Ban thờ là nơi đặt những vật cần thiết để phục vụ việc thờ phụng và thực hiện các hoạt động cúng tế đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng trong gia đình và tại các cơ sở thờ tự công cộng.
Cho đến nay chưa có tài liệu nào đề cập đến thời điểm xuất hiện ban thờ. Tuy nhiên, căn cứ vào đối tượng và mục đích sử dụng có thể đoán định ban thờ ra đời gắn với quá trình giao lưu, tiếp biến với Tam giáo (Nho, Phật, Đạo) ở người Kinh và một số tộc người thiểu số.
Ở người Kinh phổ biến hai loại ban thờ chính là ban thờ tổ tiên (tại gia và từ đường của dòng họ) và ban thờ thần (tại gia và các cơ sở thờ tự công cộng). ban thờ thường được đặt trang trọng ở gian chính giữa của ngôi nhà. Đó là không gian thiêng để người sống giao tiếp với người chết vào ngày sóc vọng hàng tháng và các dịp lễ tết. ban thờ lúc đầu đơn giản chỉ gồm bát hương và bài vị đặt trên cái bịch đựng thóc đắp bằng đất ở sát tường, đằng trước bịch kê một cái phản gỗ, nơi chỉ dành cho khách (nam giới) và ông chủ nhà được phép nằm hoặc ngồi, về sau, ban thờ được thiết kế cầu kỳ hơn.
Bàn thờ gia tiên xưa thường gồm hai lớp. Lớp trong cùng là một chiếc rương hoặc một chiếc sập, bên trên sát tường đặt Thần chủ (bài vị) Tổ tiên đựng trong khám hoặc đặt một chiếc ngai, ở giữa đặt hai chiếc mâm nhỏ chân quỳ để bày đồ lễ. Trên chiếc mâm nhỏ trước thần chủ (hay ngai) thường đặt một cái tam sơn (đế gỗ chia làm ba phần, phần giữa cao hơn hai phần bên) dùng để đặt đĩa trầu, chén rượu, ly nước, đĩa hoa quả khi cúng lễ. Trong rương hoặc dưới gầm sập người ta thường tận dụng để đặt bát đĩa, nồi đồng, xanh đồng dùng trong các dịp lễ tết.
Lớp trong được ngăn cách với lớp ngoài bởi một chiếc màn thờ (xưa gọi là “y môn”) bằng vải the, nhung hoặc lụa màu hồng gồm hai lớp, lớp ngang bên trên có thêu hoặc dán đại tự giống chữ khắc ở hoành phi(, lớp dưới là hai cánh thõng xuống, thường ngày vén lên, chỉ buông xuống trong các dịp cúng giỗ, sau khi gia chủ cúng vái xong, với ý nghĩa để tổ tiên hưởng lễ vật một cách kín đáo, tự nhiên.
Lớp ngoài là ban thờ chính ở giữa đặt bát hương, đằng sau là một chiếc mâm nhỏ trên đặt ba chiếc đài có nắp làm bằng gỗ hoặc đồng để đựng ba chén rượu khi cúng lễ. Hai bên bát hương là hai cái đế đặt đèn nến, bên cạnh có đôi hạc đứng chầu, ngoài cùng là hai ống đựng hương. Ngoài ra còn có thêm lọ độc bình để cắm hoa đào, chiếc mâm bồng hoặc mâm chân quỳ để bày hoa quả vào dịp lễ tết. Nếu gia đình nào thờ Bà cô, Ông mãnh (những người chết trẻ chưa lập gia đình) thì sẽ đặt thêm bệ thờ đơn giản dưới gầm bàn thờ gia tiên.
Tam sơn tượng trưng cho Tam giáo; bát hương tròn tượng trưng cho bàn Thái cực; hương được thắp lên tượng trưng các vị tinh tú; đôi đèn tượng trưng cho nhật nguyệt quang minh; lọ hoa tượng trưng cho cho cái tâm không, tức lục căn thanh tịnh.
Xưa ban thờ và các đồ thờ tự nhà bình dân thường làm bằng gỗ mít, sang hơn thì sơn son thếp vàng, còn nhà giàu thì sắm đồ thờ tự bằng đồng gọi là bộ tam sự, ngũ sự hoặc thất sự và treo thêm hoành phi, câu đối bằng chữ Hán (hoặc Nôm) dọc hai bên cột hoặc tường nhà. Với nhà nghèo thì ban thờ có khi chỉ là vạt phên tre giữa hai cột trong của gian giữa, bên trên có bát hương nhỏ.
Những người vừa mới mất sẽ được lập ban thờ tạm, bài trí sơ sài để cúng cơm trong vòng 49 hoặc 100 ngày (tính từ ngày an táng xong), sau đó chuyển lên thờ chung với gia tiên. Các gia đình con thứ thì lập ban thờ vọng bằng cách thắp hương xin phép chuyển một vài nén hương đang cháy giở từ ban thờ chính đến ban thờ vọng để thắp tiếp.
Ngoài ban thờ gia tiên, tùy từng gia đình còn thờ thêm các vị thần tại gia, phổ biến là Thổ công hay Táo quân (Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ) và Thánh sư (với các gia đình có thờ tổ nghề) được phối thờ hai bên bàn thờ gia tiên. Với các gia đình có người theo tín ngưỡng Tam, Tứ phủ thì có thêm ban thờ chư vị hoặc lập am, điện thờ riêng trong khuôn viên ngôi nhà; người buôn bán có thêm ban thờ Thần tài.
Tục xưa, những vị tổ tiên (trừ ông bà Thủy tổ) từ đời thứ 5 trở lên gia đình sẽ thôi cúng giỗ, bài vị được đem chôn và được phối hưởng ở từ đường nhà thờ họ (hoặc từ đường chi họ). Bên trong nhà thờ, gian chính giữa thờ Thủy tổ có bài vị đặt trong khám để trên ban thờ trong cùng, đằng trước là sập và hương án với những đồ thờ tự còn hai gian bên đặt thần chủ của các vị tổ phân – chi của dòng họ. Mô hình ban thờ nhà thờ họ bài trí tương tự như ban thờ ở các cơ sở thờ tự, khác là ở các cơ sở thờ tự thường có thêm tượng thờ.
Trong các gia đình người Mường, Tày, Nùng, Thái, Dao,... cũng có lập ban thờ gia tiên nhưng hình thức đơn giản, không bày biện và trang trí cầu kỳ. Do tính chất gia trưởng nên dù đặt ở gian chính (như người Kinh, Tày) hoặc ở gian bên cạnh (như người Nùng, Thái) thì ban thờ vẫn được coi là nơi tôn nghiêm nhất trong ngôi nhà, xưa chỉ có nam giới mới được thực hành nghi lễ, phụ nữ thường tránh đến gần ban thờ. Ở người Tày, Nùng ngày trước còn kiêng phụ nữ có thai đi qua trước ban thờ vì sợ phạm thượng, phụ nữ Thái cho đến nay vẫn kiêng không vào gian thờ của gia đình chồng,…
Khoảng từ 1945 đến 1986, do chiến tranh loạn lạc, cùng với cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới mà ban thờ và các thực hành nghi lễ gắn với ban thờ đã có sự giản lược. Ở nông thôn, dạng ban thờ bề thế kiểu cổ chiếm cả một gian nhà chính ít dần. Thay vào đó, tuy vẫn đặt ở gian chính nhưng người ta thường tận dụng nóc tủ chè làm ban thờ, chiếc sập hoặc phản trước ban thờ được thay bằng bộ bàn ghế ngồi tiếp khách, có nhà làm bàn thờ treo trên tường...
Hiện nay còn có thêm các dạng ban thờ mới được thiết kế phù hợp cho các ngôi nhà hiện đại. Đó là các dạng bàn thờ đứng với kiểu dáng đa dạng hoặc tủ thờ gỗ với nhiều mẫu mã từ truyền thống hiện đại. Phổ biến là dạng ban thờ treo được thiết kế nhỏ gọn, tiên lợi, được cố định bằng đinh chắc chắn trên tường, thích hợp trong nhà chung cư, căn hộ nhỏ. Đối với các gia đình ở nhà ống nhiều tầng thì ban thờ thường đặt ở tầng trên cùng của ngôi nhà. Dù đã cải tiến nhưng các mô hình ban thờ vẫn bảo đảm hai lớp – lớp trong đặt các đồ thờ ố định như bát hương, di ảnh, đèn nến; lớp ngoài đặt lễ vật khi làm lễ cúng. Ngoài ra, trên ban thờ còn có những vật dụng mới như bóng điện màu, thơ, câu đối bằng chữ Quốc ngữ,… Nhiều gia đình phối thờ Thổ công, Bà Cô, Ông Mãnh vào ban thờ gia tiên hoặc đặt thêm tầng trên thờ Phật, Chúa, Bác Hồ,...Cùng với những thay đổi đó thì các kiêng kị liên quan đến ban thờ đã giảm bớt, phụ nữ ngày nay cũng có thể thay nam giới thực hành nghi lễ trước ban thờ.
Như vậy, ban thờ là vật thiêng không thể thiếu trong các gia đình và các cơ sở thờ tự, đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của một số tộc người ở Việt Nam qua các thời đại. Sự hiện diện của ban thờ tại gia đã góp phần làm nên nét đặc trưng của văn hóa truyền thống trong các ngôi nhà của người Việt Nam hiện đại.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Toan Ánh, Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1993.
- Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.
- Trương Thìn (biên soạn), Đại đức Thích Minh Nghiêm (hiệu đính), 101 điều cần biết về tín ngưỡng và phong tục, Nxb. Thời đại, Hà Nội, 2010.
- Phan Cẩm Thượng, Văn minh vật chất của người Việt, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2011.