Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bệnh viện tâm thần

Bệnh viện tâm thần là bệnh viện chuyên điều trị những bệnh tâm thần nghiêm trọng như trầm cảm, tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực.

Vào khoảng thế kỷ XIII, ở một số nước châu Âu đã bắt đầu xây dựng những khu nhà/trại dành cho người bệnh tâm thần cũng giống như những nhà tế bần: nơi trú ngụ cho những kẻ bần hàn khốn khổ. Tên gọi cũng khác nhau. Có nơi gọi là bệnh viện (Hospital), nhưng nhiều nhất là với tên gọi bệnh xá (Asylum). Ở Anh, năm 1247, Bệnh viện Bethlehem nổi tiếng được xây dựng. Tại Valencia của Tây Ban Nha, một bệnh xá tương tự cũng đã được xây dựng vào năm 1407. Năm 1656, tại Pháp, người ta đã xây 2 bệnh xá: Bicêtre (dành cho nam) và Salpêtriere (dành cho nữ). Ở Hoa Kỳ thì muộn hơn, năm 1773, bệnh xá đầu tiên dành cho người bệnh tâm thần được thành lập ở Virginia.

Các bệnh xá tâm thần thực sự trở thành các bệnh viện chuyên khoa là phải vào những năm 1920 - 1930. Điều này cũng có cơ sở nhất định. Có thể khái quát những cơ sở chính của nhận định như vậy.

  1. Sự hình thành và phát triển bộ môn tâm thần học. Năm 1808, Reil J.C. (1759 - 1813), một bác sĩ, nhà sinh lý học, giải phẫu học, nhà tâm thần học người Đức là người đầu tiên đã đưa ra thuật ngữ Psychiatrie (Tâm thần học). Năm 1810, môn Tâm thần học đã được đưa vào giảng dạy lần đầu tiên trên thế giới tại Trường Đại học Halle.
  2. Sự phát triển mạnh của các phương pháp điều trị tâm thần. Mặc dù nhiều bệnh xá tâm thần đã có những thay đổi, người bệnh không còn bị xiềng xích, giam nhốt, song do không có các phương tiện điều trị có hiệu quả nên xích tay chân, phòng biệt giam, áo trói lại được tái sử dụng. Sang đầu thế kỷ XX, một số kỹ thuật đã lần lượt được thử nghiệm và ứng dụng vào điều trị người bệnh tâm thần như: gây cơn sốt rét, sốc insulin, gây cơn co giật bằng thuốc cardiazon, phẫu thuật não, sốc điện và đến năm 1952 là thuốc điều trị tâm thần.

Từ đầu những năm 1960, công tác điều trị và chăm sóc người bệnh tâm thần chuyển sang một thời kỳ mới với phong trào sức khỏe tâm thần cộng đồng. Sự chuyển hướng có một số lý do:

  1. Quá tải ở các bệnh viện tâm thần. Rất nhiều bệnh viện tâm thần trên thế giới có quy mô quá lớn. Ví dụ như ở Mỹ, bệnh viện tâm thần Georgia Sanatorium, năm 1950 là có 10.000 giường. Đặc biệt khi mà đã có thuốc điều trị tâm thần có hiệu quả, số người bệnh được điều trị ổn định rất cần được chăm sóc ở cộng đồng. Sự chăm sóc chuyên khoa cao cũng như giường bệnh trong bệnh viện cần được ưu tiên cho những trường hợp cấp tính.
  2. Hội chứng lưu viện. Do được chăm sóc, phục vụ dài ngày nên không ít người bệnh tâm thần xuất hiện hội chứng lưu viện: sự lệ thuộc vào các chế độ của bệnh viện, mất dần tính chủ động, thu hẹp các hứng thú, quan hệ xã hội. Sau một thời gian dài nội trú, có khi lên đến hàng chục năm như nhiều trường hợp ở Anh, khi ra viện, nhiều người bệnh đã suy giảm/mất khả năng tái thích ứng xã hội, không có công việc làm, gặp khó khăn về nơi ở.
  3. Sự thay đổi của thái độ xã hội. Do những tiến bộ chung của xã hội và của ngành y tế, tâm thần, nhận thức và thái độ của xã hội về bệnh tâm thần và đối với bệnh nhân tâm thần cũng đã có những thay đổi tích cực. Người bệnh tâm thần không chỉ được coi là người bệnh cần được điều trị. Họ cũng còn nằm trong nhóm yếu thế, cần có sự hỗ trợ của xã hội.

Một số mô hình chăm sóc người bệnh tại cộng đồng: Đội chuyên gia hỗn hợp; Bệnh viện tâm thần ban ngày; Trung tâm phục hồi tâm thần; Nhà - câu lạc bộ; Doanh nghiệp xã hội.

Bệnh viện Tâm thần ở Việt Nam: Trước 1975, tại miền Nam, Bệnh viện Chợ Quán tiếp nhận và điều trị người bệnh tâm thần. Tại Đồng Nai, năm 1915, Trú xá người điên được xây dựng. Ở miền Bắc, trong thời kỳ thuộc Pháp, Trại tâm thần Vôi, Bắc Giang với 400 giường bệnh, được xây dựng năm 1939. Ngoài ra, còn có “Trại điên” ở Bạch Mai. Năm 1963, Bệnh viện Tâm thần Thường Tín được thành lập. Sau năm 1975. Cả nước có 2 bệnh viện tuyến trung ương.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Ngô Ngọc Tản, Nguyễn Văn Ngân, Nguyễn Sinh Phúc và cộng sự, Tâm thần học và Tâm lý Y học, Nxb. Quân đội nhân dân, 2007, tr. 17 - 29.
  2. Nguyễn Sinh Phúc (Chủ biên), Đinh Hữu Uân, Nguyễn Thị Hương, Giáo trình Đại cương chăm sóc sức khỏe tâm thần, Nxb. Lao động - Xã hội, 2014, tr. 9 - 30.
  3. Cao Tiến Đức (chủ biên), Ngô Ngọc Tản, Bùi Quang Huy, Nguyễn Văn Ngân, Nguyễn Sinh Phúc, Trần Văn Cường, Giáo trình Tâm thần học đại cương và điều trị các rối loạn tâm thần, Nxb. Quân đội nhân dân, 2017, tr. 16 - 27.
  4. Strickland B. (Executive Editor), The Gale Encyclopedia of Psychology, Gale Group, 2001, pp. 419.
  5. Burns T., Psychiatry: A Very Short Introduction, Oxford University Press, 2006.
  6. Pratt C.W., Gill K.J., Barrett N.M., Roberts M.M, Psychiatric Rehabilitation, 2nd Ed., Elsevier, 2007, pp. 406 - 420.
  7. Corrigan P.W., Mueser K.T., Bond G.R., Drake R.E., Solomon P, Principles and Practice of Psychiatric Rehabilitation an Empirical Approach. The Guilford Press, 2008, pp. 77 - 286.
  8. Wallace E.R., Gach J, History of Psychiatry and Medical Psychology, Springe, 2008.
  9. VandenBos G.R., (Editor in Chief), APA Dictionary of Clinical Psychology, American Psychological Association, Washington DC, 2013, pp. 465.