Bộ đội Việt-Mỹ đơn vị của Việt Nam giải phóng quân, thành lập 7.1945 tại Chiến khu Việt Bắc theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Theo thỏa thuận giữa lãnh tụ Hồ Chí Minh với tướng Sennôn (Claire Chennault) - đại diện Tập đoàn không quân số 14 của quân Đồng Minh tại Trung Quốc (3.1945) với nhiệm vụ Mĩ giúp đỡ huấn luyện quân sự, cung cấp vũ khí, phương tiên thông tin liên lạc, hậu cần và y tế cho lực lượng Việt Minh, đồng thời hợp tác với Việt Minh trong việc thu thập thông tin tình báo chống Nhật. Thực hiện thỏa thuận, Mĩ điều toán “Con nai” (The Deer Team) thuộc Cơ quan thình báo chiến lược Mĩ OSS (A. Office of Strategic Services) đến Tân Trào. Ngày 16.7.1945, toán “Con nai” thứ nhất do Thiếu tá Thomas (Allison K. Thomas) - trưởng nhóm nhảy dù xuống làng Kim Lung (thuộc chiến khu Tân Trào, Tuyên Quang) và tiếp đến nhóm thứ hai mang biệt danh “Con mèo” nhảy dù xuống Tân Trào ngày 30.7.1945.
Tháng 7.1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị chọn người từ các đơn vị Giải phóng quân để tổ chức một đại đội gọi là “Bộ đội Việt - Mĩ”, giao Đàm Quang Trung làm Đại đội trưởng, Thiếu tá Tômat được coi là Tham mưu trưởng đại đội; quân số khoảng 200 người. Bộ đội Việt-Mỹ do Bộ Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân chỉ huy, đặt dưới sự lãnh đạo của Tổng bộ Việt Minh, trực tiếp làm việc với lãnh tụ Hồ Chí Minh và Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng Võ Nguyên Giáp về kế hoạch hoạt động. Trong gần một tháng ở Chiến khu Việt Bắc, đơn vị tập trung vào việc huấn luyện quân sự; các thành viên toán “Con nai” huấn luyện cho Bộ đội Việt-Mỹ sử dụng vũ khí và chiến thuật du kích, liên lạc điện đài... Mĩ dùng máy bay C-47 Dakota thả dù tiếp tế cho Bộ đội Việt-Mỹ một số vũ khí và phương tiện kỹ thuật, trong đó có 1 súng đại liên, 2 súng cối 60 mm, 4 súng chống tăng Bazooka, 8 súng máy Bren, 20 súng tiểu liên Thompson, 60 súng M1 Carbine, 60 súng M1 Grand, 20 súng ngắn Colf và một số ống nhòm, điện đài và tài liệu huấn luyện... Trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, Bộ đội Việt-Mỹ đã cùng các đơn vị chủ lực của Việt Nam giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp chỉ huy xuất phát từ Tân Trào (Tuyên Quang) tiến công quân Nhật và tay sai, giải phóng Thái Nguyên (16-20.8.1945). Đơn vị Bộ đội Việt-Mỹ được giao nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu khó khăn nhất là trại lính Nhật tại thị xã; vừa tổ chức bao vây tiến công, vừa kết hợp gửi tối hậu thư, trong đó có một bản bằng tiếng Việt (do Võ Nguyên Giáp ký), một bản bằng tiếng Anh (do Thiếu tá Thomas ký) buộc địch phải đầu hàng. Ngày 20.8.1945, Bộ đội Việt-Mỹ được bổ sung quân số, vũ khí, tổ chức thành Chi đội 4, do Đàm Quang Trung làm Chi đội trưởng. Sau khi Chi đội 4 được thành lập, theo lệnh của Võ Nguyên Giáp đưa một trung đội trở lại Tân Trào đón lãnh tụ Hồ Chí Minh về Hà Nội, để lại một đại đội tiếp tục chiến đấu ở Thái Nguyên, còn hai đại đội cấp tốc hành quân về Hà Nội. Ngày 9.9.1945, Thiếu tá Thomas và các thành viên toán “Con nai” chấm dứt nhiệm vụ ở Hà Nội, được lệnh rút quân về Côn Minh (Trung Quốc). Bộ đội Việt-Mỹ tồn tại trong thời gian ngắn (khoảng 2 tháng), nhưng có ý nghĩa quan trọng: tăng cường sức mạnh cho lực lượng Giải phóng quân tiến hành Tổng khởi nghĩa, góp phần khẳng định tính chất chính nghĩa của phong trào cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng bộ Việt Minh, đồng thời là một dấu ấn đặc biệt trong quan hệ Việt - Mĩ. Tháng 10.1995, khi hai nước Việt Nam và Mĩ vừa bình thường hóa quan hệ ngoại giao (7.1995), một số thành viên trong toán “Con nai”, trong đó có Thiếu tá Tômat sang thăm Việt Nam, gặp lại một số nhân chứng (trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp), thăm lại một số địa danh gắn với Bộ đội Việt-Mỹ (ở Tuyên Quang, Thái Nguyên).
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Tạp chí Lịch sử quân sự, 10.1986.
- Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà nội, 2004.
- Bộ Quốc phòng, Từ điển Lịch sử Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011.
- vtc.vn/ truyện ít biết về đơn vị “bộ đội Việt - Mỹ”, ngày 25.03.2020.
- Báo Quân đội nhân dân Điện tử/ Hợp tác Việt - Mỹ ở Tân Trào, ngày 01/06/2021.