Biên tập là bảo đảm việc phản ánh thực tiễn có chọn lọc, có định hướng. Đây là một quá trình lao động sáng tạo tập thể, từ việc lập kế hoạch nội dung từng trang báo, số báo, chương trình phát thanh - truyền hình, quyển sách tới kế hoạch truyền thông ngắn hạn và dài hạn; từ việc nghiên cứu sử dụng bản thảo, đánh giá đề tài, kiểm tra sửa chữa cả về văn chương và tính chính xác, tính khách quan của từng tác phẩm đơn lẻ đến tổ chức, xây dựng thành các số báo, chương trình phát thanh, truyền hình, cuốn sách hoàn chỉnh theo kế hoạch, bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng, sự phù hợp về chức năng, tôn chỉ mục đích và pháp luật.
Quy trình biên tập báo chí thường bắt đầu trong cuộc họp giao ban hàng ngày (với nhật báo), hàng tuần (với tuần báo, tạp chí,...), bằng sự phối hợp cả hai chiều: đề xuất của các bộ phận, đơn vị của cơ quan báo chí và từ ý tưởng, sự chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan báo chí. Khi đã thống nhất được kế hoạch, các phóng viên đồng thời vừa là người sáng tạo tác phẩm báo chí, đồng thời là người biên tập đầu tiên trong quy trình biên tập, tiếp đến là biên tập viên ở các Ban Thư ký tòa soạn báo chí, chương trình phát thanh - truyền hình cho đến cấp biên tập cao nhất là Tổng Biên tập, Giám đốc các cơ quan báo chí, xuất bản.
Thông thường, biên tập viên ở Ban thư ký của các tòa soạn báo chí là một chức danh riêng, có trách nhiệm thực hiện và đề xuất một số khâu công việc trong quy trình biên tập như lên kế hoạch tuyên truyền, biên tập nội dung, biên tập kỹ thuật, trình bày, xây dựng hoàn chỉnh chương trình phát sóng... Để hoàn thành nhiệm vụ, các biên tập viên phải có kiến thức tốt và kinh nghiệm chuyên môn nghề nghiệp làm báo; có đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị vững vàng, phải am hiểu cuộc sống sâu sắc; phải có kiến thức sâu rộng, am hiểu về pháp luật, biết ngoại ngữ; phải biết cách làm việc với phóng viên; phải có sức khoẻ và say mê, trách nhiệm cao trong công việc, luôn luôn tự bồi dưỡng mọi mặt để hoàn thiện bản thân.
Người làm công tác biên tập còn phải nắm được các nguyên tắc biên tập, đó là không sửa chữa tin bài khi chưa đọc, xem hết bản thảo, băng video, chỉ sửa chữa khi hiểu rõ nội dung bài báo; tất cả mọi ý trong tác phẩm đều phải được biên tập sao cho thật rõ ràng, dễ hiểu, vừa phù hợp với đặc điểm phương tiện, đặc điểm tiếp nhận và yêu cầu của công chúng và phong cách riêng của cơ quan báo chí, xuất bản, vừa tôn trọng phong cách và sự sáng tạo của tác giả. Mỗi thông điệp trong tác phẩm phải được trình bày, thể hiện dễ hiểu, tránh hiểu lầm hoặc hiểu theo hai nghĩa. Các chi tiết trong tác phẩm phải bảo đảm tính chính xác, số liệu phải bảo đảm độ tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng, có thể kiểm chứng được, toàn bộ câu chuyện phải bảm đảm tính khách quan, trung thực, công bằng, bảo đảm các yêu cầu về chính trị, giáo dục, thẩm mỹ và tuân thủ pháp luật dưới mọi phương diện.
Đối với các chương trình phát thanh, truyền hình tường thuật trực tiếp, trong đó không có khâu biên tập hậu kỳ, đòi hỏi các phóng viên, ê kíp sản xuất tại chỗ phải có bản lĩnh chính trị, tay nghề cao, phản ứng nhanh nhạy với những tình huống đột xuất.
Tài liệu tham khảo:[sửa]
- Nguyễn Văn Dũng, Cơ sở lý luận báo chí, NXB Lao động, 2013.
- Nguyễn Quang Hoà, Biên tập báo chí, NXB Thông tin và Truyền thông, 2016.
- Khoa Báo chí (trường Tuyên huấn Trung ương 1), Giáo trình Nghiệp vụ báo chí, tập 1, 1978.
- Tạ Ngọc Tấn, Đinh Thị Thúy Hằng, Cẩm nang đạo đức báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, 2010.
- Michel Voirol, Hướng dẫn cách biên tập, NXB Thông tấn, 2003.