Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
BM-14
Một bệ phóng 140mm, 16 viên (BM-14) gắn trên xe tải GAZ-63.

BM-14 là pháo phản lực bắn loạt gồm giàn phóng với 16 (hoặc 17) ống phóng lắp trên xe ô tô do Liên Xô thiết kế, chế tạo.

BM-14 được nghiên cứu phát triển từ cuối thập kỉ 40 của thế kỉ 20, do công trình sư V. V. Vatôlin cùng các kỹ sư thuộc Phòng Thiết kế số 23 nghiên cứu, thiết kế nhằm thay thế pháo phản lực bắn loạt BM-13. Khi nghiên cứu, thiết kế BM-14, các nhà khoa học Liên Xô đã dựa vào nguyên lý chung của pháo phản lực và một phần theo mẫu pháo Nebelwerfer của CHLB Đức. Sau nhiều lần thử nghiệm, rút kinh nghiệm, đến cuối năm 1952, BM-14 chính thức được đưa vào sản xuất hàng loạt và đưa vào trang bị cho Quân đội Liên Xô từ đầu năm 1953.

BM-14 có các biến thể chính sau: BM-14-16, có 16 ống phóng, đường kính đạn 140 mm, chế tạo năm 1952; BM-14-17, có 17 ống phóng, đường kính đạn 140 mm, chế tạo năm 1959, khối lượng toàn bộ khoảng 2,5 t, đạn nặng khoảng 40 kg, được lắp trên khung xe vận tải hạng nhẹ GAZ-63A; BM-14M, cải tiến trên cơ sở BM-14-16, giàn phóng gắn trên khung xe vận tải ZIL-157, chế tạo năm 1958; BM-14MM, giàn phóng gắn trên khung xe vận tải ZIL-131, chế tạo năm 1959.

Kết cấu của BM-14-16 gồm một thiết bị phóng đạn phản lực BM-14-16; đạn phản lực M-14-16. Thiết bị phóng gồm: các thanh dẫn hướng, giàn, khung quay, các cơ cấu tầm và hướng, máy ngắm, trang thiết bị điện, kích và thiết bị chuyên dụng cho phần xe; 16 ống phóng, bố trí theo cặp đôi thành 2 tầng (mỗi tầng 8 ống phóng). Ban đầu BM-14-16 được lắp trên xe vận tải ZIS-151, đến năm 1958 được lắp trên xe ZIL-131.

Ống phóng của BM-14-16 có đường kính 140 mm, dài 1.150 mm. Bắn các loại đạn: đạn phản lực tuabin không điều khiển kiểu nổ mảnh M-14-OF (đường kính 140 mm, dài 1.090 mm, khối lượng đạn 39,62 kg, khối lượng đầu đạn 18,8 kg, tầm bắn 9.810 m, khi lắp ngòi nổ tức thì, đạn thiên về khả năng nổ mảnh, khi lắp ngòi nổ chậm, đạn có hướng hoạt động nổ mạnh hơn); đạn khói M-14Đ, nhằm tạo ra màn khói và “làm mù” các trạm quan sát cũng như khí tài hoả lực của đối phương. Ngoài 2 loại đạn trên, BM-14-16 còn sử dụng các loại đạn với đầu đạn hóa học. BM-14-16 lắp trên khung xe ZIL-131, kích thước khi hành quân 6.920 x 2.300 x 3.170 mm, khối lượng trạng thái chiến đấu 8,350 kg; tốc độ tối đa 60 km/h, hành trình dự trữ 520-665 km, khả năng vượt hố sâu 0,8 m; góc tầm 0-500, góc hướng từ -700 đến 700, thời gian phóng loạt 7-10 giây; thời gian nạp đạn 2-3 phút. Khi chuyển thiết bị phóng từ trạng thái hành quân sang chiến đấu, trước cabin đóng lại bằng các tấm thép, bộ phận sau của xe treo trên mặt đất nhờ các trụ chống bằng kích, thời gian thực hiện 1,5-2 phút. Thiết bị phóng có thể bắn lần lượt từng tầng, tuy nhiên chế độ bắn cơ bản là bắn loạt. Điều khiển bắn có thể từ cabin xe hoặc từ bảng điều khiển phóng. Kíp xe 7 người; trong hành quân, chỉ huy và lái xe ngồi trong cabin, các thành viên còn lại ngồi trên ghế ngồi lắp sau cabin.

BM-14 trang bị cho quân đội nhiều nước khác, như các nước trong khối quân sự Vacsava và các đồng minh của Liên Xô ở châu Phi, châu Á và Trung Đông, sử dụng trong các cuộc xung đột ở Angiêri, chiến tranh Apganixtan. Ở Việt Nam, BM-14 (chủ yếu là BM-14-17) được trang bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam từ giữa thập niên 60 của thế kỷ XX và được sử rộng rộng rãi trong Kháng chiến chống Mỹ. Từ yêu cầu của chiến trường, Quân đội ta cần có vũ khí gọn nhẹ nhưng uy lực mạnh, bắn đồng loạt từ xa, tiêu diệt trên diện rộng, tầm bắn chính xác và phù hợp với cách đánh. Cục Nghiên cứu kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu cải tiến, chế tạo một giàn phóng mới (Việt Nam gọi là A12). Một số chi tiết được cải tiến: tháo ống phóng của BM-14-17; sau đó chế tạo bệ phóng (bệ phóng gồm ống phóng bắt vào bệ gỗ). Tấm gỗ của bệ phóng dày 2 cm, rộng 25 cm, dài 120 cm, nặng khoảng 10,5 kg. Khi thực hiện bắn, bệ phóng được kê đầu lên túi đất, chèn thêm các túi đất lên trên và quanh tấm gỗ để cố định bệ. Góc bắn lấy 450, điểm hoả bằng 6 quả pin tiểu 1,5 v; qua thử nghiệm, tầm bắn đạt khoảng 8 km (của BM-14-17 là 10 km), độ chính xác cao hơn. Giàn phóng cải tiến A12 có 12 ống phóng, bắn đồng loạt, gọn nhẹ có thể mang vác thuận lợi. Lần đầu tiên Quân đội Việt Nam sử dụng A12 để tiến công sân bay Đà Nẵng (đêm 26 rạng ngày 27.2.1967), đạt hiệu suất chiến đấu cao, làm cho Quân đội Mỹ và Quân đội Sài Gòn bất ngờ. Tổng kết trận đánh ta phá huỷ 94 máy bay, 200 xe quân sự , tiêu diệt và làm bị thương hơn 1.000 quân địch; là trận đánh lớn nhất trên chiến trường miền Nam của Quân đội Việt Nam thời điểm đó.

BM-14 trang bị cho Quân đội Liên Xô từ những năm đầu thập niên 50 thế kỷ XX và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Nhược điểm của BM-14 là nặng nề, cồng kềnh, kíp chiến đấu đông người (kíp chiến đấu của BM-21 là 3-4 người). Đến đầu những năm 1960, trong lực lượng vũ trang Xô viết BM-14 dần được thay thế bằng BM-21. Hiện nay, trong lực lượng vũ trang nhiều quốc gia vẫn trang bị BM-14, trong đó có Việt Nam.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  2. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007
  3. Tổng cục kỹ thuật, Sổ tay Hướng dẫn sử dụng súng, pháo, khí tài, đạn dược ở sư đoàn bộ binh, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2008
  4. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử hậu cần – kỹ thuật trong kháng chiến chống chống Mỹ (1965-1972), Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2015