan Hải Linh, Lịch sử Nhật Bản, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2007.
  4. Vũ Dương Ninh (chủ biên), Phong trào cải cách ở một số nước Đông Á giữa thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007.