Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Biến độc lập

Biến độc lập (hoặc được gọi là biến giải thích) là yếu tố có thể định hình và xác định biến phụ thuộc, là biến được xem xét có tác động đến biến số khác và không bị thay đổi bởi các biến khác đang được đo lường trong nghiên cứu. Ví dụ, trong một nghiên cứu xem xét cân nặng có tác động đến sự tự tin của trẻ vị thành niên hay không, thì cân nặng là biến độc lập.

Trong thực nghiệm tâm lý, biến độc lập là biến được thao tác một cách có hệ thống để xem xét biến phụ thuộc thay đổi như thế nào khi nó thay đổi. Nó được gọi là độc lập vì giá trị của nó không phụ thuộc và không bị ảnh hưởng bởi trạng thái của bất kỳ biến nào khác trong thực nghiệm. Đôi khi nó được gọi là biến được kiểm soát bởi nó là biến được thay đổi, được thao tác một cách có chủ ý bởi nghiệm viên trong thực nghiệm nhưng nó khác với biến kiểm soát, vốn là một biến được giữ cố định không đổi để không thể tác động đến kết quả thực nghiệm. Ví dụ, trong một tình huống thực nghiệm xem xét phương pháp giảng dạy tác động như thế nào đến khả năng ghi nhớ bài của học sinh thì phương pháp giảng dạy là biến độc lập. Trong thực nghiệm này, biến độc lập đã được nhà nghiên cứu sắp xếp trong hai phương pháp giảng dạy khác nhau với hai nhóm học sinh tương đương nhau, chỉ khác nhau ở chỗ một nhóm được dạy bằng phương pháp truyền thống với hoạt động giáo viên giảng bài - học trò ghi chép, còn nhóm kia được dạy bằng phương pháp đổi mới với hoạt động cho học sinh thảo luận nhóm trên cùng một bài giảng. Kết quả đo lường lượng thông tin của bài giảng được học sinh ghi nhớ sau 1 tuần cho thấy, học sinh ở nhóm được dạy bằng phương pháp đổi mới ghi nhớ được nhiều thông tin chính xác của bài giảng hơn so với nhóm được dạy bằng phương pháp truyền thống. Do đó, nhà nghiên cứu kết luận rằng, phương pháp giảng dạy (biến độc lập) có thể tác động đến khả năng ghi nhớ của học sinh. Với hai nhóm học sinh như nhau, dạy bằng phương pháp khác nhau thì mức độ ghi nhớ khác nhau và kết quả nghiên cứu cho thấy phương pháp đổi mới có hiệu quả hơn phương pháp truyền thống ở khả năng ghi nhớ. Từ kết luận này, nhà nghiên cứu có thể chỉ ra ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu và khả năng áp dụng kết quả đó trên thực tiễn.

Việc một biến được coi là độc lập hay phụ thuộc trong bối cảnh các nghiên cứu được xác định bởi khung lý thuyết cũng như trọng tâm của nghiên cứu và thường là nghiên cứu định lượng. Trong các nghiên cứu phức tạp, có thể có nhiều hơn một biến độc lập. Hoặc, trong có trường hợp, một biến M có thể là biến độc lập trong mối quan hệ với biến Y (M  Y), nhưng nó lại là biến phụ thuộc trong mối quan hệ với biến X (X  M). Vai trò kép này của biến M có thể khiến nó trở thành biến trung gian trong mối quan hệ giữa biến X và biến Y. Với sự phát triển của khoa học thống kê, các phép phân tích sẽ giúp nhà nghiên cứu đưa ra kết luận về khả năng tác động, về biên độ tác động của biến độc lập đến biến phụ thuộc, có thể xác định biên độ tác động của biến trung gian trong mối quan hệ giữa biến độc lập và biến phụ thuộc.

Hình(1) cho thấy mô hình nghiên cứu gồm hai biến độc lập (X và M) và hai biến phụ thuộc (M và Y), trong đó M đóng vai trò kép và là biến trung gian trong mối quan hệ giữa X và Y.

Như vậy, biến độc lập là thuật ngữ liên quan đến phương pháp nghiên cứu, việc xác định biến độc lập có vai trò quan trọng đối với thiết kế nghiên cứu và kết quả nghiên cứu giúp đưa ra các kết luận có ý nghĩa thực tiễn. Đôi khi biến độc lập thay đổi sẽ dẫn đến thay đổi biến phụ thuộc. Nhưng trong các trường hợp khác, những thay đổi ở biến độc lập không dẫn đến sự thay đổi đáng kể ở biến phụ thuộc. Khi bắt đầu thử nghiệm, điều quan trọng là các nhà nghiên cứu phải có định nghĩa thao tác về biến độc lập. Định nghĩa thao tác mô tả chính xác biến độc lập là gì và nó được đo lường như thế nào.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Baron, R. M., & Kenny, D. A., The moderator-mediator variable distinction in social psychological research: Conceptual, strategic, and statistical considerations, Journal of personality and social psychology, 51 (6), 1173, 1986.
  2. Hayes, A. F., Introduction to mediation, moderation, and conditional process analysis: A regression-based approach, Guilford publications, 2017.
  3. Dependent variable, Encyclopendia.com.
  4. Dependent variable, APA Dictionary of Psychology, https://dictionary.apa.org/operational-definition. Truy cập ngày 20/2/2021.