Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bonifacio Andres
Andrés_Bonifacio(1863 - 1897)

Bonifacio Andres(1863 - 1897) nhà cách mạng Philippines, người sáng lập Katipunan, một tổ chức lãnh đạo cách mạng Philippines từ năm 1892 đến năm 1897, được xem là tổng thống đầu tiên của Philippines.

Có tên đầy đủ Andrés de Castro Bonifacio, sinh ngày 30.11.1863 ở Tondo, ngoại ô Manila và mất 10.5.1897. Cha của Bonifacio là Santiago làm nhiều nghề kiếm sống, như thợ may, lái đò. Mẹ là người lai (cha là người Tây Ban Nha và mẹ là người Philippine – Hoa) tên là Catalina de Castro làm công nhân trong nhà máy thuốc lá. Họ có tất cả 5 người con, Bonifacio là con cả. Trong thời thuộc địa họ phải làm việc vô cùng vất để kiếm sống và nuôi các con. Năm 1881, Catalina chết do mắc bệnh lao, kế ngay sau đó bố Bonifacio cũng mắc bệnh và qua đời.

Mồ côi từ năm 14 tuổi, nên Bonifacio đã phải tự kiếm sống và đã chịu đựng nỗi khổ của người dân thuộc địa. Lúc nhỏ, do cha mẹ mất sớm phải tự nuôi mình và các em nên không có điều kiện học tập đầy đủ, nhưng ông vẫn cố găng tự học. Tuy nhiên, ông không có điều kiện theo học đại học. Khi 19 tuổi Bonifacio đã phải từ bỏ giấc mơ trở thành sinh viên đại học và dành toàn bộ thời gian để lao động nuôi mình và các em. Ông vào làm cho công ty thương mại Anh IM Fleming & Co, sau đó chuyển sang làm cho công ty Đức Fressel & Co.

Cuộc sống gia đình lớn không suôn sẻ dường như đã theo bám Bonifacio đến tận sau này. Đời tư của ông đầy bi đát. Kết hôn hai lần nhưng không có con nào còn sống sót đến thời điểm ông qua đời. Còn người vợ đầu tên là Monica đã chết trẻ do bệnh phong. Khi 29 tuổi Bonifacio kết hôn với người vợ thứ hai là Gregoria de Jesus, nhưng đứa con của người vợ này chưa kịp sinh ra do đã chết trong thời kỳ phôi thai.

Lớn lên trong phong trào quần chúng sôi nổi đòi độc lập, đồng thời cũng sớm đón nhận tư tưởng tự do phương Tây, đặc biệt là tư tưởng của cách mạng tư sản Pháp qua sách báo, vì vậy, Bonifacio cũng sớm tham gia Liên minh Philippines (La Liga Filipina) do José Rizal sáng lập, với tư cách đại diện cho tầng lớp bình dân. Tổ chức này kêu gọi Tây Ban Nha cải cách chế độ ở Philppines. Nhưng Liên minh Philippines vừa mới ra đời thì Rizal bị chính quyền thực dân Tây Ban Nha trục xuất sang hạt Dapitan ở Mindanao. Tổ chức này coi như ngừng hoạt động. Trong bối cảnh ấy, Bonifacio đã thành lập một tổ chức bí mật lấy tên là Liên minh những người con yêu quý của nhân dân, gọi tắt là Katipunan. Năm 1895, Bonifacio đã trở thành lãnh đạo cao nhất của Katipunan, cùng với bạn bè của mình, ông đã cho xuất bản tờ báo Kalayaan (Tự do). Câu nói nổi tiếng: cần nhớ lấy hạnh phúc và vinh quang là chết cho sự nghiệp cứu lấy Tổ quốc của ông đã trở thành lời tuyên thệ của Katipunan trước sự nghiệp dân tộc. Cho đến năm 1893, Bonifacio vẫn coi Katipunan là một bộ phận của Liên minh Philippines. Sau khi Rizal bị bắt đi đầy, Bonifacio định củng cố Liên minh Philippines, nhưng vì Liên minh chỉ chủ trương đấu tranh ôn hòa nên ông xa rời dần. Sau đó, trước sức ép của chính quyền Tây Ban Nha, Liên minh Philippines tự giải thể. Ông quay về củng cố Katipunan và đưa tổ chức này bước vào con đường đấu tranh bạo lực.

Từ năm 1894, Bonifacio lãnh đạo Katipunan bắt đầu tiến hành đấu tranh bạo lực cách mạng. Tháng 5.1894, ông đã chủ trì cuộc họp ở một hang núi tỉnh Mongtanban để chuẩn bị khởi nghĩa. Đến lúc này, Katipunan đã có hàng chục vạn hội viên với tính kỷ luật cao. Bonifacio và các đồng chí của ông đã đến vận động Rizal tham gia lãnh đạo khởi nghĩa, nhưng Rizal từ chối và rời khỏi Philippines, trên đường đi thì bị thực dân Tây Ban Nha bắt. Lúc này cuộc khới nghĩa đã bùng nổ. Ngày 23.8.1896, Bonifacio khởi đầu cuộc khởi nghĩa bằng cách ông cùng với hàng nghìn đồng chí của mình xé thẻ thuế thân (cedulas), đó là hành động từ chối trả bất kỳ khoản thuế nào cho chính quyền thực dân. Bonifacio trở thành chủ tịch kiêm tư lệnh trưởng chính quyền cách mạng, tuyên bố độc lập cho Philippines từ ngày 23.8.1896. Ngày 24.8.1896, sau 5 ngày (từ 19.8) tuyên bố thành lập Chính phủ cách mạng Cộng hòa Tagalog thứ nhất và được các ủy viên trong Katipunan bầu cử trực tiếp làm Tổng thống của Philippines. Ngày 28.8.1896, ông ra lời kêu gọi đấu tranh được nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt. Bonifacio dẫn đầu một cuộc tấn công vào thị trấn San Juan del Monte, nhưng sau đó phải rút lui khi Tây Ban Nha tăng cường lực lượng. Trong khi đó, các cánh quân khác của Bonifacio tấn công quân Tây Ban Nha xung quanh Manila. Lực lượng khởi nghĩa của Katipunan vùng Cavite đã đánh bại các đơn vị đồn trú của Tây Ban Nha và làm chủ thị trấn Kawit và Magdiwang. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan ra toàn quốc. Emilio Famy Aguinaldo – một thủ lĩnh địa phương của Katipunan – trong cuộc đánh chiếm Cavite - đã giành được một vị trí lãnh đạo trong Katipunan cạnh tranh với Bonifacio, bởi lúc này Cavite trở thành trung tâm của cách mạng.

Tháng 9.1896, tại Cavite, hai nhóm trong Katipunan đã cạnh tranh nhau thành lập chính phủ riêng của mình: một ở Magdiwang do Alverez làm tổng thống và một ở Madalo do Aguinando làm chủ tịch. Trước tình hình đó, ngày 17.12.1896, Bonifacio đã tiến hành hợp nhất hai chính phủ nhưng không thành, do quan điểm trái ngược nhau giữa hai bên, cộng với mâu thuẫn trước đó giữa Bonifacio với Aguinando. Trong khi đó, quân Tây Ban Nha lần lượt đánh chiếm lại các vùng đất ở Madalo. Lực lượng cách mạng giữ được Magdiwang và tiến hành bầu cử để chọn ra những nhà lãnh đạo của cách mạng. Aguinando được bầu làm tổng thống. Do mâu thuẫn với Aguinando và một vài thành viên chính phủ, Bonifacio và những người thân hữu đã bỏ Cavite ra đi. Ngày 27.4.1897, ông bị Aguinando bắt. Bị coi là tội phạm của Chính phủ cách mạng, ông bị tòa kết án tội chết. Mặc dù sau đó, Aguinando đã hạ mức án và đưa ông đi đầy biệt xứ, nhưng ông và những thân hữu đều bị bắn chết trên núi ngày 10.5.1897.

Bonifacio là một trong những nhà cách mạng đầu tiên, được coi là tổng thống đầu tiên của Philippines độc lập.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Văn Hồng, Vũ Dương Ninh, Võ Mai Bạch Tuyết, Lịch sử cận đại thế giới, quyển III, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985.
  2. D.G.E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á (Sách tham khảo), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997.
  3. GS. Lương Ninh (chủ biên), GS. Đỗ Thanh Bình, GS. Trần Thị Vinh, Đông Nam Á – Lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, xuất bản lần thứ hai, có bổ xung, sửa chữa, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018.
  4. Bonifacio Andres,Writings and Trial of Andres Bonifacio (Các tác phẩm và phiên tòa của Andres Bonifacio), Manila, University of the Philippines, 1963.