Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Ba quyết tâm

Ba quyết tâm phong trào hành động cách mạng của giới trí thức Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, phát động (1.1966).

Sau thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, chuẩn bị leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Để động viên tinh thần đoàn kết và ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam, ngày 27.3.1964, Hội nghị Chính trị đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Sau Hội nghị, hưởng ứng lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nghị quyết về “đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước” của Ban Bí thư Trung ương Đảng, với tinh thần mỗi người làm việc bằng hai, nhiều phong trào thi đua đã được tổ chức ở tất cả các ngành, các giới: “Ba nhất” trong quân đội và dân quân tự vệ, “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, “Sóng Duyên hải” trong công nghiệp… cả nước đều quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Để động viên đội ngũ trí thức tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, từ ngày 4 đến ngày 6.1.1966, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Trí thức Việt Nam chống Mỹ, cứu nước. Hội nghị có 650 đại biểu đại diện cho giới trí thức cách mạng trên cả nước tham dự. Đến dự và nói chuyện tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: công nhân có cuộc vận động “ba xây, ba chống”, nông dân có “cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật”, phụ nữ có phong trào “Ba đảm đang”, thanh niên có “Ba sẵn sàng”, phụ lão một số nơi có phong trào “Bạch đầu quân”…; đề nghị đội ngũ trí thức nên có một cuộc vận động để góp phần vào phong trào chung của cả nước. Thực hiện lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị quyết định phát động phong trào “Ba quyết tâm” trong giới trí thức, với ba nội dung: quyết tâm phục vụ sản xuất, chiến đấu; quyết tâm đẩy mạnh cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng văn hóa tư tưởng; quyết tâm xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa.

Ba quyết tâm đã được đông đảo trí thức tham gia, trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong đội ngũ trí thức cách mạng Việt Nam. Năm 1967 đã có 35 trường, 6.727 giáo viên, 58.200 sinh viên đại học (năm 1965 mới có 16 trường, 2.750 giáo viên, 29.000 sinh viên); hàng chục nghìn cán bộ, công nhân viên kỹ thuật, y bác sĩ được đào tạo tăng cường cho mặt trận nông nghiệp, nông thôn và các cơ sở y tế; nhiều văn nghệ sĩ và hàng vạn trí thức trẻ lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Mặc dù bị chiến tranh phá hoại, nhưng sản lượng nông nghiệp miền Bắc năm 1967 vẫn đạt xấp xỉ năm 1964; năm 1968 diện tích trồng rừng tăng 2,5%, sản lượng công nghiệp tăng 1,5 lần so với kế hoạch 5 năm lần thứ nhất; xuất bản được 1.471 đầu sách với 30 triệu bản in, hệ thống phát hành, thư viện được mở rộng; y tế cơ sở phát triển thành một mạng lưới sâu rộng với 6.043 trạm xá, 981 bệnh viện với 60 nghìn y, bác sĩ. Tiêu biểu như: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Giáo sư Hoàng Minh Giám, Bác sĩ Tôn Thất Tùng, Bác sĩ Đặng Văn Ngữ, Bác sĩ Phùng Văn Cung… Nhiều trí thức trẻ tình nguyện đến những nơi khó khăn, nguy hiểm, anh dũng chiến đấu và hi sinh: Kỹ sư Đặng Kim Giao, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm, Nhà thơ Lê Anh Xuân, Nhà văn Nguyễn Thi…

Ba quyết tâm đã có nhiều đóng góp vào thành tựu trong các lĩnh vực khoa học kĩ thuật, giáo dục, đào tạo, tư tưởng, văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, chiến đấu và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Cùng với các phong trào khác, Ba quyết tâm đã cổ vũ, động viên, tạo nên khí thế cách mạng của cả dân tộc, góp phần vào thắng lợi trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2002.
  2. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  3. PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc: Vai trò và trách nhiệm của trí thức trong lịch sử và công cuộc đổi mới hiện nay, Tạp chí Tuyên giáo ngày 10.11.2008.
  4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011.
  5. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ 1954-1975, tập 4, Cuộc đụng đầu lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013.
  6. TS. Nguyễn Huy Thục: Hội nghị chính trị đặc biệt (năm 1964) - Điểm hội tụ sức mạnh đoàn kết và ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, tháng 3.2014.
  7. Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhiệm vụ cải tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước, Báo Đại đoàn kết thứ Hai ngày 4.8.2014.
  8. Cổng thông tin điện tử Trường Quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh: Sáng mãi những Nhà giáo đã hi sinh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.