Mục từ này cần được bình duyệt
Buộc tội

, hoạt động của Viện Kiểm sát Nhân dân theo quy định của pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm.

Cùng với chức năng gỡ tội và chức năng xét xử, BT là một trong những chức năng cơ bản của tố tụng hình sự, do các chủ thể nhất định thực hiện theo trình tự, thủ tục mà pháp luật tố tụng hình sự quy định nhằm đưa ra cáo buộc về trách nhiệm hình sự đối với người, pháp nhân bị BT và chứng minh tính có căn cứ, hợp pháp của cáo buộc đó, góp phần thực hiện nhiệm vụ của tố tụng hình sự.

Trong tố tụng hình sự, BT là chức năng của Viện Kiểm sát/viện công tố khi thực hành quyền công tố. Chức năng BT của Viện Kiểm sát/viện công tố trước tòa án đều được khẳng định rõ trong Luật tổ chức Viện Kiểm sát/Viện công tố các nước. Ở Việt Nam, Viện Kiểm sát trong tố tụng hình sự thực hiện việc BT của Nhà nước đối với người hoặc pháp nhân phạm tội.

Việc BT được thực hiện trong suốt quá trình tố tụng hình sự, từ khi có người hoặc pháp nhân bị BT cho đến khi bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật hoặc khi có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả các bị can thì có thể đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với từng bị can. Trong trường hợp này việc BT chỉ kết thúc đối với bị can đã có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án. Đối với các bị can khác vẫn tiếp tục bị BT.

Đối tượng bị BT gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp cũng có thể được xem là đối tượng bị BT.

Tại phiên tòa, Viện Kiểm sát thực hiện nhiệm vụ BT bằng việc công bố bản cáo trạng truy tố bị can ra trước toà án, tranh tụng (xét hỏi, trình bày lời luận tội và tranh luận) để bảo vệ bản cáo trạng, kháng nghị bản án của toà án theo thủ tục phúc thẩm và tham gia phiên toà phúc thẩm để bảo vệ bản kháng nghị.

Ngoài Viện Kiểm sát, việc BT cũng được thực hiện bởi cơ quan điều tra, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật. Khi có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can (cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố bị can đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng), tiến hành việc điều tra và nếu chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì ra bản kết luận điều tra (kết thúc điều tra) và đề nghị Viện Kiểm sát truy tố.

Bị hại và người đại diện của họ cũng thực hiện một số hành vi BT. Trong một số trường hợp, theo quy định của pháp luật, bị hại hoặc đại diện của bị hại có quyền yêu cầu khởi tố vụ án để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Trong trường này, bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày lời BT tại phiên tòa; trong những trường hợp khác bị hại cũng có quyền tranh luận để BT đối với bị cáo.

Việc Toà án ra bản án kết tội đối với bị cáo không phải là BT. Đó là kết quả của việc Toà án thực hiện chức năng xét xử đối với sự BT của Viện Kiểm sát và sự bào chữa (gỡ tội) của bị cáo và luật sư.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tư pháp, Viện Khoa học pháp lý, Từ điển Luật học, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội, 2006.

2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Hà Nội, 2018.

3. Lê Thị Thúy Nga, Chủ thể buộc tội trong tố tụng hình sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Hà Nội, 2019.

4. Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp - kinh nghiệm CHLB Đức” do Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Quỹ Hợp tác quốc tế về pháp luật CHLB Đức phối hợp tổ chức ngày 9-10.6.2011 tại Hà Nội.

5. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016.