Mục từ này cần được bình duyệt
Biện chứng

Biện chứng (A: dialectic hoặc dialectics; Đức: Dialektik; Nga: Диалектика, có nguồn gốc tiếng Hy lạp διαλεκτική) là thuật ngữ hiện nay được dùng trong triết học để chỉ đặc tính vốn có của tự nhiên và xã hội và sự phản ánh đặc tính đó vào trong đầu óc con người. Trong tiếng Việt, tiếng Anh có sự phân biệt giữa “biện chứng” (dialectic) và “phép biện chứng” (dialectics), tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người ta thường dùng chung một thuật ngữ. Tuỳ theo từng ngữ cảnh mà nó được dịch ra tiếng Việt là “biện chứng” hay “phép biện chứng”. Tác phẩm của Ph. Ăngghen “Dialektik der Natur” được dịch ra tiếng Việt là “Biện chứng của tự nhiên” (nhưng cũng có thể dịch là “Phép biện chứng về tự nhiên” như trong tiếng Anh: “Dialectics of Nature”); không phải là “Phép biện chứng của tự nhiên” như đã có một thời được dịch như vậy.

Biện chứng khách quan và biện chứng chủ quan. Ph. Ăngghen phân biệt biện chứng khách quan và biện chứng chủ quan. Ông viết: “Biện chứng gọi là khách quan thì chi phối trong toàn bộ giới tự nhiên”, còn biện chứng gọi là chủ quan, tức là tư duy biện chứng, thì chỉ là phản ánh biện chứng khách quan vào trong đầu óc con người. (Toàn tập, t. 20, tr. 694)

Biện chứng khách quan là khái niệm dùng để chỉ thuộc tính vốn có của tự nhiên và xã hội. Các sự vật, hiện tượng không tồn tại cô lập, tách biệt nhau một cách tuyệt đối, mà trái lại chúng tồn tại trong những cấu trúc, hệ thống, trong đó mỗi sự vật là một hệ thống bao gồm nhiều yếu tố, nhiều mặt có liên hệ, quy định, chuyển hóa … lẫn nhau. Mỗi sự vật đồng thời là một yếu tố, một mặt của một hệ thống lớn hơn. Giữa các sự vật cũng như giữa các hệ thống cũng có liên hệ, tác động lẫn nhau. Các sự vật, hiện tượng không chỉ có liên hệ với nhau mà còn vận động, phát triển theo những quy luật nhất định. Những quy luật đặc thù thì chi phối một lĩnh vực nhất định của thế giới; còn những quy luật phổ biến thì chi phối tất cả các sự vật, hiện tượng trong thế giới.

Biện chứng chủ quan hay là tư duy biện chứng là sự phản ánh của biện chứng khách quan vào trong đầu óc con người. Biện chứng chủ quan tồn tại dưới hình thức phương pháp tư duy (phương pháp tư duy biện chứng đối lập với phương pháp tư duy siêu hình) hay lôgic của tư duy (lôgic hình thức và lôgic biện chứng). Trong khi phương pháp biện chứng xem xét sự vật trong mối liên hệ phổ biến, trong sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng trong thế giới, thì phương pháp siêu hình xem xét thế giới trong sự cô lập, tách rời nhau giữa các mặt, các sự vật, hiện tượng và sự đứng im tuyệt đối của chúng. Biện chứng chủ quan còn tồn tại dưới hình thức một hệ thống lý luận, một khoa học được gọi là phép biện chứng (đúng hơn phải được dịch là “biện chứng luận” hay “biện chứng học”) nghiên cứu mối liên hệ và quy luật phổ biến của sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng. Ph. Ăngghen định nghĩa phép biện chứng là “môn khoa học về những quy luật phổ biến của sự vận động và sự phát triển của tự nhiên, của xã hội loài người và của tư duy” (Toàn tập, t. 20, tr. 201).

Trong khi biện chứng khách quan là thuộc tính vốn có của tự nhiên và xã hội thì biện chứng chủ quan là một năng lực, một trình độ nhất định của tư duy, không phải là cái vốn có của tư duy. Trong sự phát triển của tư duy con người đi từ tư duy cụ thể đến tư duy trừu tượng, thì tư duy biện chứng là trình độ cao của tư duy trừu tượng. Ở trình độ thấp, tư duy con người mới chỉ phản ánh được từng mặt, từng mối liên hệ của sự vật, hiện tượng. Chỉ khi đạt đến trình độ bao quát được tất cả các mối liên hệ, các quy luật vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng trong chỉnh thể thì năng lực đó mới được coi là tư duy biện chứng.

Tư duy biện chứng có quá trình phát triển từ thấp đến cao. Trong thời kỳ cổ đại nhiều nhà triết học đã có tư duy biện chứng tự phát, như xem xét thế giới trong chỉnh thể, trong quá trình vận động, biến đổi không ngừng. Hêracơlit ở Hy Lạp cổ đại đã xem sự biến đổi của thế giới như một dòng chảy liên tục. Ông nói: Người ta không thể lội hai lần xuống cùng một dòng sông (có cách dịch khác: tắm hai lần). Ông nhìn thấy ở bất cứ sự vật, hiện tượng nào cũng là sự thống nhất của các mặt đối lập. Các mặt đối lập chuyển hóa lẫn nhau, “cái ướt khô đi, cái khô ướt lại”, “cái nóng nguội đi, cái nguội nóng lên”. Ông coi sự đấu tranh của các mặt đối lập (mà ông gọi là “chiến tranh”) là cha (nguồn gốc) của mọi sự biến đổi. Ở Trung Quốc cổ đại, tư tưởng về sự thống nhất hài hòa, chuyển hóa lẫn nhau của các mặt đối lập có thể tìm thấy trong thuyết Âm Dương và trong học thuyết về Đạo của Lão Tử. Theo ông, “Vạn vật cõng âm mà ôm dương”; cái họa và cái phúc chứa đựng lẫn nhau (trong phúc có họa, trong họa có phúc) và có thể chuyển hóa lẫn nhau từ cái này thành cái kia.

Một hướng khác trong sự phát triển của tư duy biện chứng cổ đại là: các nhà triết học (như Xôcrat, Platon) coi phép biện chứng như là một nghệ thuật tranh luận để tim ra chân lý. Ở Arixtôt, phép biện chứng được đồng nhất với lôgic học. Arixtôt là người có công nghiên cứu và đặt nền tảng cho một khoa học của tư duy, đó là lôgic học hình thức. Truyền thống này được tiếp tục phát triển và đạt đến một đỉnh cao mới trong lôgic học biện chứng hay phép biện chứng của G. Hêghen. Trong tác phảm “Khoa học lôgíc”, Heghen trình bày phép biện chứng một cách có hệ thống. Tuy nhiên, phép biện chứng của Hêghen là phép biện chứng duy tâm. Xuất phát từ quan điểm cho rằng “tinh thần thế giới” hay “ý niệm tuyệt đối” là một thực thể tinh thần độc lập, có trước và sáng tạo ra giới tự nhiên, Hêghen coi lôgic, biện chứng của ý niệm là cái có trước và là điểm xuất phát để giải thích tất cả mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy con người. Đó là lôgic học duy tâm, phép biện chứng ngược đầu, đảo lộn trật tự của thế giới bằng cách đặt tinh thần trước tự nhiên, coi biện chứng của ý niệm sinh ra biện chứng của tự nhiên chứ không phải ngược lại.

C. Mác và Ph. Ăngghen đã kế thừa hạt nhân hợp lý trong phép biện chứng duy tâm của Hêghen là lý luận về sự phát triển, cứu phép biện chứng ra khỏi cái vỏ duy tâm thần bí của nó và đưa về với quan điểm duy vật, sáng lập ra phép biện chứng duy vật, hình thức cao của tư duy khoa học trong thời đại ngày nay. Nếu Hêghen coi phép biện chứng là một hình thức của siêu hình học (siêu hình học mới đối lập với siêu hình học cũ) và siêu hình học là một bộ phận không thể thiếu được của tư duy triết học, thì Ănghen coi phép biện chứng là một khoa học, hoàn toàn đối lập với mọi hình thức của siêu hình học và phương pháp tư duy siêu hình. Nội dung của phép biện chứng duy vật với tính cách là khoa học nghiên cứu mối liên hệ phổ biến và quy luật vận động, phát triển phổ biến của thế giới bao gồm hai nguyên lý (nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về sự phát triển), ba quy luật phổ biến (quy luật về sự chuyển hoá từ sự thay đổi về lượng thành sự thay đổi về chất, quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập và quy luật phủ định của phủ định) và 6 cặp phạm trù (cái riêng và cái chung, nguyên nhân và kết quả, tất nhiên và ngẫu nhiên, nội dung và hình thức, bản chất và hiện tượng, khả năng và hiện thực).

Tài liệu tham khảo:

1. Đỗ Minh Hợp, Lê Hữu Tầng (dịch) (1998). Lịch sử phép biện chứng. Nxb Chính trị Quốc gia

2. Từ điển Bách khoa Việt Nam ;

3. Từ điển triết học do M.M. Rodentan chủ biên ; Философский энциклопедический словарь;

4. C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.