Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Biến phụ thuộc

Biến phụ thuộc là biến chịu tác động của biến số khác trong phương pháp nghiên cứu và trong bối cảnh nghiên cứu.

Trong nghiên cứu thực nghiệm, biến phụ thuộc là biến đang được đánh giá để xác định tác động của biến độc lập được thao tác. Biến phụ thuộc có thể liên quan đến các đặc điểm hành vi, sinh lý hoặc xã hội tùy thuộc vào bản chất của nghiên cứu. Ví dụ, nó có thể liên quan đến việc đánh giá kết quả hoạt động, chẳng hạn như lượng thông tin mà nghiệm thể có thể học được đo bằng số câu trả lời đúng trong một bài kiểm tra. biến phụ thuộc là trạng thái tâm lý đang được đo lường để xác định chắc chắn tác động của một số phương pháp điều trị trong một thực nghiệm. Giả sử so sánh hai phương pháp dạy toán xem phương pháp nào mang lại kết quả tốt hơn. Kết quả này được đo lường bởi số câu trả lời đúng của bài kiểm tra toán (biến phụ thuộc) sau khi hai nhóm học sinh được dạy bằng hai phương pháp khác nhau. Việc lựa chọn công cụ đo lường biến phụ thuộc trong nghiên cứu thực nghiệm là rất quan trọng để đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy khi đo. Khi công cụ đo biến phụ thuộc không đảm bảo các đặc tính đo lường thì kết luận về tác động của biến độc lập lên biến phụ thuộc không đảm bảo độ tin cậy và do đó có thể phá hỏng cả một cuộc nghiên cứu thực nghiệm được tiến hành công phu. Trong thực nghiệm, cũng như trong các nghiên cứu nói chung, biến phụ thuộc phải được xác định rõ ràng và có thể đo lường được chúng. Giả sử, nếu biến độc lập là lo âu, thì công cụ đo lường trạng thái lo âu phải đảm bảo cấu trúc của lo âu, cấu trúc đó được phát hiện từ các nghiên cứu mang tính hệ thống hoặc khung lý thuyết đã được xác nhận. Công cụ đo lường trạng thái lo âu cũng phải đảm bảo độ nhạy và độ đặc hiệu để kết quả đo lường có thể phản ánh những thay đổi dù nhỏ của nghiệm thể khi các biến độc lập thay đổi. Trong nhiều trường hợp thực nghiệm, nhà nghiên cứu cần tuân thủ đạo đức nghiên cứu để trạng thái tâm lý được xem xét không bị thay đổi theo hướng tiêu cực đối với nghiệm thể khi nghiệm viên thao tác biến độc lập.

Một cân nhắc khác khi lựa chọn biến phụ thuộc liên quan đến việc tránh các hiệu ứng trần hoặc hiệu ứng sàn. Các hiệu ứng này xảy ra khi biến độc lập không tác động đến biến phụ thuộc hoặc không thể đo được biến thiên của biến độc lập. Ví dụ, phạm vi đo lường kết quả quá hạn chế khiến các kết quả của các nghiệm thể đều bị nằm ngoài phạm vi hoặc các nhiệm vụ quá khó, khiến nghiệm thể không thể thực hiện được. Do đó, chúng tạo ra kết quả không chính xác hoặc dữ liệu giả về tác động của chúng đến biến phụ thuộc.

Trong bối cảnh nghiên cứu, biến phụ thuộc có thể chịu tác động của một hay nhiều biến độc lập tùy thuộc mối quan hệ nhân quả đã được xác định trong khung lý thuyết. Một biến có thể đồng thời vừa là biến độc lập và biến phụ thuộc - có thể bị ảnh hưởng bởi một số biến nhất định và có thể gây ra những thay đổi trong các biến khác. Đó là khi biến phụ thuộc có vai trò kép và là biến trung gian trong mối quan hệ nhân quả giữa hai biến số khác. Mặc dù biến phụ thuộc đã được xác nhận là có quan hệ nhân quả với một hoặc nhiều biến độc lập trong khung lý thuyết, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi mối quan hệ nhân quả đó đều được chứng minh là có ý nghĩa về mặt thống kê trong mọi cuộc nghiên cứu. Trong trường hợp đó, nó vẫn được coi là biến phụ thuộc dù quan hệ nhân quả không được xác lập.

Nhìn chung, biến độc lập và biến phụ thuộc thể hiện mối quan hệ nhân quả. Biến độc lập giữ vai trò nguyên nhân còn biến phụ thuộc là kết quả. Do vậy, khi biến độc lập thay đổi thì biến phụ thuộc thay đổi. Kết quả các nghiên cứu có thể chứng minh hoặc phủ định mối quan hệ này và dù thế nào thì kết quả vẫn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong việc xác nhận khung lý thuyết hoặc phát hiện bằng chứng sửa đổi khung lý thuyết đó.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Baron, R. M., & Kenny, D. A., The moderator-mediator variable distinction in social psychological research: Conceptual, strategic, and statistical considerations, Journal of personality and social psychology, 51 (6), 1.173, 1986.
  2. Drew, C. J., Hardman, M. L., & Hart, A. W., Designing and conducting research: Inquiry in education and social science, Boston: Allyn & Bacon, 1986.
  3. Hayes, A. F., Introduction to mediation, moderation, and conditional process analysis: A regression-based approach, Guilford publications, 2017.
  4. Independent variable, APA Dictionary of Psychology, https://dictionary.apa.org/operational-definition. Truy cập ngày 20/2/2021.