Bom phóng là đạn nổ phá - mảnh, cỡ đạn lớn hơn cỡ nòng, dùng để đánh phá công trình quân sự , đồn bốt, nơi tập trung đông sinh lực và trang bị kỹ thuật của đối phương ở cự li gần.
Cấu tạo Bom phóng gồm: đầu đạn, bộ phận ổn định, ngòi nổ, chuôi đạn, liều thuốc đẩy và hạt lửa. Đầu đạn, có hình dạng như quả bom, bao gồm: thân vỏ đúc bằng gang hoặc gang pha thép, bên trong chứa thuốc nổ mạnh (chủ yếu là TNT hoặc amaton), có khả năng sinh mảnh sát thương. Bộ phận ổn định có 4 cánh đuôi và vòng cánh đuôi bằng thép, gắn chặt với phần dưới thân đạn. Ngòi nổ, thường dùng ngòi cơ khí chạm nổ hoặc hẹn giờ bằng dây cháy chậm. Chuôi đạn (phần cắm vào nòng ống phóng), bằng gỗ, có đường kính nhỏ hơn đầu đạn nhiều lần và nhỏ hơn đường kính ống phóng, được bịt sắt và liên kết chặt với thân đầu đạn. Liều thuốc đẩy, thường dùng thuốc phóng tạo ra năng lượng đẩy Bom phóng đến mục tiêu, thuộc dạng nạp rời. Hạt lửa là bộ phận tạo ra xung nhiệt ban đầu để đốt cháy liều thuốc đẩy, được điểm hỏa bằng điện.
Nguyên lý làm việc của Bom phóng: khi phóng, nạp chuôi gỗ của Bom phóng vào miệng nòng ống phóng, nạp liều đẩy và hạt lửa, điểm hỏa. Thuốc đẩy cháy tạo ra áp suất khí thuốc đẩy bom bay va chạm vào mục tiêu, kích, ngòi nổ làm việc (hoặc theo thời gian hẹn giờ bằng dây cháy chậm), làm nổ khối thuốc nổ trong thân đạn, đạn nổ sinh mảnh sát thương sinh lực và tạo ra sóng xung kích phá hủy công trình và trang bị kỹ thuật của đối phương.
Từ đầu những năm Kháng chiến chống Pháp, Bom phóng đã được Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu chế tạo. Lúc đầu quân giới Việt Nam cải tiến những quả bom 10 kg, đầu đạn pháo cỡ 75-105 mm thu được của địch, về sau tự đúc bằng gang; ngòi làm băng kim loại mầu. Bom phóng có sức công phá lớn, bắn đi xa khoảng 300-400 m, sử dụng để đánh doanh trại, công sự, đồn bốt địch. Đến cuối năm 1947, ta đã sản xuất hàng trăm quả Bom phóng góp phần vào chiến thắng trong Kháng chiến chống Pháp. Bom phóng được quân đội sử dụng nhiều trong Kháng chiến chống Pháp và thời kì đầu Kháng chiến chống Mỹ ở Đông Nam Bộ.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Tổng cục kỹ thuật, Đặc trưng công nghệ vũ khí trang bị kỹ thuật các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam qua các thời kì cách mạng, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1994
- Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
- Học viện Kĩ thuật quân sự, Tổng kết 40 năm hoạt động khoa học công nghệ, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2006
- Khoa vũ khí/Học viện Kĩ thuật quân sự, Một số hình ảnh, tư liệu về khoa Vũ khí, đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2006
- Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007