Tên gốc: bộ sách Giải phẫu người gồm 4 quyển
Các tên gọi khác: giải phẫu đại cương-Giải phẫu Đầu Mặt Cổ, Giải phẫu Chi trên và Chi dưới, Giải phẫu Ngực, Giải phẫu Bụng.
Loại tác phẩm: sách giáo khoa và sách tham khảo.
Tác giả: Đỗ Xuân Hợp (với sự cộng tác của Lê Quang Cát, Nguyễn Quang Quyền, Trịnh Văn Minh, Phạm Gia Văn,Nguyễn Kim Lộc, Đặng Đình Nhân, Vũ Duy San).
Thời gian in ấn: giải phẫu tứ chi và Thực dụng Ngoại khoa in lần đầu năm 1951, rồi đổi thành Giải phẫu và Thực dụng Ngoại khoa Chi trên và Chi dưới in năm 1964, sau đó đổi thành Giải phẫu Chi trên và Chi dưới in vào khoảng 1975-1976; Giải phẫu Ngực in lần đầu năm 1967, Giải phẫu Bụng và thực dụng ngoại khoa in lần đầu năm 1952, rồi đổi thành Giải phẫu Bụng in năm1968 và Giải phẫu đại cương-Giải phẫu Đầu Mặt Cổ in lần đầu năm 1971.
Tác phẩm có rất nhiều lần tái bản ở Hà Nội và đặc biệt sau năm 1975 ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Nội dung: Mô tả đầy đủ, chi tiết và hệ thống các đặc điểm giải phẫu của các hệ, các cơ quan, bộ phận…của cơ thể người và một số ứng dụng lâm sàng, chủ yếu là ứng dụng ngoại khoa.
- Kết cấu, bố cục, các tập, chương, mục: Bộ sách gồm 4 quyển: 1) Giải phẫu đại cương-Giải phẫu Đầu Mặt Cổ, 2) Giải phẫu Chi trên và Chi dưới, 3) Giải phẫu Ngực, 4) Giải phẫu Bụng.
+ Quyển 1: Giải phẫu đại cương-Giải phẫu Đầu Mặt Cổ, gồm 6 tập.Tập I: Giải phẫu đại cương (Đại cương vè Giải phẫu; Hệ xương; Hệ khớp; Hệ cơ; Hệ tuần hoàn; Hệ thần kinh). Tập II: Giải phẫu đầu mặt (Các xương ở đầu và mặt, Xương sọ, Xương mặt, Tổng quát về sọ não, Tổng quát về sọ mặt, Các khớp ở đầu và mặt, Các cơ ở đầu và mặt, Các cơ ở mặt gồm cơ bám da và cơ nhai). Tập III. Giải phẫu cổ (Gáy, Vùng cổ trước, Động mạch ở đầu mặt cổ, Tĩnh mạch ở đầu và cổ, Bạch mạch ở đầu và cổ, Thần kinh ở đầu mặt cổ, Khu dưới móng, Khu cảnh hay khu ức đòn chũm, Khu trên đòn). Tập IV. Hệ thần kinh (Thần kinh trung ương, Các đường dẫn truyền thần kinh, Màng tủy não, Mạch của tủy não, Thần kinh ngoại biên, Thần kinh thực vật). Tập V. Các giác quan (Tai, Mắt, Mũi, Miệng, Lưỡi, Các cơ ở nền miệng và cơ trâm, Các tuyến nước bọt). Tập VI. Hầu, Thanh quản, Khí quản, Tuyến giáp và Tuyến cận giáp.
+ Quyển 2: Giải phẫu Chi trên và Chi dưới, chia thành hai phần Giải phẫu chi trên và thực dụng ngoại khoa chi trên; Giải phẫu chi dưới thực dụng ngoại khoa chi dưới. Giải phẫuchi trên gồm 7 tập. Tập I: Xương chi trên, Tập II: Vai và nách, Tập III: Cánh tay, Tập IV: Khuỷu, Tập V: Cẳng tay. Tập VI: Cổ tay, Tập VII: Bàn tay. Thực dụng ngoại khoa chi trên gồm 4 tập. Tập I: Gãy chi trên, Tập II: Thắt động mạch và tìm dây thần kinhở chi trên. Tập III: Cắt đoạn và tháo khớp ở chi trên. Tập IV: Cắt cụt ở chi trên. Giải phẫu chi dưới gồm 6 tập Tập I: Xương chi dưới, Tập II: Hông và đùi, Tập III: Vùng gối, Tập IV: Cẳng chân. Tập V: Bàn chân, Tập VI: Khớp bàn chân. Thực dụng ngoại khoa chi dưới gồm 4 tập. Tập I: Gãy xương ở chi dưới, Tập II: Thắt động mạch và tìm dây thần kinh ở chi dưới. Tập III: Cắt đoạn và tháo khớp ở chi dưới. Tập IV: Cắt cụt ở chi dưới.
+ Quyển 3: Giải phẫu ngực gồm 3 tập.Tập I: Các xương và khớp của ngực (Xương và khớp của cột sống, Xương và khớp của lồng ngực). Tập II: Các cơ của ngực (Các cơ ở lưng và thắt lưng, Các cơ ở ngực, Cơ hoành). Tập III. Các cơ quan trong lồng ngực: Nhìn tổng quát về ngực, Vùng phổi và màng phổi, Trung thất trước (Tim, Tuyến ức, Các mạch máu lớn và thần kinh ở trung thất trước), Trung thất sau (Khí quản, Thực quản, Các mạch máu và thần kinh trong trung thất sau, Nhìn chung về trung thất sau).
+ Quyền 4: Giải phẫu bụng gồm 6 tập. Tập I: Xương, khớp, cơ, mạch và thần kinh của thành bụng (Xương của chậu hông, Các khớp ở chậu hông, Các cơ ở thành bụng). Tập II: Ổ bụng (Tổng quát về ổ bụng và các thành phần của bụng, Mạch và thần kinh ở bụng, Phúc mạc). Tập III: Tạng ở tầng trên mạc treo kết tràng ngang (Dạ dày, Tá tràng và tụy, Gan, Tỳ, Nhìn tổng quát về tạng ở tầng trên mạc treo kết tràng ngang). Tập IV: Tạng ở tầng dưới mạc treo kết tràng ngang (Tầng dưới mạc treo kết tràng ngang, Kết tràng, Trực tràng). Tập V: Tạng ở khu sau phúc mạc (Thận, Tuyến thượng thận, Niệu quản). Tập VI: Tạng ở khu dưới phúc mạc (Bàng quang và niệu đạo, Bộ sinh dục, Khoang chậu hông dưới phúc mạc, Mạch máu và thần kinh trong châu hông bé, Đáy chậu).
- Nhìn tổng quát:
Bộ sách Giải phẫu người của Đỗ Xuân Hợp là một bộ sách giáo khoa đầy đủ và hoàn chỉnh nhất trong các sách về Giải phẫu học ở nước ta. Tất cả các chương mục được biên soạn công phu, tỉ mỉ, nhất quán, có tham khảo những bộ sách kinh điển của các tác giả nổi tiếng thế giới (Rouvière, Testut, Grégoire, Oberlin,,,), kết hợp với những nghiên cứu, sáng tạo và kinh nghiệm thực tế của bản thân tác giả.
Ý nghĩa, tác dụng, ảnh hưởng:
Đây là một trong những cuốn sách giáo khoa y học bằng tiếng Việt đầu tiên ở nước ta, được biên soạn suốt hai chục năm (1950-1970) trong hoàn cảnh còn rất khó khăn, thiếu thốn.
Bộ sách Giải phẫu người được xuất bản và tái bản nhiều lần trong nửa thế kỷ qua (1971-2020) đã có ý nghĩa, tác dụng và ảnh hưởng to lớn đối với sự phát triển của nền y học và y tế Việt Nam nói chung, đối với sự nghiệp đào tạo cán bộ y tế và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân nói riêng. Trong thời gian dài (cho đến năm 1985), là bộ sách giáo khoa duy nhất về Giải phẫu học bằng tiếng Việt ở nước ta, là “sách gối đầu giường” của sinh viên ngành y, của phẫu thuật viên và của các thầy thuốc. Bộ sách này còn làm cơ sở tham khảo của các ngành khác liên quan.
Các loại giải thưởng:
- Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ (1996).
- Một số hình ảnh, tư liệu lấy trong cuốn Morphologie humaine et anatomie artistique viết chung với Pierre Huard được Giải thưởng Testut của Pháp (1949).
Hình minh họa:
Giáo sư Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp (1906-1985)
Bìa tập sách trong Bộ sách Giải phẫu người
Bìa tập sách trong Bộ sách Giải phẫu người
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đỗ Xuân Hợp, Giải phẫu và Thực dụng Ngoại khoa Chi trên và Chi dưới. Nhà xuất bản Y học và Thê dục thể thao, Hà Nội, 1964.
2. Đỗ Xuân Hợp, Giải phẫu Ngực. Nhà xuất bản Y học và Thê dục thể thao, Hà Nội, 1967.
3. Đỗ Xuân Hợp: Giải phẫu Bụng. Nhà xuất bản Y học và Thê dục thể thao, Hà Nội, 1968.
4. Đỗ Xuân Hợp: Giải phẫu đại cương-Giải phẫu Đầu Mặt Cổ, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 1971.
5. Lê Gia Vinh: Tài danh Y học Việt Nam và Thế giới, Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 2001, tr 75-84.
6. Nguyễn Quốc Triệu (Chủ biên): Những tấm gương thầy thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 2009, tr. 319-326.
7. Phạm Gia Khánh (Chủ biên): Giáo sư Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp-cuộc đời và sự nghiệp, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 2000.
8. Trần Phương Hạnh: Từ điển danh nhân y học, Nhà xuất bản Y học, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr 112-113.