Mục từ này cần được bình duyệt
Bia "Đại Việt Lam Sơn dụ lăng bi"

"Đại Việt Lam Sơn dụ lăng bi" là bảo vật quốc gia, hiện vật độc bản, được công nhận năm 2017, hiện được bảo quản, lưu giữ tại Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh.

Bia “Đại Việt Lam Sơn dụ lăng bi” (BĐVLSDLB) được dựng năm Giáp Tý (1504), trên điểm cao nhất của gò đất phía Tây Nam, cách lăng mộ vua Lê Hiến Tông khoảng 30m, thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. BĐVLSDLB có hiện trạng tương đối nguyên vẹn (lưng rùa bị rạn nứt).

Bia được làm bằng một tấm đá xanh nguyên khối, dựng trên lưng rùa đá, với kích thước tổng thể: cao 2,78m, rộng 1,98m, dày 0,27m; Rùa đế bia được tạo tác ở tư thế đầu ngẩng cao, thân hướng về phía trước, có chiều dài 2,64m, chiều rộng 1,90m, chiều cao 0,69m. Mặt trước bia được khắc toàn văn chữ Hán, khoảng 58 dòng 3.000 chữ, cuối văn bia có khắc bài minh ca ngợi công đức. Văn bia không những là một pho sử ghi chép trên đá vô cùng quí giá, phục vụ việc tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Hiến Tông và triều đại Lê Sơ mà còn là một chứng tích lịch sử, góp phần cho công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho hậu thế.

Triều Lê Sơ là vương triều phát triển rực rỡ nhất của triều đại phong kiến Việt Nam, được gắn liền với tên tuổi của các vị vua anh minh, như vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông… Tuy nhiên công lao của mỗi một vị hoàng đế lại gắn với một triều đại lịch sử nhất định. Vua Lê Hiến Tông là bậc vua giỏi giữ cơ đồ, gìn giữ thành quả dựng nước của cha ông. Chính vua Hiến Tông đã từng nói: “Thánh tổ ta đã gây dựng nên cơ đồ, vua cha ta đã sửa sang mọi việc, ta nay chỉ nên lo giữ gìn nếp cũ và mở mang sự nhân chính ra cho sáng rõ công đức của ông cha ngày trước”.

BĐVLSDLB không chỉ là hiện vật có giá trị đối với quần thể khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, mà đây còn là một báu vật mang nhiều giá trị trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Đặc biệt là các họa tiết chạm khắc rồng, mây, đao lửa trên bia, đã có sự chuyển biến rõ rệt so với phong cách nghệ thuật ở bia Vĩnh Lăng (bia vua Lê Thái Tổ). Có thể nói, BĐVLSDLB với những đặc trưng tiêu biểu, là hiện vật độc bản mang tính độc đáo đại diện cho phong cách nghệ thuật của một giai đoạn mới phát triển rực rỡ nhất; là một pho sử liệu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật trang trí, điêu khắc đá thời Lê Sơ.

Tài liệu tham khảo:[sửa]

  1. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1960.
  2. Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Duy Chí, Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Bá Vân, Mỹ thuật thời Lê Sơ, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1978.
  3. Đặng Kim Ngọc, “Điêu khắc và trang trí ở Lam Kinh”, Khảo cổ học(2), Hà Nội, 1982, tr.54 - 60.
  4. Nguyễn Thịnh - Trần Văn Phương, Xem lại bia Vĩnh Lăng NPHM…1994, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.356 - 357.
  5. Trịnh Ngữ, Di tích lịch sử Lam Kinh, Nxb. Thanh Hóa, 2001.