Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Biếm hoạ dân gian
Tập tin:Tranh-biem-hoa-giao-duc 10.jpg
Tranh biếm hoạ giáo dục

Biếm hoạ dân gian là tranh dân gian mang hàm ý phê phán, chê bai một cách hóm hỉnh, hài hước những hiện tượng tiêu cực, thói hư, tật xấu xuất hiện trong đời sống xã hội.

Biếm hoạ dân gian (còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như tranh đả kích, tranh châm biếm, tranh phê bình) chỉ những sáng tạo của nghệ nhân dân gian trong sự phân biệt với sáng tạo biếm hoạ ra đời muộn hơn của các hoạ sĩ chuyên nghiệp.

Sự ra đời và phát triển của biếm hoạ dân gian nằm trong biên độ thời gian thế kỷ XVII, XVIII, XIX, thời kỳ hưng thịnh của các dòng tranh dân gian nói chung, trong đó biếm hoạ dân gian là một chủ đề sáng tạo, thể hiện thái độ phê phán các khía cạnh chưa tốt đẹp của đời sống dân sinh. Làm ra các mẫu tranh biếm hoạ dân gian thường là những bậc trí thức Nho học, những người thấu hiểu các vấn đề văn hoá, xã hội, có khả năng quan sát và khiếu hài hước trong việc thể hiện những vấn đề xã hội bằng hình vẽ.

Trong kho tàng tranh dân gian Việt Nam, Đánh ghen, Đám cưới chuột, Trê cóc được coi là những biếm hoạ dân gian mang tinh thần phê phán các hiện tượng thiếu lành mạnh trong đời sống xã hội phong kiến. Từ quan sát thực tế, nghệ sĩ dân gian đã thâu hoá các câu chuyện đời sống và khái quát thành hình vẽ trên mặt tranh, thể hiện mối bận tâm của họ về các vấn đề đang diễn ra ở xã hội đương thời. Thái độ phê phán lối sống đa thê, tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn của xã hội phong kiến, phê phán hành vi kém văn minh trong ứng xử và giải quyết xung đột được nhận thấy ở tranh Đánh ghen hay sự trào lộng, đả kích vấn nạn tham ô, nhũng lạm trong xã hội đặc quyền, đặc lợi ở tranh Đám cưới chuột, Trê cóc,...

Thời kỳ Pháp thuộc, xung đột văn hoá trở thành vấn đề nổi lên khi biếm hoạ dân gian giễu nhại sự va đập của văn hoá truyền thống với văn minh phương tây qua hàng loạt tranh châm biếm về sự xuất hiện của người Pháp cũng như ảnh hưởng của lối sống mới, của văn minh vật chất làm thay đổi những giá trị văn hoá truyền thống của người Việt.

Các tranh Phong tục cải lương, Văn minh tiến bộ, Nhảy đầm, Đánh Ten nít, Ném tạ… dày đặc các biểu hiện văn minh vật chất mới lạ, xuất hiện thời Pháp thuộc như xe đạp, ô tô, máy bay, quạt trần, rượu tây, máy phát nhạc, nhà lầu, súng hơi, váy đầm, mũ cài lông chim, mũ phớt, âu phục, ba toong, các hành vi hút thuốc lá, thuốc phiện, nhảy đầm ở quán rượu, đi nhà tơ… Nghệ nhân dân gian giễu nhại sự lố bịch của các cải cách văn minh bởi những yếu tố văn hoá thực dân không phù hợp với đời sống nghèo khổ của người dân lao động lúc bấy giờ. Gay gắt hơn, giới trí thức dân gian sử dụng cách chửi kiểu bồi tiếng tây, khắc bằng chữ nôm trên biếm hoạ dân gian để tỏ thái độ phẫn nộ mạnh mẽ trước các biểu hiện tân thời.

Hầu hết các biếm hoạ dân gian là sáng tác của nghệ nhân làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh bởi dòng tranh này vốn có ưu thế về thể loại tranh sinh hoạt thế sự, nội dung chủ yếu phê phán vấn đề văn hoá xã hội mà không phải là sự đấu tranh giữa các luồng tư tưởng của các cá nhân hay đảng phái chính trị, vẫn thường có trong biếm hoạ chuyên nghiệp hoặc biếm hoạ của các nước trên thế giới.

Biếm hoạ dân gian sử dụng hiệu quả ám chỉ của hình ảnh để nêu vấn đề đấu tranh, phê phán, tuy nhiên, kỹ thuật và phong cách tạo hình theo lối trực tả của tranh dân gian làm cho phần lớn biếm hoạ dân gian giống bức minh hoạ rõ ý, dễ hiểu, không có nhiều lớp nghĩa ẩn ý sâu xa, thách thức người xem. Ngữ nghĩa dễ hiểu của biếm hoạ dân gian được xem là cách thức gia tăng sự ủng hộ của công chúng trong việc tạo dư luận, tạo sự đồng thuận khi lên án, phê phán một hiện tượng xã hội. Cũng có lúc nghệ nhân mượn tích truyện văn học dân gian để tạo ra hiệu quả ám chỉ của hình ảnh, sử dụng các biểu tượng có sẵn, đã được giải thích ngữ nghĩa trong các câu chuyện văn học để xây dựng ẩn nghĩa của bức tranh ở mức độ đơn giản, từ đó đặt ra vấn đề muốn hiểu biếm hoạ, cần có sự thông hiểu văn hoá.

Biếm hoạ dân gian là phương thức diễn ngôn hình ảnh thể hiện sự khéo léo và tài nghệ của nhân dân trong việc sử dụng nghệ thuật để đưa ra tiếng nói phê phán, phản kháng trước các vấn đề xấu xí, tiêu cực nảy sinh. biếm hoạ dân gian chứa đựng các thông tin từ cuộc sống, ghi nhận xác đáng thực tế xã hội qua lăng kính của nhân dân, vì vậy, biếm hoạ dân gian được coi là vũ khí, là cách sử dụng quyền lực của kẻ yếu trong đấu tranh xã hội. Với tính chất bao quát, cập nhật các vấn đề của đời sống một cách sát thực, các nhà nghiên cứu nhìn nhận biếm hoạ dân gian là nguồn trần thuật cuộc sống, phản ánh dấu ấn văn hoá, lịch sử của thời đại thông qua các câu chuyện được kể bằng hình và màu sắc.

Vấn đề kiểm duyệt của chính quyền đối với biếm hoạ dân gian và ý thức tự kiểm duyệt của nghệ nhân để tránh cho mình rắc rối, nguy hiểm đã đặt ra ranh giới của những điều được phép hoặc không được phép đề cập, dẫn đến sự hạn chế của nội dung phê phán chính trị trong biếm hoạ dân gian.

Dưới con mắt của các nhà nghiên cứu, biếm hoạ dân gian không chỉ là sáng tạo nghệ thuật có giá trị thẩm mĩ mà còn là kho tư liệu chứa đựng những câu chuyện xã hội bằng hình ảnh, có nội dung thời sự, liên quan trực tiếp đến cuộc sống con người. Những câu chuyện của biếm hoạ dân gian mang quan điểm phê phán trong nội dung, phản ánh góc khuất chưa tốt đẹp của đời sống xã hội, tạo ra giá trị phản biện ở những giai đoạn lịch sử nhất định. Khi nghệ thuật chuyên nghiệp phát triển, nhu cầu tiêu dhệ thuật của người dân thay đổi, cùng với sự lụi tàn của tranh dân gian, biếm hoạ dân gian dần vắng bóng. Những sáng tác biếm hoạ dân gian cổ xưa giờ đã trở thành di sản và đôi khi trong các sáng tác biếm hoạ mới hiện nay, phong cách tạo hình của biếm hoạ dân gian vẫn được các hoạ sĩ chuyên nghiệp vận dụng để phản biện các vấn đề của xã hội đương đại.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Bá Vân, Chu Quang Trứ, Tranh dân gian Việt Nam, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1984.
  2. Jon McIntyre, “Vui đả kích: Sử dụng biếm họa như một nguồn tài liệu nhân học”, tham luận hội thảo New Interface - Interdisciplinary Approaches to Histories anh Societies, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức tại Đồng Hới, tháng 7 năm 2007.
  3. Lý Trực Dũng, Biếm họa Việt Nam, Nxb. Mỹ thuật và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, 2010.