Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bộ đội địa phương

Bộ đội địa phương là thành phần của ba thứ quân, được tổ chức ở cấp tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương), quận, huyện, thị xã; lực lượng nòng cốt trong chiến tranh nhân dân địa phương.

Bộ đội địa phương có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, cùng toàn dân xây dựng đất nước; tham gia phòng thủ dân sự tại địa phương. BĐĐB do cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trực tiếp lãnh đạo, cơ quan quân sự địa phương trực tiếp chỉ huy, dưới sự chỉ đạo của cơ quan quân sự cấp trên. Trong thời chiến, Bộ đội địa phương sẽ chịu sự quản lý, chỉ huy của Tư lệnh các quân khu. Bên cạnh đó, một số xí nghiệp, cơ quan làm nhiệm vụ kinh tế quốc phòng cũng chịu sự chỉ huy của Tư lệnh quân khu khi chiến tranh xảy ra. Biên chế và thế bố trí của Bộ đội địa phương tuỳ thuộc quy mô, tầm quan trọng của các địa bàn. Tuỳ theo qui mô tổ chức, điều kiện địa hình, hoàn cảnh kinh tế - xã hội của từng địa phương, các đơn vị Bộ đội địa phương được trang bị vũ khí với số lượng, chủng loại phù hợp với yêu cầu tác chiến. Bộ đội địa phương có các đơn vị phòng không, pháo binh, trinh sát, đặc công, công binh, các đơn vị chuyên môn, kỹ thuật và các đơn vị bảo đảm khác. Tổ chức Bộ đội địa phương cấp tỉnh có: bộ chỉ huy quân sự tỉnh, các phân đội bảo đảm, phục vụ, các đơn vị trực thuộc; cấp huyện có: ban chỉ huy quân sự, bộ phận bảo đảm, phục vụ, các đơn vị trực thuộc.

Ở Việt Nam, từ thời đầu giành lại quyền tự chủ, các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê đã có nhiều cố gắng tổ chức xây dựng quân đội, trong đó có quân địa phương, nhưng còn mang tính sơ khai, phân tán, chưa có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Từ triều Lý (1009 - 1225), hệ thống tổ chức quân đội phát triển tương đối hoàn chỉnh với các ngạch quân khác nhau, bao gồm các thành phần: quân triều đình, quân địa phương và dân binh. Quân địa phương từ đây chính thức trở thành một bộ phận trong hệ thống ngạch quân, do các địa phương (lộ, phủ, châu) tổ chức, quản lý và chỉ huy theo quy chế chung của Nhà nước. Đây là lực lượng quân sự chiến đấu tại chỗ, chủ yếu ngay tại địa phương, song khi cần Nhà nước có thể điều động như những lực lượng cơ động của triều đình. Ngoài ra, Nhà nước còn cho phép các vương tử, quý tộc ở những vùng trấn có quyền tổ chức lực lượng quân sự của mình, gọi là quân vương hầu (quân vương phủ) cũng được xếp vào ngạch quân địa phương. Trải qua các triều đại phong kiến kế tiếp, quân số và cơ cấu tổ chức của quân địa phương có những biến đổi, được kế thừa, phát triển ngày càng chặt chẽ, có vai trò quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Bộ đội địa phương của Quân đội nhân dân Việt Nam chính thức thành lập, theo Sắc lệnh 103/SL ngày 7.4.1949 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; có nhiệm vụ ban đầu: thay thế các đại đội độc lập chiến đấu bảo vệ địa phương, phá tề trừ gian, vũ trang tuyên truyền, phát triển chiến tranh du kích... Khi ra đời được đôn quân từ tiểu đội, trung đội du kích lên thành đại đội Bộ đội địa phương. Đến Thu - Đông 1951, Bộ đội địa phương đã có 18 tiểu đoàn, 193 đại đội và 194 trung đội; tháng 12.1953 mỗi tỉnh có một tiểu đoàn, mỗi huyện có một đại đội, chủ yếu là bộ binh. Trong Kháng chiến chống Mỹ, ở miền Bắc, ngoài lực lượng bộ binh, mỗi tỉnh tổ chức một số phân đội phòng không, công binh, thông tin, pháo binh bảo vệ bờ biển. Ở miền Nam, một số tỉnh tổ chức phân đội đặc công. Cuối năm 1973, Bộ đội địa phương miền Nam có 7 vạn người, ở tỉnh có biên chế tiểu đoàn, huyện có đại đội; ngoài lực lượng bộ binh còn có các phân đội đặc công, pháo binh, công binh... Khi chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc xảy ra (2.1979), Bộ đội địa phương được mở rộng về quy mô tổ chức; mỗi tỉnh biên giới phía Bắc tổ chức hai trung đoàn bộ binh, riêng tỉnh Lạng Sơn tổ chức ba trung đoàn bộ binh. Đối với địa phương tuyến hai, cấp tỉnh tổ chức một trung đoàn, cấp huyện có hai đại đội đến một tiểu đoàn. Tháng 11.1978, các quân khu phía bắc có 19 trung đoàn của tỉnh, 52 tiểu đoàn của huyện (Quân khu 1 có 7 trung đoàn, 21 tiểu đoàn; Quân khu 2 có 8 trung đoàn, 24 tiểu đoàn; Quân khu 3 có 4 trung đoàn, 7 tiểu đoàn). Ngoài lực lượng bộ binh, các tỉnh còn có phân đội pháo binh, phòng không, thông tin, công binh, đặc công, hóa học...

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội địa phương tiếp tục được xây dựng vững mạnh phát huy tốt vai trò, chức năng nhiệm vụ, nâng cao ý thức cảnh giác sẵn sàng phối hợp, hiệp đồng với lực lượng dân quân tự vệ trong chiến đấu, bảo vệ nhân dân và chính quyền địa phương. Lực lượng Bộ đội địa phương còn kết hợp chặt chẽ với lực lượng dân quân tự vệ để giữ gìn trật tự an ninh trong địa bàn, huấn luyện dân quân tự vệ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện lực lượng dự bị động viên, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Trong trường hợp có chiến tranh, lực lượng này có thể được điều động bổ sung biên chế hoặc có thể tham gia tác chiến liên hợp với các lực lượng chính quy khác. (1.051 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, phiên bản điện tử, 2004.
  2. Tổ chức quân sự Việt Nam, tập 1, tr 407, 418, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2010.
  3. https://nhandan.vn>Mô hình tổ chức quân sự sáng tạo độc đáo của Đảng, Đại tá PGS. TS Trần Ngọc Long; 15.2.2014.
  4. Luật quốc phòng 2018.