Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bức màn sắt
Bức màn sắt, màu đen
  Các nước khối Warszawa
  Các nước NATO
  Các nước trung lập
  Nam Tư, thành viên của phong trào không liên kết

Bức màn sắt đề cập đến sự chia cắt, cả về mặt ý thức hệ lẫn trên thực tế, được thiết lập ở châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ Hai giữa vùng ảnh hưởng của Liên Xô ở phía đông và vùng ảnh hưởng của Mỹ ở phía tây của châu Âu.

Thuật ngữ được Wilson Churchill sử dụng lần đầu trong bài phát biểu ngày 5 tháng 3 năm 1946 nhân chuyến công du tới Mỹ. Bài phát biểu đã sử dụng hình ảnh "từ hải cảng Stettin thuộc Baltic đến Trieste thuộc Adriatic, một bức màn sắt đã hạ xuống chia cắt lục địa này". Churchill đã lấy ý tưởng này từ nhà văn Nga Vassili Rozanov, người đã sử dụng khái niệm Bức màn sắt trong cuốn sách viết về cuộc cách mạng Bolshevik năm 1918. Bài phát biểu của Churchill được xem như là một trong những bài phát biểu nổi tiếng nhất ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh và cũng được coi như là tuyên bố mở đầu Chiến tranh Lạnh.

Bức màn sắt được thiết kế bởi các nhà lãnh đạo Liên Xô, lúc đầu với ý nghĩa ý thức hệ nhằm ngăn chặn hệ tư tưởng phương Tây; sau đó dần dần được hiện thực hóa trên thực địa nhằm hạn chế sự di chuyển của công dân các nước Đông Âu sang Tây Âu. Được xây dựng đầu tiên ở Hungary năm 1949, sau đó là hàng loạt các quốc gia Đông Âu khác cũng dựng lên bức màn sắt dưới nhiều loại hình khác nhau: hàng rào thép gai, mương rãnh, các công trình bằng bê tông, hệ thống báo động bằng điện, hệ thống bắn tự động hoặc mìn... kéo dài vài nghìn cây số. Trong đó, bức tường Berlin được coi như là biểu tượng của sự chia cắt trong Chiến tranh Lạnh.

Bức tường Berlin được chính phủ Đông Đức xây dựng vào năm 1961 dưới sự hỗ trợ của Liên Xô, nhằm ngăn cản dòng người di tản từ Đông Berlin sang Tây Berlin, điều này đã làm cho nguồn lực của Đông Đức cạn kiệt. Tuy nhiên, lý do mà phía Đông Đức đưa ra ở thời điểm đó là xây dựng bức tường thành chống phát xít. Bức tường dài 155 km được xây dựng chủ yếu bằng bê tông cốt thép xen kẽ với lưới kim loại và được bố trí nhiều tháp canh. Theo số liệu của các nhà sử học thì có khoảng từ 600 đến 700 người đã thiệt mạng trong lúc trốn chạy từ Đông Đức qua Tây Đức trong suốt Chiến tranh Lạnh, trong đó chỉ riêng bức tường Berlin đã khiến hơn 100 người thiệt mạng.

Năm 1989, chế độ cộng sản ở Đông Âu bắt đầu sụp đổ bởi tác động của việc Liên Xô, dưới sự lãnh đạo của Mikhail Gorbachev, đưa ra quyết định không can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước Đông Âu. Tháng 5 năm 1989, Hungary là nước đầu tiên dỡ bỏ bức màn sắt mở cửa biên giới với Áo và tiếp theo là ở các nước Đông Âu khác. Ngày 9 tháng 11 năm 1989, người dân Đông Berlin đã cùng nhau phá hủy bức tường Berlin ngay sau khi chính phủ Đông Đức tuyên bố sự tự do lựa chọn chế độ chính trị cho người dân.

Sự sụp đổ của bức tường Berlin đánh dấu chấm hết cho bức màn sắt, đồng thời cũng là một trong những biểu tượng tiêu biểu cho sự kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Claude Quétel, L’Histoire des murs (Lịch sử của những bức tường), Perrin, Paris, 2012.
  2. Anne Applebaum, Iron Curtain: The Crushing of Eastern Europe (Bức màn sắt: Sự nghiền nát Đông Âu), 1944-1956, Reprint edition, Anchor, 2013.
  3. Churchill delivers Iron Curtain speech (Bài phát biểu Bức màn sắt của Churchill, History.com
  4. Iron Curtain: European History (Bức màn sắt: Lịch sử Châu Âu), https://www.britannica.com/event/Iron-Curtain.
  5. Commémoration de sa chute: cinq choses à savoir sur le «rideau de fer» (Kỷ niệm sự sụp đổ : 5 điều cần biết về « bức màn sắt »), https://www.lenouvelliste.ch/articles/monde/cinq-choses-a-savoir-sur-le-rideau-de-fer-860895