Ba đảm đang là phong trào hành động cách mạng của phụ nữ miền Bắc Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, do Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động (19.3.1965).
Ngay sau khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược, tiến hành ném bom, đánh phá miền Bắc (5.8.1964), với ý chí “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, hàng triệu thanh niên miền Bắc đã tình nguyện thực hiện “Ba sẵn sàng”, gia nhập lực lượng vũ trang, tham gia thanh niên xung phong ra tiền tuyến. Nhân dịp kỷ niệm 15 năm Ngày Toàn quốc chống Mỹ (19.3.1950-19.3.1965), Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm”, với ba nội dung chính: đảm nhiệm sản xuất và công tác thay thế nam giới đi chiến đấu; đảm nhiệm công việc gia đình khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm phục vụ chiến đấu. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đổi tên “Ba đảm nhiệm” thành Ba đảm đang để phong trào có ý nghĩa, giản dị, phù hợp với truyền thống Phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ có thành tích xuất sắc được tặng danh hiệu Ba đảm đang.
Ngay sau khi phát động, phong trào Ba đảm đang đã phát triển và lôi cuốn đông đảo các tầng lớp phụ nữ thi đua trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sau một tháng, Thái Bình đã có 30 nghìn phụ nữ đăng ký thực hiện. Đến cuối tháng 5.1965, trên toàn miền Bắc có 1,7 triệu phụ nữ tình nguyện tham gia phong trào Ba đảm đang. Trên mặt trận lao động sản xuất, hàng triệu phụ nữ nông dân vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu với những “đường cày đảm đang”, “tay cày tay súng”, “cánh đồng 5 tấn”... đảm đang thay nam giới làm chủ ruộng đồng, tích cực học tập và áp dụng thành thạo kỹ thuật mới. Trên các công trường, nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, với các khẩu hiệu “tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy”, “giỏi một nghề, biết nhiều việc”, “luyện tay nghề, thi thợ giỏi”... hàng triệu phụ nữ không quản ngày đêm hăng hái thi đua lao động, sản xuất, dũng cảm đánh địch, bảo vệ nhà máy... Phụ nữ vừa là lực lượng lao động, vừa là lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Từ miền xuôi đến miền núi, hàng trăm nghìn phụ nữ tham gia dân quân, tự vệ; các tỉnh ven biển thành lập đại đội nữ pháo cao xạ, đại đội nữ pháo binh, trực chiến, đánh máy bay và tàu chiến Mỹ. Có 20 đơn vị nữ dân quân, tự vệ độc lập tác chiến bắn rơi 28 máy bay Mỹ. Trên mặt trận giao thông vận tải, với lời thề “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, phụ nữ trong các đơn vị giao thông vận tải, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến sẵn sàng xả thân bảo vệ mạch máu giao thông từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam. Phụ nữ ở hậu phương tham gia chăm sóc cha mẹ già, giữ trọn đạo thủy chung, vừa sản xuất, vừa hoạt động xã hội, vừa lo công việc gia đình, góp phần bảo đảm cho hàng triệu con em được ăn no, mặc ấm, được học hành...
Từ phong trào hành động cách mạng Ba đảm đang đã trở thành cao trào cách mạng của phụ nữ miền Bắc, khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống lao động sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, huy động sức mạnh tổng hợp của hàng chục triệu phụ nữ trên khắp mọi miền Tổ quốc. Nhiều phụ nữ tiêu biểu, như Mẹ Suốt ở Bảo Ninh (Quảng Bình) không quản ngại bom đạn, chèo đò đưa bộ đội qua sông, Đội nữ dân quân Nam Ngạn dùng súng trường bắn rơi máy bay Mỹ ở Hàm Rồng (Thanh Hóa), nữ dân quân Lệ Thủy (Quảng Bình) bắn chìm tàu chiến địch... Tính đến năm 1971, trên toàn miền Bắc có 42 nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 13 đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân toàn nữ; 1.718 nữ được thưởng Huy hiệu Bác Hồ; 5.000 nữ Chiến sĩ thi đua; hơn 3.000 tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa đông nữ được bình bầu hằng năm; hơn 3 triệu phụ nữ đạt danh hiệu “Ba đảm đang” xuất sắc… làm sáng lên hình ảnh người phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
Ba đảm đang đã khẳng định vị trí, vai trò của người Phụ nữ Việt Nam trong xây dựng và củng cố hậu phương, tạo nguồn sức mạnh vật chất, động viên tinh thần vô giá cho tiền tuyến, đáp ứng kịp thời những yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược và tiếp tục phát huy hiệu quả trong xây dựng và bảo vệ đất nước. (873 chữ)
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Lê Chân Phương, Nguyên Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Ba đảm đang, một phong trào cách mạng rộng lớn của phụ nữ, Sự kiện và Nhân chứng số 22, tháng 10.1995.
- Từ điển Bách khoa Phụ nữ Việt Nam, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2002.
- Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2002.
- Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ 1954-1975, tập 4, Cuộc đụng đầu lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013, tr. 343-373.
- Lê Thị Thanh Huyền, Vài nét về phong trào “Ba đảm đang” trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tạp chí Lịch sử quân sự tháng 12.2017.
- Hồ sơ lưu trữ tài liệu Phong trào “Ba đảng đang” của Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam: Phong trào Ba đảm đang “Kỳ tích” của Phụ nữ Việt Nam.