Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Ban lộc

Ban lộc cách thức ban phát lễ vật dâng cúng thần linh cho người tham dự, diễn ra phổ biến trong nghi thức hầu thánh của Đạo Mẫu và trong nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống. ban lộc được thực hiện dựa trên niềm tin rằng, những đồ lễ được thần thánh ban phát là thiêng liêng, may mắn, và việc sử dụng sẽ khiến mang lại những tác động tích cực cho cuộc sống con người.

Ban lộc cùng chuỗi các khái niệm và thực hành gồm hái lộc, thụ lộc, tán lộc, hưởng lộc,… liên quan tới ý niệm tâm linh của người Việt về lộc. Lộc theo nghĩa rộng là tiền tài, chức tước, sức khỏe, là những điều may mắn, tốt lành trong cuộc sống mà con người có thể đạt được bằng nỗ lực cá nhân và trong sự phù trợ của các lực lượng siêu nhiên. Trong các bối cảnh tâm linh cụ thể, lộc có thể được hiện diện tượng trưng qua tiền, đồ lễ, tức những thứ được xem là đã được thánh thần đón nhận và ban phát lại cho con người. Ý nghĩa tượng trưng của lộc được thể hiện qua câu nói trong dân gian "Một miếng lộc thánh hơn một gánh lộc trần" - đồ lễ được nhận từ thần linh là rất thiêng liêng và mang lại cho con người nhiều điều may mắn.

Ban lộc thường được thực hiện trong hoặc sau các thời điểm được cho là có sự hiện diện của thánh thần. Thời điểm ban lộc thiêng này thường diễn ra sau quá trình tương tác, giao tiếp giữa con người với thần linh, chẳng hạn sau lễ hèm, lễ mật diễn ra trong lễ hội, hoặc trong quá trình nhập đồng trong nghi lễ hầu thánh của Đạo Mẫu. Như trong nghi lễ hầu đồng, vào thời điểm các vị thánh giáng và nhập hồn vào ông bà đồng, sau phần thể hiện sự nhập hồn và tái sinh của thánh bằng các động tác múa (múa kiếm, long đao, kích, múa mồi, múa quạt, múa chèo đò, thêu hoa dệt gấm), phần nghe cung văn hát kể sự tích, lai lịch, ca ngợi các thánh là thời điểm người tham dự nghe thánh phán truyền, dâng lễ vật hầu thánh và chờ thánh ban lộc. Lộc thánh trong lễ hầu đồng có thể là nén nhang cháy dở, đoạn mồi khi thánh múa, điếu thuốc, chén nước, quả cau, lá trầu, bánh trái, hoa quả, vật dụng (gương, lược, khăn tay, kẹp tóc), tiền bạc,... Lộc cũng có khi là đồ vật dâng cúng đặc biệt liên quan tới truyền thuyết, chức năng của vị thánh được phụng thờ (chẳng hạn hoa tre, chiếu, trầu cau trong lễ hội Gióng Phù Đổng, ấn trong lễ hội đền Trần hay phết tại hội Hiền Quan,…).

Niềm tin vào thần thánh và ý nghĩa phù trợ của thánh thần thông qua những đồ vật thờ cúng liên quan còn thể hiện trong cách con người ứng xử với các đồ vật họ nhận khi được ban lộc. Lộc được xem là các món quà thiêng của thánh, tượng trưng cho sự hiện diện và sức mạnh thần thánh được ban riêng cho người trần nhằm lấy may và nhận sự phù trợ, vì thế người ta luôn nhận lộc với thái độ cung kính. Lộc có khi dùng để huơ qua mặt và đầu để xua đuổi ma tà, vận rủi (như với nén nhang, đoạn mồi cháy dở,…) rồi mang về đặt trên ban thờ trong nhà. Lộc cũng có khi được ăn, uống nhằm tiêu trừ bệnh tật hoặc để cơ thể thêm khỏe mạnh (như với nước, rượu, trầu cau, bánh trái đã được thánh làm phép, thổi hơi hoặc phát từ ban thờ). Khi được ban lộc bằng tiền mặt, nhiều người dùng để mua bán, làm ăn, và tin rằng những đồng tiền này sẽ mang lại may mắn. Trong những lễ hội có phần ban lộc sau lễ, chẳng hạn ban lộc hoa tre trong hội Gióng, ấn trong hội đền Trần,…, người nhận thường mang về đặt trên ban thờ với niềm tin sẽ được phù trợ và nhận sự may mắn quanh năm. Tin vào sức mạnh phù trợ của lộc thánh, trong nhiều lễ hội, người ta không chờ để được ban lộc mà chủ động để giành phần lộc thánh về mình, cũng là để giành lấy sự may mắn. Tâm lý này dẫn tới những màn tranh cướp lộc thánh trong nhiều lễ hội, và việc giành được lộc càng thêm xác tín niềm tin vào vận may sẽ đến trong năm mới.

Ban lộc xuất phát từ niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên có những quyền năng tác động tới cuộc sống của con người, và cũng nhằm xác tín sự hiện diện của thánh thần, sự tương tác giữa con người và thần linh tại các không gian thờ cúng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Ngô Đức Thịnh, Lên đồng - hành trình của thần linh và thân phận, Nxb Trẻ, Hà Nội, 2008.
  2. Lê Hồng Lý, Tìm hiểu lễ hội Hà Nội, Nxb Hà Nội, 2010.
  3. Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng lễ hội cổ truyền Việt Nam, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2018.