Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bộ ba nhận thức

Bộ ba nhận thức là một tập hợp các khía cạnh nhận thức tiêu cực ở những người trầm cảm, bao gồm tư duy tiêu cực về thế giới, về bản thân và về tương lai.

Bộ ba nhận thức diễn ra ở những người trầm cảm, bởi vì những cá nhân đó thường diễn giải một cách có lựa chọn và thiếu hợp lý các trải nghiệm theo kiểu tiêu cực bằng cách riêng của họ. Cách nhận thức đặc trưng đó ở những người trầm cảm thể hiện sự lệch lạc so với tư duy logic, bao gồm việc đưa ra suy luận tùy tiện tiêu cực về giá trị, tập trung có chọn lọc vào những sự kiện tiêu cực, khái quát hóa từ một trải nghiệm tiêu cực, sử dụng tư duy lưỡng phân và thổi phồng sự nguy hiểm. Từ hậu quả của những sai lầm trong phân tích thông tin, bệnh nhân tự động đưa ra những giải thích tiêu cực về tình huống có vẻ như rất hợp lý. Việc diễn ra thường xuyên và chủ đạo Bộ ba nhận thức tiêu cực gây ra những biểu hiện khác gắn liền với trạng thái trầm uất như buồn và thiếu động cơ.

Nhìn nhận tiêu cực về thế giới xung quanh: Thành tố thứ nhất trong Bộ ba nhận thức của những người trầm cảm là xu hướng diễn giải những trải nghiệm đang diễn ra theo cách tiêu cực. Những tương tác với xung quanh thường được diễn giải sai như hình dung ra một số hình thức thất bại hoặc hạn chế. Khi có vấn đề hoặc gặp khó khăn phản ứng tự động của họ thường là những ý nghĩ như: “Tôi là người bị hại”, “Tôi sẽ không bao giờ làm được việc đó” hoặc “Tôi bị ngăn cản không có cách gì để làm việc đó”. Ví dụ, một phụ nữ trầm cảm khi cần một cái bút chì, mà chưa tìm thấy nó, cô ta nghĩ ngay: “Tôi không bao giờ có thể tìm thấy nó”. Cô ta thất vọng thậm chí cô ta có thể tìm thấy nó chậm vài giây.

Nhiều bệnh nhân trầm cảm thường đặc biệt có xu hướng phản ứng với tình huống họ có khả năng thành công, với cảm giác thất bại hoặc tạo ra quy gán tiêu cực. Một bệnh nhân có thành tích học tập tốt trong lớp, khi thầy giáo gọi một học sinh khác trả lời câu hỏi, bệnh nhân nghĩ: “Thầy giáo không thực sự nghĩ rằng tôi thông minh hoặc đáng lẽ thầy giáo nên gọi tôi”. Những sự kiện được xem như rất bình thường đối với những người khác thường được những bệnh nhân trầm cảm diễn giải như là một sự mất mát đáng kể.

Việc so sánh với những người khác thường gây ra cho họ cảm giác không hài lòng, thất vọng. Nhiều bệnh nhân trầm cảm thường nghĩ: “Tôi không có gì cả” khi một người bạn của họ đạt được một điều gì mới. Ngoài cảm giác thấp kém, bệnh nhân có xu hướng suy diễn những lời nhận xét của người khác thành sự đánh giá thấp về họ và thích đọc những lời lăng mạ, chế giễu hoặc những điều bất đồng ở đó. Nhìn chung, thế giới của những người trầm cảm chứa đầy những điều thiếu hụt, thất vọng và không có giá trị.

Nhìn nhận tiêu cực về bản thân: Những bệnh nhân trầm cảm không chỉ diễn giải những trải nghiệm của họ theo cách tiêu cực, họ còn hạ thấp bản thân. Nếu những người trầm cảm không làm được bài kiểm tra hoặc những vụ kinh doanh mạo hiểm theo ý muốn, phản ứng tức thời của họ là nghĩ rằng họ là người vô dụng, chuyên gây phiền toái. Một đặc điểm nổi bật của họ là hay tạo ra sự khái quát từ những sự cố cụ thể. Một đứa trẻ bị chê không gọn gàng trong một tình huống nào đó, người mẹ của bé có suy nghĩ: “Tôi là một người mẹ tồi”.

Bệnh nhân trầm cảm thường tự nhìn nhận họ theo cách riêng về những thiếu sót của họ. Hơn thế, những tự đánh giá tiêu cực đó thường gắn liền với tự bác bỏ bản thân. Những bệnh nhân đó không chỉ tự nhìn nhận bản thân như người thấp kém, mà còn phê phán, trách móc và dằn vặt bản thân vì sự thấp kém đó. Rất nhiều những ý nghĩ về sự vô dụng, thấp kém, hạn chế tạo ra sự suy sụp ở họ.

Nhìn nhận tiêu cực về tương lai: Bệnh nhân trầm cảm bận tâm đáng kể đến những suy nghĩ về tương lai và sự suy tưởng đó diễn ra dưới dạng những mơ tưởng có hình ảnh hoặc những suy ngẫm ám ảnh. Những ý nghĩ đó chủ yếu mang tính tiêu cực và là cơ sở nhìn nhận tình trạng hiện tại của bệnh nhân, từ góc nhìn đó, bệnh nhân không nhìn thấy khả năng cải thiện. Nếu bệnh nhân cho mình hiện tại là vô dụng, không thể thay đổi, hoặc bị chối bỏ, họ sẽ thường suy luận về tương lai của họ cũng tiếp tục vô dụng, không thể thay đổi và bị chối bỏ như vậy. Không chỉ những tiên đoán dài hạn bi quan, những dự đoán trước mắt cũng tương tự như vậy. Thông thường, ngay lúc tỉnh dậy vào buổi sáng, nhiều bệnh nhân đã nghĩ đến trải nghiệm nào trong cả ngày sẽ có khó khăn. Khi cân nhắc có nên thực hiện một nhiệm vụ nào đó, họ dự đoán rằng họ sẽ gây ra một sự rủi ro nào đó. Khi có một đề nghị nào về một hoạt động có giá trị và được yêu thích, họ cho rằng không có thời gian thích hợp. Ví dụ, một bệnh nhân thường có tưởng tượng cụ thể về thất bại trước khi thực hiện bất cứ một hoạt động nào. Khi đang lái xe đến gặp nhà trị liệu cô ta tưởng tượng rằng cô đi nhầm đường và bị lạc. Khi định gọi điện cho một người bạn, cô hình dung đến việc sẽ không được trả lời hoặc có tín hiệu bận. Có thể nói tập hợp nhận thức của người trầm cảm về thế giới, về bản thân và về tương lai đều mang tính tiêu cực.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Dana Castro (chủ biên), Tâm lý học Lâm sàng, Nxb. Tri thức, 2015.
  2. Beck A.T., Depression: Clinical, Experiment and Theotical aspects, New York: Haper & Row, 1967.
  3. W. Edward Craighead, Charles B. Nemerofe (ed.), The Corsini Encyclopedia of Psychology and Behavioral Science, Third Edition, Volume I. Printed in United States of America, 2004.