Bồ Đào Nha đánh chiếm Hồi quốc Malacca (1511) là cuộc tấn công của hạm đội Bồ Đào Nha nhằm đánh chiếm thành phố Malacca năm 1511. Thành phố này là kinh đô của vương quốc Hồi giáo Malacca - đế chế thương mại ở Đông Nam Á thế kỷ XV, nhằm kiểm soát một đầu mối giao thương chiến lược trên vùng eo biển Malacca.
Nguyên nhân sâu xa của cuộc tấn công là sự phát triển của nền thương mại ở châu Âu cuối thời trung đại, theo sau các cuộc phát kiến địa lý. Khác với các nước phương Tây đương thời, Bồ Đào Nha không có nội chiến và xung đột tôn giáo. Đó là cơ sở để thế kỷ XV là kỷ nguyên các cuộc khám phá hàng hải của người Bồ Đào Nha mà một trong các mục tiêu là tiếp cận trực tiếp nguồn gia vị châu Á. Năm 1498, họ tới được Calicut (Ấn Độ) và bắt đầu tham vọng kiểm soát một đế chế gia vị mới đi qua mũi Hảo Vọng. Vì thế việc chiếm đóng các cảng biển chiến lược và thiết lập mạng lưới thương điếm trên Ấn Độ Dương trở thành sống còn với Bồ Đào Nha.
Kiến trúc sư trưởng của dự án đế chế tại châu Á này là Afonso de Albuquerque. Được bổ nhiệm toàn quyền Bồ Đào Nha tại Ấn Độ năm 1509. Ông tìm cách chiếm các địa điểm chiến lược trên con đường hàng hải mới đưa gia vị về Âu châu. Năm 1510, ông chiếm Goa (Ấn Độ) và mục tiêu tiếp theo chính là Malacca-cảng thị quốc tế sống còn trên con đường Tơ lụa trên biển.
Malacca (Melaka) thành lập khoảng năm 1400 ở khu vực ngày nay là bang Melaka của Malaysia (xem mục từ Hồi quốc Malacca). Từ sớm, người Bồ Đào Nha đã coi đây là khu vực cần kiểm soát nếu như muốn xây dựng đế chế hàng hải ở Á châu. Điều này không chỉ xuất phát từ vị trí địa lý mà thành phố còn được coi là “Venice của phương Đông”, nơi “Hàng hóa từ khắp phương Đông được tìm thấy ở đây. Hàng hóa từ khắp phương Tây được bán ở đây” (Afonso de Albuquerque).
Từ năm 1509, một phái đoàn Bồ Đào Nha do Diego Lopez de Sequeira dẫn đầu đã cập cảng Malacca, tuy nhiên đã có xung đột giữa hai bên và một số người Bồ Đào Nha bị bắt giữ. Hai năm sau, vào ngày 1.7.1511, Albuquerque tổ chức một hạm đội vây đánh Malacca. Ông tập hợp tất cả các lực lượng Bồ Đào Nha ở Ấn Độ, gồm 19 tàu chiến, 800 lính châu Âu và 600 lính người Ấn.
Sultan của Malacca tỏ ra lúng túng. Ông cho thả một số người Bồ Đào Nha, tuy nhiên điều này càng làm tăng thêm tham vọng của hạm đội châu Âu. Ngay lập tức họ yêu cầu các khoản bồi thường lớn và thiết lập một thương điếm lâu dài ở Malacca. Trong khi vị vua Hồi lưỡng lự thì triều đình chia rẽ và phe chủ chiến do con trai ông đứng đầu đã chuẩn bị chiến tranh.
Ngày 10.08.1511, sau một tháng vây hãm, quân Bồ Đào Nha đã chiếm được thành phố. Malacca đã kiên quyết đáp trả các cuộc tấn công. Khu thành cổ bị phá hủy nặng nề. Tuy nhiên do chia rẽ nội bộ và ưu thế hỏa lực của Bồ Đào Nha, Sultan Mahmud Syah và con trai là Sultan Ahmad Syah (người cai trị trực tiếp) đã chạy lên vùng nội địa. Albuquerque nhận thức rõ Sultan Mahmud sẽ tổ chức phản công giành lại thành phố. Bản thân Mahmud sau khi giết con trai mình để trở lại cầm quyền, cũng tin vào việc chiếm lại Malacca vì người Bồ Đào Nha có lực lượng ít và mới chỉ chiếm được kinh đô. Vì thế Albuquerque ngay lập tức tổ chức truy kích để Muhmud không có thời gian tập hợp lực lượng. Vị vua Hồi đã tái tổ chức lại quân đội và dựng lên một số kinh đô mới, tuy nhiên đều bị người Bồ Đào Nha đánh bại và cuối cùng qua đời năm 1529. Người Bồ Đào Nha đã tổ chức lại Malacca như một trong các cứ điểm quan trọng nhất của họ ở phương Đông cho đến năm 1641, khi thành phố này rơi vào tay người Hà Lan. Sự kiện năm 1511 có tính bước ngoặt đối với lịch sử khu vực Đông Nam Á nói riêng và Á châu nói chung. Nó không chỉ đánh dấu sự hiện diện của “đế chế” phương Tây đầu tiên ở Đông Nam Á, mà còn mở đầu cho lịch sử thực dân của khu vực.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Pires, Tome. The Suma Oriental of Tome Pires (Ghi chép về phương Đông của Tome Pires). London: The Hakluyt Society, 1967.
- Brown, C. C., and R. Roolvink. (Trs. and Eds.), Sejarah Melayu or Malay Annals (Sejarah Melayu hay Biên niên sử Malay). Kuala Lumpur and Singapore: Oxford University Press, 1970.
- Andaya, Barbara W., and Leonard Y. Andaya. A History of Malaysia (Lịch sử Malaysia). Basingstoke, Hampshire: Palgrave, 2001
- Albuquerque, A. The Commentaries of the Great Afonso Dalboquerque, Second Viceroy of India: Translated from the Portuguese Edition of 1774 (Những tường thuật của Afonso Dalboquerque, Phó Vương thứ hai tại Ấn Độ: được dịch từ bản tiếng Bồ Đào Nha năm 1774) (Cambridge Library Collection - Hakluyt First Series). Cambridge: California University Press, 2010.
- Lobato, Manuel. “Melaka Is like a Cropping Field: Trade Management in the Strait of Melaka during the Sultanate and the Portuguese Period.” (Melaka như một đồng hoa lợi: quản lí thương mại ở eo biển Melaka dưới thời kỳ Sultanate và Bồ Đào Nha), Journal of Asian History 46, no. 2 (2012):225–51.