Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bốc đồng

Bốc đồng là một đặc điểm tính cách/một triệu chứng chính của các rối loạn tâm thần thể hiện xu hướng thực hiện hành vi phản ứng nhanh, không trì hoãn được và không có kế hoạch trước đối với các kích thích, không suy nghĩ/đánh giá hậu quả tiêu cực của hành vi.

Với vai trò là một đặc điểm tính cách, bốc đồng mang tính đa diện, bao gồm: (1) thiếu chuẩn bị trước; (2) tìm kiếm cảm giác; (3) thiếu kiên trì; (4) khẩn cấp. Thiếu chuẩn bị trước, phản ánh việc không suy nghĩ hoặc không lập kế hoạch trước khi hành động, là khía cạnh phổ biến nhất, thể hiện rõ nhất của tính bốc đồng. Tìm kiếm cảm giác đề cập đến việc theo đuổi những trải nghiệm mới lạ và thú vị (thường bất chấp hoặc thậm chí vì những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến những hành động đó). Thiếu kiên trì phản ánh sự không duy trì sự chú ý hoặc nỗ lực trong các nhiệm vụ. Cuối cùng, tính khẩn cấp đề cập đến xu hướng thực hiện các hành động hấp tấp hoặc đáng tiếc trong bối cảnh mang màu sắc cảm xúc.

Bốc đồng cũng là một triệu chứng chính của nhiều rối loạn tâm thần như rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn sử dụng chất gây nghiện, rối loạn lưỡng cực, rối loạn nhân cách chống đối xã hội và rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn trong trường hợp chấn thương sọ não và các bệnh thoái hóa thần kinh. Bốc đồng vừa là một dấu hiệu cơ bản để chẩn đoán rối loạn (ví dụ, rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn chống đối xã hội), vừa là một tính năng gắn liền với một loại chẩn đoán (ví dụ, rối loạn hành vi, rối loạn nhân cách tự yêu mình và cưỡng chế). Bốc đồng cũng có thể là yếu tố kết nối quan trọng giữa hành vi gây hấn và tự sát. Bốc đồng có thể tạo ra mối liên kết chung giữa nhiều hành động: hành động tự sát bằng bạo lực, hành vi tấn công và các thành tố hành vi bốc đồng của các rối loạn tâm thần khác.

Từ góc độ lâm sàng, bốc đồng thường được xem là các hành vi lệch lạc ở một cá nhân khi nó được lặp đi, lặp lại, không phải chỉ diễn ra một lần. Tương tự, bốc đồng mãn tính được xem là một xu hướng dai dẳng, sinh ra hành vi không phù hợp hoặc hành vi bệnh lý, được đặc trưng bởi tính thiếu phản xạ và trì hoãn. Bốc đồng đã được đo lường theo nhiều cách khác nhau: bằng một số bảng hỏi trên giấy, như bảng hỏi của Eysenck về bốc đồng, bảng hỏi Kipnis và thang đo bốc đồng của Barratt. Nhiều thang đo hành vi bốc đồng đã được xây dựng để đánh giá các thành phần khác nhau của nó. Tuy nhiên, trong hầu hết các nghiên cứu lâm sàng, bốc đồng không được đo lường trực tiếp, vai trò của nó thường được suy ra từ hành vi tâm bệnh (ví dụ, nỗ lực tự sát, hành vi tấn công bằng bạo lực). Bốc đồng có những hậu quả nặng nề đối với xã hội và cá nhân.

Bốc đồng được quan tâm trị liệu, nhưng khó đạt kết quả. Những cá nhân bốc đồng, khi được trị liệu thường chấm dứt liệu pháp trước khi hoàn thành. Hơn nữa. khi một hành vi bốc đồng được chữa khỏi, một hành vi bốc đồng khác có thể xuất hiện. Một số nhà tâm lý học lâm sàng gợi ý rằng tại một thời điểm, chỉ nên điều trị một triệu chứng, thì có thể cải thiện được, nhưng sau đó, họ có thể có hành vi bốc đồng trong các lĩnh vực khác.

Bốc đồng có thể có hệ quả tích cực (được gọi là bốc đồng chức năng). Điều đó xảy ra trong những tình huống đòi hỏi cá nhân mạo hiểm, chớp cơ hội thuận lợi, đưa ra quyết định hành động nhanh để gặt hái thành công (ví dụ, trong một số trường hợp giao dịch trên sàn chứng khoán). Tuy nhiên, may mắn không phải lúc nào cũng mỉm cười với họ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Raymond J. Corsini, Braun, The Dictionary of Psychology, Brumfield, ML, 1999.
  2. Evenden, J.L., “Varieties of impulsivity”, Psychopharmacology, 146 (4), 348 - 61, 1999.
  3. Alan E. Kazdin (Editor in chief), Encyclopedia of Psychology, American Psychological Association, Oxford University Press, Volume 8, 2000.
  4. VandenBos, G. R., APA dictionary of psychology, Washington, DC: APA, 2007.