Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bỏ mặc trẻ em

Bỏ mặc trẻ em là hành vi của cha mẹ/người giám hộ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của mình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em, thường xuyên không đáp ứng nhu cầu cơ bản và/hoặc nhu cầu tâm lý của trẻ, có thể dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng sức khỏe hoặc cản trở sự phát triển bình thường của trẻ.

Cha mẹ hoặc người giám hộ có thể bị xem là bỏ mặc trẻ em nếu không thực hiện các nghĩa vụ sau:

  1. Cung cấp đầy đủ thực phẩm, quần áo và nơi ở (bao gồm cả việc bỏ rơi trẻ, hoặc đuổi trẻ khỏi nơi cư ngụ);
  2. Bảo vệ trẻ khỏi những nguy hiểm hoặc tổn hại về thể chất và tinh thần;
  3. Đảm bảo sự giám sát phù hợp (bao gồm hành vi bỏ mặc hoặc không đáp ứng nhu cầu về cảm xúc cơ bản của trẻ).

Hình thức[sửa]

Hành vi bỏ mặc trẻ em có thể bao gồm các hình thức sau:

Bỏ mặc về thể chất: không tìm kiếm, sử dụng hình thức chăm sóc y tế cần thiết; bỏ rơi trẻ em, hoặc bỏ mặc trẻ em mà không sắp xếp sự chăm sóc hoặc giám sát; giám sát không đầy đủ; đuổi một đứa trẻ khỏi nhà; không đảm bảo sự an toàn hoặc không đáp ứng nhu cầu vật chất của trẻ. Các hình thức bỏ mặc trẻ em về thể chất khác bao gồm: không đảm bảo đầy đủ chế độ dinh dưỡng, điều kiện quần áo hoặc vệ sinh; cố tình không quan tâm đến những nguy cơ có thể phòng tránh trong nhà và liều lĩnh coi thường sự an toàn và phúc lợi của một đứa trẻ. Ví dụ như lái xe có trẻ em trên xe trong tình trạng say rượu/bia hoặc để một đứa trẻ nhỏ trong xe ô tô mà không có người giám sát.

Bỏ mặc trẻ em về giáo dục xảy ra khi để một đứa trẻ trốn học triền miên hoặc bắt buộc một đứa trẻ đến tuổi đi học phải nghỉ học; từ chối nhận hoặc không cho phép các dịch vụ giáo dục hỗ trợ sự hạn chế của trẻ; hoặc từ chối theo dõi trị liệu chứng rối loạn học tập được chẩn đoán hoặc nhu cầu giáo dục đặc biệt khác mà không có lý do hợp lý.

Bỏ mặc trẻ em về tình cảm bao gồm sự nuôi dưỡng và chăm sóc tình cảm không đầy đủ; thể hiện sự lạm dụng vợ/chồng khi có mặt trẻ; cho phép trẻ sử dụng ma túy hoặc rượu; từ chối hoặc chậm trễ trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc tâm lý cần thiết; và khuyến khích hoặc cho phép trẻ thực hiện hành vi có hại như phạm pháp hoặc cưỡng dâm như một thói quen.

Bỏ mặc trẻ em về y tế là việc không sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe thích hợp cho trẻ. Đứa trẻ trong hoàn cảnh đó có thể có các dấu hiệu sức khỏe kém như mệt mỏi, vết thương bị nhiễm trùng, ngứa, gãi liên tục.

Nguyên nhân[sửa]

Các bậc cha mẹ bỏ mặc con nhưng không cố ý. Việc bỏ mặc con có thể do sự hạn chế kiến thức về sức khỏe sinh sản của các bà mẹ tuổi vị thành niên, học sinh, sinh viên, những phụ nữ trẻ trong các khu công nghiệp dẫn đến mang thai và sinh con ngoài ý muốn, không đủ điều kiện nuôi dưỡng con, không chịu được áp lực của sự phê phán, chỉ trích của gia đình, dư luận xã hội, không đủ điều kiện kinh tế, điều kiện thời gian... Trong những trường hợp này cũng phải kể đến việc chưa ý thức được trách nhiệm của những người đàn ông có liên quan.

Nhiều nhà nghiên cứu tâm lý học gợi ý rằng việc bỏ mặc trẻ em có thể xuất phát từ lịch sử phát triển của chính cha mẹ hoặc sức khỏe tâm lý, các chiến lược hoặc nguồn lực đối phó hạn chế của họ, hoặc các đặc điểm, các động lực cụ thể của một gia đình. Chẳng hạn, nhiều bậc cha mẹ bỏ mặc con là người đã bị bỏ rơi hoặc bị lạm dụng khi còn nhỏ. Mặt khác, không ít bậc cha mẹ còn quá trẻ hoặc thiếu kinh nghiệm có thể không hiểu đầy đủ về cách chăm sóc em bé hoặc những gì có thể mong đợi một cách hợp lý ở trẻ em trong các giai đoạn phát triển khác nhau. Những hoàn cảnh khiến các gia đình gặp khó khăn. Chẳng hạn như nghèo đói, ly hôn, bệnh tật, hoặc khuyết tật, đôi khi dẫn đến việc bỏ mặc trẻ em hoặc ngược đãi trẻ em. Và các bậc cha mẹ lạm dụng rượu hoặc các chất kích thích khác có nhiều khả năng lạm dụng hoặc bỏ mặc trẻ em con cái của họ.

Biện pháp hạn chế[sửa]

Việc can thiệp nhằm ngăn ngừa, hạn chế hành vi bỏ mặc trẻ em trước hết, đòi hỏi hiểu rõ về các vấn đề xã hội phức tạp, có liên quan lẫn nhau, bao gồm nhưng không giới hạn ở nghèo đói, lạm dụng chất kích thích và bạo lực gia đình. Thực hiện rộng rãi các chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản cho thanh, thiếu niên; các lớp giáo dục kỹ năng làm cha mẹ, chương trình điều trị lạm dụng chất kích thích, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho các hộ nghẻo, cùng với các chính sách xóa đói, giảm nghèo... có thể góp phần tích cực hạn chế hành vi bỏ mặc trẻ em.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
  2. Raymond J. Corsini, Braun, The Dictionary of Psychology, Brumfield, ML, 1999.
  3. Alan E. Kazdin (Editor in chief), Encyclopedia of Psychology, American Psychological Association, Oxford University Press, Volume 8, 2000.