Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cách mạng Algeria
Hình ảnh chiến tranh Pháp tại Algeria

Cách mạng Algeria(1954 - 1962) là cuộc đấu tranh của nhân dân Algeria, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng, chống lại ách cai trị của thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc và dân chủ.

Từ thế kỷ XIX, Algeria bị thực dân Pháp xâm lược và biến thành thuộc địa. Người dân Algeria bị tư bản thực dân Pháp chiếm đoạt ruộng đất, bóc lột thuế khóa, tước đoạt các quyền tự do dân chủ. Từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1954, nhân dân Algeria đã nổi dậy đấu tranh giành độc lập dân tộc và dân chủ, nhưng bị thực dân Pháp đàn áp và thất bại.

Năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Algeria. Các nhà cách mạng Algeria nhận thấy sự thất bại của Pháp ở Đông Dương là cơ hội thuận lợi để đẩy mạnh cuộc đấu tranh giành độc lập. Ngày 23.10.1954, họ thành lập tổ chức Mặt trận Giải phóng dân tộc (Front de libération nationale (FLN) để lãnh đạo phong trào đấu tranh giành độc lập ở Algeria. FLN cùng với Quân đội Giải phóng dân tộc (Armée de libération nationale (ALN), lãnh đạo, tổ chức chiến tranh du kích, tấn công chính quyền và quân đội thuộc địa Pháp ở nhiều nơi

Ngày 1.11.1954, FLN lãnh đạo nhân nhân Algeria tiến hành đồng thời hơn 30 cuộc tấn công vũ trang vào các cơ sở hành chính, quân sự của chính quyền thực dân Pháp, mở đầu cho cuộc chiến tranh giành độc lập của Algeria. Các cuộc đấu tranh của nhân dân Algeria khiến chính quyền thuộc địa và chính phủ Pháp phân hóa, mâu thuẫn và khủng hoảng trầm trọng. Tháng 4.1958, nội các của Thủ tướng Felix Gaillard bị đổ, nội các mới do Pierre Pflimlin đứng đầu được thành lập. Chính phủ Pierre Pflimlin chủ trương đàm phán trao trả độc lập của Algeria, nhưng phe thực dân trong chính quyền và quân đội Pháp ở Algeria chống đối. Ngày 13.5.1958, nhóm này tổ chức biểu tình, bao vây dinh Toàn quyền hòng gây sức ép buộc Chính phủ Pháp duy trì chế độ thuộc địa ở Algeria. Lo sợ một cuộc đảo chính có thể nổ ra và để mở đường giải quyết vấn đề Algeria, Pierre Pflimlin từ chức Thủ tướng sau 16 ngày cầm quyền. Ngày 1.6.1958, tướng de Gaulle lên làm Thủ tướng và trở thành Tổng thống Pháp từ tháng 1.1959.

Chính quyền de Gaulle chủ trương mở rộng quyền tự trị cho nhân dân Algeria. Ngày 28.9.1958, chính quyền Pháp tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về chủ trương hòa hợp dân tộc ở Algeria nhằm xoa dịu phong trào đấu tranh của nhân dân Algeria. FLN đã bác bỏ đề nghị này và kiên trì đấu tranh buộc Pháp trao trả độc lập cho Algeria. Để duy trì nền thống trị của mình, chính quyền thuộc địa Pháp ở Algeria tiến hành đàn áp lực lượng cách mạng. Từ cuối năm 1958 đến đầu năm 1959, quân đội Pháp tiến hành nhiều cuộc càn quét lớn, gây nhiều khó khăn và tổn thất cho các lực lượng du kích cách mạng Algeria.

Ngày 18.9.1958, Chính phủ lâm thời Cộng hòa Algeria (Gouvernement provisoire de la République algérienne (GPRA) chính thức được thành lập. Ngay sau khi thành lập, Chính phủ lâm thời Cộng hòa Algeria đã đề nghị Liên hợp quốc gây sức ép buộc Pháp trao trả độc lập cho Algeria.

Từ cuối năm 1959, chính quyền de Gaulle chủ trương ngừng chiến, đàm phán với Mặt trận Giải phóng dân tộc để trao trả độc lập cho Algeria, nhưng bị nhóm thực dân trong chính quyền và quân đội Pháp ở Algeria chống đối quyết liệt. Tháng 1.1960, nhóm này tổ chức một cuộc nổi dậy thủ đô Algiers. Chính quyền thuộc địa đã nổ súng đàn áp, khiến 26 dân thường thiệt mạng. Mặt trận Giải phóng dân tộc Algeria tuyên bố tiếp tục kháng chiến buộc Pháp trao trả độc lập.

Từ năm 1960, chính quyền Pháp thực hiện một số biện pháp cứng rắn hơn đối với những phe nhóm chống đối chủ trương trao trả độc lập cho Algeria, đồng thời nối lại đàm phán với Mặt trận Giải phóng dân tộc Algeria. Để tạo đồng thuận trong dư luận, ngày 8.1.1961, chính quyền de Gaulle tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc trao cho Tổng thống quyền quyết định trong giải quyết cuộc xung đột ở Algeria. Phần lớn cử tri ở Pháp và người dân Algeria bỏ phiếu tán thành. Ngược lại, hầu hết tư bản thực dân người Âu ở Algeria bỏ phiếu chống để phản đối chủ trương trao trả độc lập cho Algeria.

Ngày 22.4.1961, một số tướng lĩnh trong quân đội thuộc địa Pháp ở Algeria tiến hành đảo chính cướp chính quyền và phá hoại đàm phán giữa chính quyền Pháp và Mặt trận Giải phóng dân tộc Algeria. Tuy nhiên, cuộc đảo chính nhanh chóng bị dập tắt. Nhóm này rút vào hoạt động bí mật, thành lập ra Tổ chức vũ trang bí mật (Organisation de l’armée secrète (OAS), tiếp tục tìm cách ngăn cản, phá hoại quá trình đàm phán trao trả độc lập cho Algeria.

Được sự ủng hộ của người dân Pháp, bất chấp sự chống phá và ngăn cản của OAS, các cuộc đàm phán giữa chính quyền Pháp và Mặt trận Giải phóng dân tộc Algeria tiếp tục diễn ra và đạt được sự đồng thuận. Ngày 18.3.1962, hai bên ký kết Hiệp định Évian. Theo đó, nền độc lập của Algeria sẽ do nhân dân Algeria quyết định bằng cuộc trưng cầu dân ý dự kiến tổ chức vào ngày 1.7.1962. Tính mạng và tài sản của người Pháp ở Algeria được bảo đảm. Trong 3 năm, người Algeria có quyền mang hai quốc tịch, Pháp hoặc Algeria. Pháp có quyền duy trì 90.000 quân trong 3 năm, duy trì các sân bay và căn cứ quân sự ở Sahara trong 5 năm, duy trì căn cứ hải quân, không quân trong 15 năm. Pháp tiếp tục tài trợ kinh tế cho Algeria. Hai bên cùng nhau hợp tác khai thác dầu mở ở Sahara. Algeria tiếp tục là thành viên trong khu vực đồng franc.

Ngày 8.4.1962, chính quyền Pháp tổ chức cuộc trưng cầu ý kiến người dân, 90% cử tri Pháp tán thành Hiệp định Évian và đồng ý trao trả độc lập cho Algeria. Ngày 1.7.1962, cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức ở Algeria, 99,72% người dân đồng ý thành lập nhà nước Algeria độc lập. Ngày 3.7.1962, Pháp chính thức thừa nhận nền độc lập của Algeria. Ngày 5.7.1962, Algeria tổ chức lễ tuyên bố độc lập tại thủ đô Algiers, đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc ở Algeria.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Charles Robert Ageron, Histoire de l’Algérie contemporaine (1830 - 1988), Presse universitaires de France (Lịch sử Algeria hiện đại 1830 – 1988, Tạp chí đại học Pháp), Paris, 1964.
  2. Le Tourneau Roger, La révolution algérienne, Revue d’Occident musulman et de la Méditerranée (Cách mạng Algeria, Tạp chí Phương Tây Hồi giáo và Địa Trung Hải), N0 5, 1968, tr.153 - 160.
  3. Fabien Dunand, L’indépendance de l’Algérie: décision politique sous Ve République (1958 - 1962), thèse 1977 (Nền độc lập của Algeria: quyết định chính trị dưới nền Cộng hòa thứ năm 1958 – 1962, luận án bảo vệ năm 1977).
  4. Gerard Chaliand, Juliette Minces, L’Algérie indépendante: bilan d’une révolution nationale (Algeria độc lập: tổng kết một cuộc cách mạng dân tộc) Paris, 1972.
  5. Henri Alleg, La guerre d’Algérie (Chiến tranh Algeria) Paris, 1981.
  6. Charles Robert Ageron, Les accords d'Évian (1962), Revue d'histoire, N° 35, juillet-septembre 1992 (Hiệp định Évian, Tạp chí Lịch sử, số 35, tháng 7, 8, 9.1992), tr. 3 - 15.