Bom ba càng là vũ khí chống tăng hoạt động theo nguyên lý hiệu ứng nổ lõm.
Bom ba càng do Nhật Bản nghiên cứu và chế tạo từ đầu thế kỷ XX để đánh xe tăng, xe bọc thép hạng nhẹ bằng cảm tử quân. Quân đội Việt Nam thu được khoảng gần 100 quả Bom ba càng của Quân đội Nhật Bản từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sử dụng làm phương tiện chống xe tăng, xe thiết giáp thời kỳ đầu Kháng chiến chống Pháp (1946-47) rất hiệu quả.
Phần nổ của Bom ba càng có dạng hình phễu, đáy có ba càng ngắn ở phía trước và cán dài ở phía sau, gắn ngòi chạm nổ. Bom ba càng được thiết kế theo nguyên lý đạn lõm (như đạn badôca, B-40, B-41), với kíp kích nổ bằng va chạm. Miệng phễu có đường kính 22 cm, nhồi bằng thuốc nổ (7-10 kg), có vành gang gắn ba càng sắt (3 điểm chạm - 3 kíp) dài 12 cm/càng dùng để tạo ra tiêu cự của dòng nổ lõm; đáy phễu là bộ phận gây nổ, gồm: hạt nổ, kim hỏa và chốt hãm an toàn; khoảng lõm ở đáy hình côn khi nổ sẽ khiến cho sức nổ hướng vào lớp thép xe tăng. Cán (bằng tre, gỗ) dài 1,2 m.
Động tác đánh Bom ba càng phải dứt khoát, tay trái hoặc tay phải nắm (nâng) nơi tiếp giáp đuôi bom và gậy, tay còn lại nắm chắc 2/3 của gậy, mặt bom chếch 45o về phía trước, cách mục tiêu 2-3 m hạ bom ngang tầm vai hai tay lao bom vào vị trí đã chọn, phải bảo đảm Bom ba càng cùng lúc chạm trên mặt phẳng của mục tiêu để bộ phận gây nổ kích nổ chính xác. Bom nổ gây áp lực cháy nổ rất lớn (nhiên liệu và đạn trên xe cùng bị kích nổ), sức ép hất người đánh bom bật ngửa xuống đường.
Trong Kháng chiến chống Pháp, ở mặt trận Hà Nội 1946, ở Liên khu 1, Quân Vệ quốc đoàn thành lập khoảng 10 tổ quyết tử quân với gần 100 đội viên, trang bị hơn 50 Bom ba càng. Điển hình trong trận Chợ Đồng Xuân (14.2.1947), địch sử dụng xe ủi, xe húc mở đường cho xe tăng, xe bọc thép và bộ binh, đã bị các tổ sử dụng Bom ba càng đánh thiệt hại nặng, buộc địch phải rút chạy, để lại nhiều xe tăng, xe thiết giáp bị cháy nổ, xe ủi, xe húc bị lật đổ.
Bom ba càng chỉ đánh được xe tăng hạng nhẹ và xe thiết giáp. Từ sau năm 1948, Bom ba càng không còn được sử dụng ở Việt Nam.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
- Báo Nhân dân, Bom ba càng, nỗi kinh hoàng của quân xâm lược, Ngày 19.2.2006
- Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007
- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử hậu cần – kỹ thuật trong kháng chiến chống chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010