Bệnh vi rút mùa xuân ở cá chép là bệnh xuất huyết mùa xuân ở cá chép, bệnh xuất huyết do vi rút ở cá chép hay bệnh viêm bóng hơi (Swim bladder inflammation) là bệnh truyền nhiễm thường gây bệnh trên các loài cá thuộc họ cá chép (Cyprinidae), có khả năng lây lan cao và gây chết cá nghiêm trọng đến 70% - 80% trong mùa xuân khi nhiệt độ nước dao động trong khoảng 10oC đến 17oC.
Bệnh vi rút mùa xuân ở cá chép thuộc danh mục các bệnh phải khai báo theo quy định của Tổ chức sức khoẻ động vật thế giới OIE (World Organisation for Animal Health) và chính phủ Việt Nam.
Bệnh đã xuất hiện trên các loài cá thuộc họ cá chép như cá chép (Cyprinus carpio carpio), cá chép Koi (C. carpio koi), cá diếc (Carssius carassius), cá mè trắng (Hypophthalmichthys molitrix), cá mè hoa (Aristichthys nobilis), cá trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella), cá vàng (C. auratus), cá chép hồng (Leuciscus idus), cá hanh hay cá chép nhớt (Tinca tinca), cá vền (Abramis btama), cá mrigal (Cirrhinus mrigala), cá rohu (Labeo rohita) và cá catla (Catla catla).
Tác nhân gây bệnh là vi rút có tên gọi là SVCV (Spring viraemia of carp virus) hoặc RVC (Rhadovirus carpio) thuộc họ Rhabdoviridae. SVCV có hình dạng đặc thù của Rhadovirus với kích thước chiều rộng khoảng 60 nm - 90 nm và chiều dài khoảng 90 nm - 180 nm. SVCV được chia thành 4 nhóm kiểu gen (genogroup I, II, III và IV) căn cứ trên các loài cá bị nhiễm bệnh và vùng phân bố bệnh. Vi rút SVCV xâm nhập vào ký chủ cá qua mang, sau đó nhanh chóng đến ký sinh tại các cơ quan như gan, thận, lách và đường tiêu hoá. Vi rút thải ra môi trường nước qua phân và nước tiểu. Vi rút gây bệnh có khả năng tồn tại ở bên ngoài ký chủ trong nguồn nước 4 tuần ở nhiệt độ 10oC, tồn tại trong bùn đáy ao 6 tuần ở nhiệt độ 4°C và 4 ngày ở nhiệt độ 10°C, trong điều kiện phơi khô ở 4°C - 21°C thời gian khoảng 21 ngày. Vi rút có khả năng lưu giữ, bảo quản vài tháng trong điều kiện nhiệt độ - 30°C hoặc - 80°C. Vi rút bị bất hoạt bởi nhiệt ở nhiệt độ 56°C trong thời gian 30 phút, ở pH = 12 trong thời gian 19 phút và pH = 3 trong thời gian 2 giờ. Vi rút bị bất hoạt bởi hoá chất như formalin 3% trong 5 phút, NaOH 2% trong 10 phút, chlorin liều lượng 540 mg/l trong 20 phút, hợp chất iodin 200 - 250 ppm trong 30 phút và BKC 100 ppm trong 20 phút.
Bệnh vi rút mùa xuân ở cá chép thường xuất hiện ở cá dưới một năm tuổi. Một trong những dấu hiệu điển hình, đặc trưng của bệnh là bóng hơi bị viêm, xuất huyết. Ngoài ra, cá bị bệnh thường có da sậm màu, mang nhợt nhạt, có hiện tượng xuất huyết điểm ở da, mang; xoang bụng có dịch và ruột xuất huyết có chứa dịch.
Hình 1: Cá chép bị bệnh vi rút mùa xuân ở cá chép (Nguồn: Hj Schlotfeldt)
Sự bùng phát bệnh vi rút mùa xuân ở cá chép liên quan chặt chẽ đến nhiệt độ nước, loài cá, độ tuổi của cá, tình trạng sức khoẻ cá, mật độ nuôi và yếu tố gây sốc. Dịch bệnh thường bùng phát trong điều kiện nhiệt độ nước từ 11°C đến 17°C, hiếm khi bệnh xuất hiện trong điều kiện nhiệt độ dưới 10°C và trên 22°C. Bệnh vi rút mùa xuân ở cá chép lan truyền theo trục ngang chủ yếu qua nguồn nước, vận chuyển cá bệnh và sự tiếp xúc trực tiếp giữa cá bệnh, cá khoẻ. Đặc biệt ở những ao nuôi đã từng xuất hiện bệnh, rất khó để tiêu diệt hay loại bỏ hoàn toàn tác nhân gây bệnh.
Để chẩn đoán phát hiện bệnh vi rút mùa xuân ở cá chép áp dụng các phương pháp được khuyến cáo bởi OIE. Cụ thể, Bệnh vi rút mùa xuân ở cá chép được phát hiện dựa trên dấu hiệu bệnh lý, phương pháp nuôi cấy vi rút sử dụng các dòng tế bào như FHM, EPC; kỹ thuật sinh học phân tử sử dụng phản ứng tổng hợp chuỗi polymerase phiên mã ngược RT-PCR (Reverse-Transcription Polymerase Chain Reaction), phản ứng kháng thể miễn dịch huỳnh quang gián tiếp IFAT (Indirect Immunofluorescent Antibody Test), phản ứng ELISA (Enzyme-linked immunosorbent asay) và kỹ thuật kính hiển vi điện tử EM (Electron microcopy).
Hiện nay, trên thế giới bệnh đã và đang được ghi nhận ở các nước có mùa đông lạnh. Bệnh đã xuất hiện trên các loài cá thuộc họ cá chép ở các nước Châu Âu, sau đó đến vùng Trung Đông, Nga, Brazil, Mỹ, Canada, Trung Quốc và Việt Nam. Bệnh vi rút mùa xuân ở cá chép chủ yếu được kiểm soát dựa trên việc tránh tiếp xúc với tác nhân vi rút gây bệnh kết hợp với thực hành vệ sinh tốt. Đối với các trang trại nuôi, trại sản xuất giống sử dụng nguồn nước ngầm thay cho việc lấy nước từ hệ thống sông/ngòi cấp thoát nước đặc biệt trong mùa dịch. Ngoài ra trong trang trại thường xuyên áp dụng các biện pháp vệ sinh khử trùng dụng cụ, trang thiết bị; kiểm soát mật độ nuôi đặc biệt giảm mật độ cá thả trong mùa đông và đầu mùa xuân để làm giảm sự lây lan của vi rút gây bệnh. Đối với trang trại có khả năng kiểm soát được nhiệt độ nước trên 19°C - 20°C có thể ngăn chặn sự bùng phát bệnh. Mặc dù bệnh được cho rằng không lan truyền theo trục dọc, song các nhà khoa học vẫn khuyến cáo việc khử trùng trứng cá để ngăn chặn tuyệt đối việc lan truyền tác nhân gây bệnh theo đường này. Hiện tại chưa có vắc xin hiệu quả đối với bệnh vi rút mùa xuân ở cá chép.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Ahne W., Bjorklund H.V., Essbauer S., Fijan N., Kurath G., and Winton, 2002. Spring viraemia of carp (SVC). Diseases of Aquatic Organisms, 52(3): 262-272.
- Dixon P.F., 2008. Virus diseases of cyprinids. In: Fish diseases. Vol. 1. Eiras J.C., Segner H., Wahli T and Kapoor B.G. eds. Science Publishers, Enfield, New Hampshire, USA: 87-184.
- Đỗ Thị Hoà, Bùi Quang Tề, Nguyễn Hữu Dũng và Nguyễn Thị Muội, 2004. Bệnh học thuỷ sản. Nxb Nông nghiệp.
- FAO, 2001. Asia diagnostic guide to aqautic animal diseases. Eds: Bondad-Reantaso M.G., McGladdery S.E. and Subasinge R.P. FAO fisheries technical paper 402/2. FAO, Rome.
- OIE, 2013. Manual of diagnostic tests for aquatic animals. World organazation for animal health. Retrieved 19 August 2019