Mục từ này cần được bình duyệt
Biển Nhật Bản

Biển Nhật Bản một biển rìa nằm ở phía tây Thái Bình Dương, được bao bọc bởi Nhật Bản và đảo Sakhalin ở phía đông bắc, Nga và Hàn Quốc thuộc lục địa châu Á ở phía tây. Biển Nhật Bản có diện tích khoảng 978.000 km2, độ sâu trung bình là 1.752 m, độ sâu tối đa là 3.742 m.

Biển Nhật Bản có hình dạng gần elip với trục chính theo hướng từ tây nam sang đông bắc. Giới hạn phía bắc của biển là vĩ độ 51°45′ B. Về phía nam, biển được giới hạn bởi một đường được kéo từ đảo Kyushu của Nhật Bản về phía tây qua quần đảo Goto của Nhật Bản đến đảo Cheju của Hàn Quốc, sau đó kéo về phía bắc bán đảo Triều Tiên. Biển này nằm trong một lưu vực sâu, tách biệt với biển Đông Trung Hoa ở phía nam bởi eo biển Tsushima và eo biển Hàn Quốc, với biển Okshotsk về phía bắc bởi eo biển La Perouse và eo biển Tatar. Về phía đông, nó cũng được kết nối với biển nội địa Nhật Bản bởi eo biển Kanmon, với Thái Bình Dương bởi eo biển Tsugaru. Biển Nhật Bản là một biển nửa kín cổ điển vì sự kết nối của nó với các vùng nước liền kề bị hạn chế bởi các eo biển hẹp. Biển này nhận nước chủ yếu từ dòng biển chảy qua phía đông của eo biển Hàn Quốc. Lượng nước chảy vào Biển Nhật Bản qua eo biển Tatar hẹp và nông là không đáng kể. Các dòng biển chảy ra khỏi biển Nhật Bản thông qua các eo biển Tsugaru và La Perouse.

Thành phần địa chất của núi Yamato bao gồm đá granit và một số đá có nguồn gốc núi lửa khác (rhyolite, andesite và đá bazan) với những tảng đá núi lửa nằm rải rác dưới đáy biển. Trong khi núi Yamato có nguồn gốc lục địa, lưu vực Nhật Bản và lưu vực Yamato lại có nguồn gốc đại dương. Trầm tích dưới đáy biển Nhật Bản có nguồn gốc lục địa như bùn, cát, sỏi và các mảnh đá ở độ sâu 200-300 m; trầm tích hemipelagic (nguồn gốc lục địa và đại dương), chủ yếu là bùn xanh giàu chất hữu cơ, ở độ sâu 300 - 800 m; trầm tích sâu hơn bao gồm bùn đỏ ở đáy biển sâu nhất. Bốn eo biển nối biển Nhật Bản với Thái Bình Dương hoặc các biển cận biên được hình thành trong các thời kỳ địa chất gần đây. Lâu đời nhất trong số này là eo biển Tsugaru và Tsushima, được hình thành vào cuối kỷ Neogene (khoảng 2,6 triệu năm trước). Eo biển La Perouse được hình thành vào khoảng 60.000 đến 11.000 năm trước.

Với nguồn nước tương đối ấm, biển Nhật Bản có ảnh hưởng quan trọng đến khí hậu của Nhật Bản. Vào mùa đông, một lượng hơi nước khổng lồ bốc lên ở khu vực giữa khối không khí cực lạnh, khô và khối không khí nhiệt đới ẩm, ấm gây ra hiện tượng nghịch nhiệt. Từ tháng 12 đến tháng 3, gió mùa tây bắc mang theo những khối không khí cực lục địa lạnh và khô qua vùng nước ấm hơn của biển làm cho vùng ven biển phía tây của Nhật Bản có tuyết rơi. Vào mùa hè, gió mùa nhiệt đới phía nam thổi từ Bắc Thái Bình Dương vào lục địa châu Á, gây ra sương mù dày đặc khi những cơn gió ấm và ẩm thổi qua những dòng nước lạnh ở phía bắc của biển. Vào mùa đông, phần phía bắc của biển Nhật Bản, đặc biệt là ngoài khơi bờ biển Xibia cũng như eo biển Tatar, thường bị đóng băng do sự đối lưu và dòng nước lạnh do băng tan vào mùa xuân và mùa hè.

Trong phạm vi biển Nhật Bản, các dòng nước thường lưu thông theo chiều ngược chiều kim đồng hồ. Một nhánh của dòng hải lưu Nhật Bản, dòng Tsushima, cùng với nhánh phía bắc của nó - dòng ấm Đông Hàn, chảy về phía bắc, mang theo nguồn nước ấm và mặn hơn trước khi chảy vào Thái Bình Dương qua eo biển Tsugaru và vào biển Okhotsk qua eo biển La Perouse. Dọc theo bờ biển lục địa châu Á, ba dòng biển lạnh - Liman, Bắc Triều Tiên và trung tâm Nhật Bản - mang theo dòng nước lạnh và tương đối ngọt xuống phía nam.

Tài nguyên chủ yếu của biển Nhật Bản bao gồm khoáng sản và nguồn lợi thủy sản. Tài nguyên khoáng bao gồm cát từ tính cũng như các mỏ khí đốt và khí đốt tự nhiên ngoài khơi Nhật Bản và đảo Sakhalin. Các loài cá tầng mặt bao gồm cá thu, cá thu ngựa, cá mòi, cá cơm, cá trích, cá hồi, cá tráp và mực. Các loài cá tầng đáy bao gồm cá tuyết, cá minh thái Alaska (bluefish) và cá thu Atka. Biển Nhật Bản còn có hải cẩu, cá voi cũng như các loài giáp xác như tôm và cua. Các ngư trường phân bố hầu khắp trên các vùng thềm lục địa và vùng biển lân cận. Đánh bắt cá trích, cá mòi và cá ngừ vây xanh là nghề cá truyền thống nhưng đã bị mai một kể từ Thế chiến II. Nghề câu mực diễn ra ở phần trung tâm của biển; nghề câu cá hồi ở các khu vực bãi cạn ở phía bắc và tây nam; nghề bẫy động vật giáp xác ở những khu vực biển sâu hơn. Nhật Bản, Nga và Bắc và Hàn Quốc là những quốc gia có đội tàu đánh bắt cá lớn tại Biển Nhật Bản.

Thương mại qua biển Nhật Bản chỉ phát triển ở mức độ vừa phải. Các cảng biển quan trọng nhất của Nhật Bản đều nằm ở bờ biển Thái Bình Dương. Các cảng quan trọng của Hàn Quốc là Pusan, Ulsan và Paohang nằm ở bờ biển phía đông nam của nước này. Các cảng chính của Nga là Vladivostok, Nakhodka và Vostochny. Tuy nhiên, hoạt động thương mại trên biển giữa các nước xung quanh biển Nhật Bản đang gia tăng mạnh mẽ bởi sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc và sự phát triển của các hiệp định thương mại với Nga, Trung Quốc và Mỹ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  • Dudden, A., The Sea of Japan/Korea’s East Sea. In D. Armitage, A. Bashford, & S. Sivasundaram (Eds.), Oceanic Histories (Cambridge Oceanic Histories, pp. 182-208). Cambridge: Cambridge University Press, 2017.
  • McColl, Robert W., Encyclopedia Of World Geography, Facts On File, Inc., New York, 2005.
  • Ministry of Foreign Affairs of Japan, Sea of Japan, 2002, Ministry of Foreign Affairs of Japan: https://www.mofa.go.jp/policy/maritime/japan/pamph0208.pdf truy cập ngày 14-12-2019.
  • Morgan, J.R. and Uda, M., Sea of Japan, Encyclopædia Britannica, Inc., Britannica.com: https://www.britannica.com/place/Sea-of-Japan, truy cập ngày 15-12-2019.