Mục từ này cần được bình duyệt
Bộ sưu tập tài liệu thư viện

tập hợp những tài liệu được lưu giữ và bảo quản trong thư viện, có nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của thư viện, được xử lý, tổ chức theo quy trình nghiệp vụ của thư viện nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu đọc và sử dụng thông tin của bạn đọc (người dùng tin) của thư viện đó.

Trong một thư viện có thể có một số bộ sưu tập tài liệu khác nhau dựa vào một số đặc tính của chúng, như: loại hình tài liệu (bộ sưu tập tài liệu nghe nhìn, bộ sưu tập chung, bộ sưu tập sách, bộ sưu tập tạp chí,…); nội dung của tài liệu (bộ sưu tập sách Đông Dương, bộ sưu tập tài liệu địa chí,…); đối tượng phục vụ (bộ sưu tập sách thiếu nhi, bộ sưu tập chung, bộ sưu tập sách cho người khiếm thị,…).

Tập hợp các bộ sưu tập trong một thư viện được gọi là vốn tài liệu của thư viện đó. Vì vậy, đôi khi người ta đồng nhất hai khái niệm này với nhau. Vốn tài liệu thư viện là những tài liệu được sưu tầm, tập hợp theo nhiều chủ đề, nội dung nhất định, được xử lý theo quy tắc, quy trình khoa học của nghiệp vụ thư viện để tổ chức phục vụ người đọc đạt hiệu quả cao và được bảo quản. Vốn tài liệu là bộ sưu tập các xuất bản phẩm và các vật mang tin được hình thành phù hợp với chức năng của thư viện để sử dụng có tính chất xã hội, phù hợp với chức năng và được giới thiệu nhiều phương diện với sự trợ giúp của hệ thống mục lục.

Xét trên bình diện chung nhất, vốn tài liệu chung của nhân loại được lưu giữ dưới dạng các bộ sưu tập tài liệu khác nhau trong hệ thống các thư viện trên toàn thế giới là kho tàng văn hóa vừa có giá trị về phương diện vật chất, vừa có giá trị về phương diện tinh thần. Vốn tài liệu gìn giữ, tàng trữ những kinh nghiệm sản xuất, đấu tranh của nhiều thế hệ, những thành tựu mà con người đạt được. Vốn tài liệu là tiêu chí đánh giá sự phát triển của xã hội. Bộ sưu tập tài liệu chung của dân tộc đa dạng, phong phú hay nghèo nàn cũng chứng tỏ trình độ văn hóa của một dân tộc thấp hay cao

Đối với một thư viện cụ thể, các bộ sưu tập tạo thành vốn tài liệu của thư viện chính là tiêu chuẩn hình thành thư viện cũng như xếp hạng của thư viện đó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Pháp lệnh Thư viện (Pháp lệnh 31/2000/PL-UBTVQH10).

2. Thông tư số 56/2003/TT-BVHTT ngày 16.6.2003 Hướng dẫn chi tiết về điều kiện thành lập thư viện và thủ tục đăng ký hoạt động thư viện.

3. Lê Văn Viết, Cẩm nang nghề thư viện, Hà Nội,. 2000.