Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bitum
Bitum

Bitum (tiếng Anh bitumen, asphalt) là tất cả các hỗn hợp hydrocarbon có nguồn gốc thiên nhiên hoặc thu được từ các hợp chất thiên nhiên mà không bị phân hủy ở dạng lỏng hoặc rắn. Đây là các hỗn hợp phức tạp dễ cháy, màu vàng nâu hoặc đen bao gồm các loại nhựa cây, asphalt, các acid hữu cơ phân tử lượng lớn, parafin rắn, sáp, v.v. Thành phần chính xác của bitum ít được nghiên cứu sâu. Định nghĩa này của bitum được Mallison đưa ra năm 1929 và không bao gồm hắc ín. Theo đó hắc ín, nhựa đường được cho là chất tương tự như bitum.

Bitum được phân loại dựa vào nguồn gốc và tính chất vật lý của chúng thành bitum thiên nhiên và bitum kỹ thuật.

  1. Bitum thiên nhiên bao gồm các hydrat carbon, protein, nhựa, lignin, sáp, chất béo phần lớn là của các sinh vật bậc thấp qua quá trình phân hủy trực tiếp hoặc qua vi sinh vật. Người ta phân biệt các loại sau:
    1. Các bitum thiên nhiên hòa tan phần lớn trong CS2 và thủy phân như sáp thực vật, sáp ở mỏ khai khoáng, nhựa cây hóa thạch, vd. hổ phách.
    2. Các bitum thiên nhiên phần lớn hòa tan trong CS2 và không thủy phân như khí thiên nhiên (không phải tất cả các nước xếp vào bitum), parafin, cặn dầu lửa, asphalt dầu lửa.
    3. Các bitum thiên nhiên phần lớn không tan trong CS2 và không thủy phân còn gọi là pyrobitum. Thành phần hữu cơ của pyrobitum không nóng chảy và khi ở 400-600°C sẽ cho một sản phẩm chưng cất.
  2. Bitum kỹ thuật là sản phẩm thu được từ quá trình xử lý bitum thiên nhiên mà không bị phân hủy. Những sản phẩm này có thể kể đến sản phẩm chưng cất dầu lửa theo nghĩa rộng, các parafin rắn cũng như cặn của quá trình chưng cất kiệt dầu lửa theo nghĩa hẹp, ví dụ vaselin. Ở một số nước người ta còn xếp cả cặn tinh luyện các sản phẩm dầu lửa với acid (bùn acid, nhựa acid) và sản phẩm khi xử lý với dung môi chọn lọc (nhựa propan, asphalt propan).

Ứng dụng[sửa]

Tùy theo tính chất và nguồn gốc mà bitum được sử dụng làm chất keo dán tấm trải nền nhà, làm tấm trải nền nhà, tấm lợp mái nhà, làm chất chống thấm, sơn bề mặt, trộn với sợi amiăng và bột đá làm chất kết dính, làm vữa xây dựng chịu acid và không bị trương nở. Bitum còn được dùng làm tường chắn trong các công trình xây dựng trên cao, ngầm dưới lòng đất hoặc dưới nước, làm giấy bồi, keo dán kết hợp với các nguyên liệu như cao su chlor hóa, nhựa thiên nhiên và nhựa tổng hợp, làm sơn bitum khô để cách điện các công trình xây dựng hoặc kim loại.

Nhũ tương bitum là sản phẩm tạo thành khi khuấy bitum lỏng, nóng trong nước với khoảng 1% chất nhũ hóa như xà phòng, nhựa, đất sét để chủ yếu dùng trong làm đường. Ngoài ra có thể trộn với các nguyên liệu như amiăng, bột gỗ để làm chất cách điện và chống thấm. Bitum kỹ thuật như vaselin dùng làm chất bôi và làm nền cho các thuốc mỡ, thuốc bôi, còn các sản phẩm khác dùng sản xuất sáp rắn làm chất đánh bóng sàn nhà.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Brockhaus ABC Chemie, VEB F. A. Brockhaus Verlag Leipzig 1966, 182.
  2. McGraw - Hill Encyclopedia of Science & Technology 8th Edition, 1997, Vol. 2, p.762.
  3. Encyclopedia Americana, 2001, Vol. 2, p. 512.