Các giai đoạn phát triển tâm lý theo Erik Erikson là lý thuyết phân tích tâm lý học toàn diện, xác định một chuỗi gồm 8 giai đoạn mà một người phát triển lành mạnh sẽ phải trải qua từ lúc lọt lòng cho đến khi già.
Năm 1959, nhà tâm lý học Mỹ, gốc Đức Erik Erikson (1902 - 1994) đưa ra lý thuyết về các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi.
Năm giai đoạn đầu diễn ra tới năm 18 tuổi và ba giai đoạn còn lại trải dài tới tuổi trưởng thành. Mỗi giai đoạn được đặc trưng bởi một dạng khủng hoảng tâm lý xã hội xuất phát từ sự xung đột giữa nhu cầu của cá nhân và yêu cầu của xã hội. Nếu khủng hoảng này được giải quyết nó sẽ là tiền đề cho sự phát triển tâm lý của cá nhân trong giai đoạn tiếp theo. Ngược lại, nếu khủng hoảng không được giải quyết thì sự thất bại này sẽ gây nên những rối loạn phát triển trong những giai đoạn sau của con người.
Giai đoạn 1: Niềm tin và nghi ngờ (từ 0 - 1 tuổi): Trong giai đoạn này, trẻ có quan hệ xã hội chủ yếu với bố, mẹ, đặc biệt là người mẹ và những người trong gia đình. Sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ tạo cho trẻ lòng tin, cảm giác được thỏa mãn, thứ mà chúng sẽ mang theo đến các mối quan hệ khác và chúng sẽ có thể cảm thấy an toàn ngay cả khi bị đe dọa. Thành công trong giai đoạn này sẽ dẫn đến đức tin. Bằng cách phát triển cảm giác tin tưởng, trẻ có thể hy vọng rằng ngay cả khi có khủng hoảng mới xảy ra thì vẫn có khả năng sẽ có người giúp đỡ chúng. Không có được đức tin sẽ dẫn đến sự phát triển của sợ hãi.
Giai đoạn 2: Niềm tin và nghi ngờ (1 - 3 tuổi): Đây là giai đoạn hình thành tính tự chủ, ý thức độc lập, mong muốn có quyền riêng ở đứa trẻ. Trẻ luôn luôn nói “để con”, “của con”, “tự con làm”,… và đôi khi chúng tỏ ra bướng bỉnh. Những hành vi luôn ngăn cấm và hạn chế sự thể hiện tính độc lập của trẻ sẽ làm cho trẻ dễ nảy sinh cảm giác nghi ngờ, xấu hổ dẫn đến nhút nhát và lệ thuộc vào người khác. Nếu trẻ trong giai đoạn này được khuyến khích và hỗ trợ để trở nên độc lập, chúng sẽ trở nên tự tin hơn và giữ vững khả năng của mình để tồn tại trong thế giới. Nếu trẻ em bị chỉ trích, quá kiểm soát, hoặc không có cơ hội để khẳng định mình, chúng bắt đầu cảm thấy không đủ khả năng để tồn tại và sau đó có thể trở nên quá phụ thuộc vào người khác, thiếu lòng tự tôn và cảm thấy có một cảm giác xấu hổ hay nghi ngờ vào khả năng của mình.
Giai đoạn 3: Khả năng khởi sự công việc và mặc cảm - Giai đoạn phallic (3 - 6 tuổi): Nó còn được coi là giai đoạn của óc sang kiến - giai đoạn của sự sáng tạo, bởi trẻ khá tò mò, muốn tìm hiểu thế giới xung quanh bằng nhiều con đường. Chính vì vậy, chúng thường có những trò chơi nguy hiểm, hay đặt ra nhiều câu hỏi “tại sao?”. Nếu có được cơ hội này, trẻ em phát triển ý thức chủ động và cảm thấy an toàn về khả năng để dẫn dắt người khác và đưa ra quyết định của mình. Ở giai đoạn này cần động viên, khuyến khích trí tưởng tượng, tò mò của trẻ dưới sự kiểm soát của người lớn. Ngược lại, nếu xu hướng này bị cản trở hoặc trẻ bị nhận những lời chỉ trích, bị kiểm soát, sẽ phát triển cảm giác tội lỗi ở chúng. Lúc đó trẻ cảm thấy bản thân giống như một mối phiền toái cho người khác và vì thế sau này chúng sẽ là người luôn theo sau, thiếu sự chủ động, trẻ sẽ không biết làm việc tốt, có xu hướng rụt rè và cảm giác tội lỗi.
Giai đoạn 4: Giai đoạn tiềm ẩn (6 - tuổi dậy thì): Trẻ ở giai đoạn này thường cần cù, chăm chỉ, hào hứng tiếp thu những kỹ năng mới. Quan hệ xã hội với bạn bè bắt đầu chiếm tỷ trọng lớn. Nếu trẻ em được khuyến khích và củng cố cho các sáng kiến của mình, chúng bắt đầu cảm thấy cần cù và cảm thấy tự tin vào khả năng của mình để đạt được mục đích đề ra. Nếu sáng kiến này không được khuyến khích, khi bị hạn chế bởi cha mẹ hoặc giáo viên, trẻ bắt đầu cảm thấy thua kém hơn, nghi ngờ khả năng của mình và vì vậy có thể không đạt tới tiềm năng thực của mình. Cơ thể của trẻ phát triển chưa cân đối, sự điều hòa, phối hợp chân tay chưa nhịp nhàng và ăn khớp, do vậy đôi khi trẻ tỏ ra vụng về. Không vì vậy mà la mắng trẻ, hãy khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động, đây là tiền đề cho việc hình thành cảm giác thành công ở trẻ. Sự cấm đoán sẽ làm cho trẻ không dám giao tiếp, không có cơ hội để phát triển trí tuệ. Cảm giác tự ti, kém cỏi cũng bắt nguồn từ chính những hạn chế này.
Giai đoạn 5: Giai đoạn sinh dục (Tuổi dậy thì đến 20 tuổi): Khi này cơ thể trẻ đã phát triển nhanh, cân đối dần và đây là thời kỳ quá độ từ trẻ em sang người lớn. Một mặt, trẻ đang muốn thể hiện sự “người lớn” ở mình nhưng đôi khi cũng có những biểu hiện thoái bộ về thời nhỏ. Chúng đã tạo dựng cho mình lòng tự trọng rất lớn. Trong khoảng thời gian này, trẻ tìm hiểu và bắt đầu hình thành bản sắc riêng của mình dựa trên các kết quả của các cuộc khám phá. Thất bại trong việc thiết lập một ý thức về bản sắc trong xã hội (“Tôi không biết những gì tôi muốn khi tôi lớn lên”) có thể dẫn đến nhầm lẫn vai trò. Nhầm lẫn vai trò liên quan đến các cá nhân không được chắc chắn về bản thân hoặc vị trí của mình trong xã hội. Thái độ và hành vi thể hiện sự không tôn trọng trẻ hay những lời quở trách, phê phán đối với trẻ dễ làm cho trẻ tự ái hay dỗi hờn.
Giai đoạn 6: Gắn bó và Cô lập (20 - 35 tuổi): Erik Erikson xem đây là tuổi của yêu thương và lao động (tình yêu nam nữ, tình cảm gia đình, bố mẹ, con cái..), học hành và nghề nghiệp. Trong giai đoạn này, khả năng độc lập, tự chủ, ý chí nghị lực, tinh thần trách nhiệm của cá nhân là khá cao. Nếu không có được sự yêu thương con người có xu hướng cô lập, vị kỷ, tự say mê với chính mình.
Giai đoạn 7: Sáng tạo và Ngừng trệ (35 - 60 tuổi): Lứa tuổi trung niên là lứa tuổi mà phần lớn cá nhân đã có sự hoàn thiện về gia đình, nghề nghiệp, quan hệ xã hội. Những người ở lứa tuổi này đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống cũng như kinh nghiệm trong công việc, vì vậy người ta thường coi đây là giai đoạn của tư duy sáng tạo, của sự hoàn thiện với tính độc lập cao, khả năng tự chủ và cống hiến cho khoa học kỹ thuật cũng như cho gia đình và xã hội. Nếu như cá nhân trong giai đoạn này chưa đạt được các yêu cầu về gia đình, xã hội và nghề nghiệp, thì họ thường rơi vào tình trạng ngưng trệ, thường có cảm giác như không làm được việc gì đó quan trọng cho bản thân, gia đình và xã hội.
Giai đoạn 8: Hoàn thành và Thất vọng (60 tuổi trở đi): Khi đã vào giai đoạn này con người thường có thay đổi lớn theo hướng giảm sút về sức khỏe, về thu nhập và các mối quan hệ xã hội. Việc con cái trưởng thành, lập gia đình và sống độc lập, hay chấm dứt lao động để về hưu dễ làm họ có cảm giác hụt hẫng, thậm chí cảm thấy cô đơn, lo lắng. Nếu người già mãn nguyện với những gì họ đã đạt được ở trong các giai đoạn trước như sự nghiệp, gia đình, con cái,… thì họ dễ dàng chấp nhận những giảm sút về sức khỏe, thu nhập và vị thế xã hội, họ cũng không day dứt khi cận kề cái chết. Ngược lại, những người thấy mình chưa làm được nhiều điều, chưa hoàn thành “nghĩa vụ” đối với gia đình và xã hội, khi về già họ thường kém thích nghi với những thay đổi, quá trình lão hóa ở họ diễn ra nhanh hơn và họ thường hối tiếc về quá khứ.
Học thuyết về các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi của Erik Erikson mang lại nhiều đóng góp cho tâm lý học phát triển. Cùng với các học thuyết phát triển tâm lý theo giai đoạn khác trong Tâm lý học, ông đã dựng nên một khung khổ phát triển tâm lý con người từ lúc sinh ra đến lúc về già sát với cuộc sống, một lý thuyết phát triển có thể kiểm chứng bằng thực tiễn. Một trong những thế mạnh của lý thuyết Erikson là khả năng kết hợp chặt chẽ các giai đoạn phát triển tâm lý quan trọng trong cả vòng đời con người. Tuy nhiên, lý thuyết về các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của Erikson là khá mơ hồ về nguyên nhân của những sự phát triển. Nó cũng chưa chỉ ra được những kinh nghiệm nào con người cần phải có để thành công giải quyết những xung đột tâm lý xã hội khác nhau và chuyển từ giai đoạn này qua giai đoạn khác? Lý thuyết của ông cũng không đưa ra được một cơ chế chung để giải quyết khủng hoảng tâm lý ở các giai đoạn phát triển.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
- Erikson, Erik H. (Erik Homburger), Dimensions of a new identity, W.W. Norton and Co. ISBN 9780393009231, OCLC 732894649, 1979.
- Gross, R. D., & Humphreys, P., Psychology: The science of mind and behaviour, London: Hodder & Stoughton, 1992.
- Bee, H. L., The developing child, London: HarperCollins, 1992.
- McAdams, D. P., & De St. Aubin, E., A Theory of Generativity and Its Assessment through Self-Report, Behavioral Acts, and Narrative Themes in Autobiography, Journal of Personality and Social Psychology, 62 (6), Retrieved February 15, 2017, 1992, pp. 1.003 - 1.015.
- Raymond J. Corsini, The Dictionary of Psychology, Braun - Brumfield, ML, 1999.
- Hutchison, Elizabeth D., Dimensions of Human Behavior: The Changing Life Course, 4th ed., Vol. 10, SAGE Publications Ltd, 2010.