Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bộ luật Hammurabi
Văn bản khắc trên bia đá của bộ luật Hammurabi.
Phần trên của bia đá chứa bộ luật Hammurabi.
Mặt sau của bia đá.

Bộ luật Hammurabi là bộ luật thành văn cổ nhất thế giới còn tương đối nguyên vẹn được tìm thấy cho đến ngày nay, được ra đời ở vùng Lưỡng Hà trong khoảng thời gian từ năm 1792 đến năm 1750 trước Công nguyên, mang tên vị vua đã ban hành bộ luật – vua Hammurabi, trị vì vương triều Babilone thứ sáu.

Bộ luật Hammurabi được khắc bằng văn tự hình đinh trên một phiến đá bazan cao 2,25m, được phát hiện bởi đoàn khảo cổ người Pháp ở thành phố Suse, thuộc Iran ngày nay vào năm 1901. Phiến đá này ngày nay được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Louvre (Pháp). Ở mặt trước và phía trên của tấm bia khắc mô tả hình thần Mặt Trời Samat ngồi trên ngai vàng trao những điều luật cho vua Hammurabi đứng nghiêm trang trước thần. Hammurabi đã ý thức sâu sắc kết hợp thần quyền, vương quyền và pháp quyền khiến bộ luật được “thiêng hóa” nhằm đạt được mục đích cai trị dân chúng.

Về nguồn gốc, ở khu vực Lưỡng Hà, trước khi bộ luật Hammurabi ra đời đã có luật của người Sumer, luật của Eshnunna. Do đó, bộ luật Hammurabi được cho là sự phát triển tiếp tục và kế thừa các điều luật thời cổ Sumer.

Về cơ cấu, bộ luật Hammurabi bao gồm ba phần chính: phần mở đầu, phần nội dung và phần kết luận. Phần mở đầu khẳng định rằng đất nước Babylone là một vương quốc do các thần linh tạo ra. Và chính các thần linh này đã trao đất nước cho vua Hammurabi để thống trị, làm cho đất nước giàu có, nhân dân no đủ. Phần nội dung gồm 282 điều, nhưng chỉ có 247 điều đọc được, 35 điều còn lại được cho là bị quân xâm lược Elam cạo đi khi cướp bộ luật Hammurabi đem về thành Suse. Nhờ những bản sao lại mà người ta khôi phục lại được phần đã mất của bộ luật Hammurabi. Nội dung của bộ luật Hammurabi tập trung vào bốn lĩnh vực chủ yếu là dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình và tố tụng nhưng không có sự tách rời giữa các lĩnh vực. Trong phần kết luận, Hammurabi đề cao công lao của mình trước nhân dân, đồng thời tuyên bố sẽ trừng trị tất cả những ai xem thường và có ý định hủy bỏ bộ luật. Điều đó phần nào chứng tỏ vai trò to lớn của bộ luật Hammurabi đối với sự phát triển toàn thịnh của đất nước Lưỡng Hà thời Babylone.

Nguyên tắc cơ bản được quán triệt trong toàn bộ luật Hammurabi là nguyên tắc công bằng, nghĩa là áp dụng hình phạt ngang bằng với thiệt hại mà kẻ phạm tội gây ra, vì thế còn được gọi là bộ luật “mắt đền mắt, răng đền răng”.

Bộ luật Hammurabi có nhiều quy định mang nội dung tiến bộ, thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc. Ngay trong phần mở đầu, vua Hammurabi đã khẳng định lí do ban hành bộ luật này là để cho “kẻ mạnh không còn ức hiếp được người yếu”. Trong từng điều luật cụ thể, giá trị nhân văn cũng được thể hiện qua những quy định về cách ứng xử đối với con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bảo vệ quyền lợi của người tự do, khi ốm được hưởng quyền chữa bệnh, người nào vì nợ nần mà phải làm nô lệ thì thời gian làm nô lệ cũng không quá ba năm… Bên cạnh giá trị về mặt nội dung, bộ luật Hammurabi còn thể hiện sự tiên tiến về mặt kỹ thuật lập pháp với một cấu trúc khá hoàn chỉnh.

Bộ luật Hammurabi phản ánh khái quát các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cũng như mọi mặt sinh hoạt vật chất và tinh thần của xã hội Lưỡng Hà thời cổ đại. bộ luật Hammurabi không chỉ có giá trị về nghiên cứu pháp lý mà còn là nguồn cứ liệu lịch sử phong phú, quý giá để nghiên cứu nền văn hóa Babilon- Lưỡng Hà cổ đại.

Đến nay, giá trị của bộ luật Hammurabi vẫn được nhiều nhà khoa học trong nước và trên thế giới tiếp tục nghiên cứu và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau. Mặc dù những quy định của bộ luật Hammurabi đã ra đời cách đây gần 4000 năm nhưng vẫn chứa đựng những điểm tiến bộ và văn minh mà luật pháp đương đại có thể kế thừa và phát huy. Chính điều đó đã góp phần làm nên giá trị rực rỡ của nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Quốc Hùng (chủ biên), Những nền văn minh rực rỡ cổ xưa, Tập 1 (Ai Cập, Tây Á, Ấn Độ), Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1993.
  2. Mortimer Chambers, Barbara Hanawalt, Lịch sử văn minh phương Tây, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003.
  3. Lương Ninh (chủ biên), Lịch sử thế giới cổ đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2005.
  4. Almanach những nền văn minh thế giới, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006.
  5. Nguyễn Anh Tuấn, Khảo lược bộ luật Hammurabi của nhà nước Lưỡng Hà cổ đại, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.
  6. Ariane Thomas, Timothy Potts (edited), Mesopotamia – Civilization Begins (Lưỡng Hà – Khởi đầu nền văn minh), The J.Paul Getty Museum, Los Angeles, 2020.