Bệnh viện Bạch Mai Bệnh viện Bạch Mai (BVBM) được khởi công xây dựng năm 1911 theo chỉ thị của nhà chức trách Pháp ngày 8/12/1910 với mục đích ban đầu là để điều trị cách ly những người bệnh bị các bệnh truyền nhiễm (lây) tại khu vực Cống Vọng, làng Bạch Mai thuộc tỉnh Hà Đông xưa, nay là Hà Nội. Vì vậy được gọi là Bệnh viện lây Cống Vọng (Hôpital des contagieux à Cống Vọng), có lúc còn gọi là Bệnh viện lây Bạch Mai (Hôpital des contagieux des Bachmai).
Năm 1911 đến năm 1929 thống sư Bắc Kỳ sau này là toàn quyền Đông dương Réné Robin có quyết định xây dựng và mở rộng Bệnh viện Bạch mai thành bệnh viện đa khoa lớn nhất Đông dương vừa khám chữa bệnh vừa làm cơ sở thực hành chính của trường y khoa Hà Nội, trường Y khoa Đông Dương (Đại học Y khoa Hà Nội ngày nay). Công việc xây dựng được triển khai từ năm 1929 và bệnh viện đa khoa thực hành được hoạt động ngay để dẫn đầu thay thế cho bệnh viện Bảo hộ Phủ Doãn (Việt - Đức ngày nay) để bệnh viện Việt - Đức trở thành bệnh viện chuyên khoa ngoại và BVBM được đặt tên là bệnh viện Réné Robin Bạch mai (Hôpital Réné Robin à Bạch mai) năm 1935
Sau ngày đảo chính Nhật - Pháp (6/3/1945) bệnh viện chính thức trở lại tên ban đầu: Bệnh viện Bạch mai (Bach mai Hospital) cho đến nay.
Bệnh viện Bạch Mai là một cơ sở y tế trong khu vực dân cư bao gồm giường bệnh, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, được tổ chức thành các đơn vị khoa, phòng với các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phù hợp để thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh, bảo vệ, chăm sóc tăng cường sức khỏe nhân dân, hoàn thành 7 chức năng và nhiệm vụ mà Bộ Y tế đã xác định: Khám chữa bệnh cấp cứu, chăm sóc người bệnh tuyến cuối; đào tạo cán bộ; nghiên cứu khoa học; chỉ đạo tuyến; phòng bệnh chống dịch; hợp tác quốc tế và quản lý kinh tế y tế. Bệnh viện Bạch Mai là một trung tâm y tế chuyên sâu đầu tiên trong cả nước được thành lập theo quyết định của Bộ Y tế năm 1995 bao gồm trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 108, Học viện Quân Y và một số bệnh viện lớn khác, lấy Bệnh viện Bạch mai làm trung tâm để hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến, tăng cường hợp tác quốc tế, có giải pháp thực tế nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng và phát triển ngành y tế. Sau đó các trung tâm y tế chuyên sâu ở khu vực phía Nam cũng như miền Trung cũng được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Năm 2005, Bộ Y tế quyết định thành lập trung tâm đào tạo, thông tin, giáo dục, truyền thông (IEC) dưới sự hỗ trợ của JICA (Nhật Bản) có cơ sở khang trang (nhà 3 tầng) máy móc, trang thiết bị, hình ảnh, mô hình và các phương tiện quay phim, chụp ảnh và các thiết bị hiện đại khác cho việc phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, IEC… nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của cán bộ công nhân viên bệnh viện tăng cường đào tạo sinh viên đại học, sau đại học và đào tạo lưu học sinh nước ngoài, hợp tác nghiên cứu khoa học với các nước, ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe người bệnh.
Ngoài các chức năng nhiệm vụ đặc biệt được giao, bệnh viện Bạch mai còn có đặc thù sau: Là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh trọng tâm là hệ nội, có cơ sở hạ tầng với diện tích xây dựng rất lớn (150.000m2) có máy móc trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, với đội ngũ cán bộ công nhân viên đông đảo, có trình độ, chuyên môn kỹ thuật cao gồm nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, BSCKI, BSCKII, dược sỹ, kỹ sư và nhân viên y tế giàu kinh nghiệm. Có đội ngũ GS, PGS và 200 cán bộ giảng dạy trường Đại học Y Hà Nội, thường xuyên công tác và tham gia quản lý ở tất cả các viện, trung tâm và khoa phòng tại bệnh viện. Sự hợp tác chặt chẽ này đã nâng cao được chất lượng công tác của bệnh viện cũng như của trường, đây là những đặc thù quan trọng chỉ có ngành y làm được và cần phải làm.
Bệnh viện Bạch Mai cũng là bệnh viện đầu tiên của cả nước được Bộ Y tế, Bộ Nội vụ công nhận xếp loại là bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên trong cả nước từ năm 2005. Có truyền thống hợp tác quốc tế lâu đời qua nhiều thế hệ, có kế hoạch thường xuyên gửi cán bộ sang các nước đào tạo (nội trú, thực tập sinh, nghiên cứu sinh). Cán bộ y tế các nước cũng gửi lưu học sinh đến học tại Bệnh viện Bạch mai, hàng năm trung bình có 150 đoàn nước ngoài đến tham quan, hợp tác, học tập. Vì vậy trình độ chuyên môn, kỹ thuật của cán bộ công nhân viên Bệnh viện Bạch mai ngày càng được nâng cao và ứng dụng được hàng trăm kỹ thuật cao, kỹ thuật mới và đã in thành 2 tập sách để phổ biến các kỹ thuật này cho tuyến dưới, hạn chế được việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên hoặc ra nước ngoài điều trị. Vai trò của ngành y tế Việt Nam được nâng cao ngang tầm với các nước, được các nước đánh giá cao, đặc biệt là công tác khám chữa bệnh, cấp cứu, ứng dụng kỹ thuật cao. Các nước làm được kỹ thuật nào Việt Nam đều có thể làm được, có lĩnh vực vượt trội hơn như công tác phòng chống dịch SARS, Covid-19.
Việt Nam là nước dập dịch SARS đầu tiên tiên trên thế giới, được các nước đến Bệnh viện Bạch mai trao đổi kinh nghiệm, học tập và Bệnh viện Bạch mai cũng đến hội nghị quốc tế báo cáo kinh nghiệm các lĩnh vực tiêm chủng, sản xuất vaccine. Việt Nam là một trong số các nước đầu tiên tham gia sản xuất được các loại vaccine… Sở dĩ Bệnh viện Bạch mai đạt được những thành tựu to lớn như ngày nay, trước hết là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế, sự quan tâm của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo của Đảng đối với ngành y tế, sự đoàn kết nhất trí, tinh thần yêu nước, yêu nghề của các thế hệ trí thức ngành y qua nhiều thế hệ, đặc biệt là các thầy thuốc Việt Nam là đội ngũ cán bộ tận tâm, tận lực thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: Thầy thuốc như mẹ hiền. Và cuối cùng là sự hợp tác chặt chẽ với các ngành, các cấp trong nước cũng như ngoài nước, sự tin tưởng hài lòng của người bệnh và nhân dân.
Với đặc thù đặc biệt của ngành y nói chung trong đó có Bệnh viện Bạch mai mà cả thế giới đã xác định: Nghề y là một nghề đặc biệt từ tuyển chọn, đào tạo, sử dụng đến đãi ngộ cũng phải đặc biệt. Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước cũng đã rất quan tâm và thể hiện trong Nghị quyết 46/TW năm 2005 và đã có những biện pháp cụ thể thực hiện nghị quyết này, tuy nhiên trong hoàn cảnh kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Bệnh viện Bạch mai nói riêng và ngành y tế Việt Nam đã có nhiều sáng tạo, tích cực chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ y tế của Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới, được thế giới đánh giá cao, được nhân dân tin tưởng và hài lòng. Với những thành tựu to lớn của ngành y tế Việt Nam nói chung và của Bệnh viện Bạch mai nói riêng đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam trao tặng nhiều bằng khen, huy chương, huân chương, danh hiệu cao quý.
- Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (1973)
- Huân chương Lao động hạng Nhất (1982)
- Huân chương Độc lập hạng Nhất (2001)
- Huân chương Hồ Chí Minh (2006)
- Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2000)
- Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2002)
Nhiều viện, trung tâm, khoa phòng và cá nhân của bệnh viện được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, huân chương, bằng khen và các giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, các danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú và một số giải thưởng khác trong và ngoài nước.
- Đảng bộ bệnh viện liên tục là Đảng bộ trong sạch vững mạnh.
- Công đoàn bệnh viện liên tục đạt công đoàn cơ sở vững mạnh.
- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hoạt động sôi nổi có hiệu quả nhiều năm được khen thưởng của đoàn cấp trên, đạt được nhiều giải thưởng về thi tay nghề Hà Nội và toàn quốc.
- Bệnh viện Bạch mai là bệnh viện đầu tiên trong cả nước được Bộ Y tế và Bộ Nội vụ công nhận là bệnh viện hạng đặc biệt, là bệnh viện có quan hệ hợp tác rộng rãi với nhiều nước trên thế giới và được Tổ chức Y tế Thế giới, UNICEF, Liên hiệp quốc và các nước đánh giá cao.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch mai: Sơ lược lịch sử 85 năm Bệnh viện Bạch mai, NXBYH, 1997.
- Henri Galliard: Yersin và sự thành lập trường Y khoa Hà Nội. Kỷ yếu trường Đại học Y khoa Đông dương Hà Nội, tập 9, năm 1944, trang 1.
- Trần Hữu Tước và nhiều tác giả: Trần Hữu Tước cuộc đời và sự nghiệp, NXB YHVN, 2000.
- Nhiều tác giả. Sơ lược lịch sử y tế Việt Nam, NXBYH, 1999.
- Trung tâm Giáo dục truyền thông Bệnh viện Bạch mai: Bệnh viện Bạch mai ngày nay dưới sự tài trợ của JICA, 2000.
- Dự án tăng cường năng lực bệnh viện Bạch mai (JICA): Bệnh viện Bạch mai 90 năm xây dựng và trưởng thành (JICA xuất bản 2002).
- Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức: Sơ lược lịch sử 90 năm Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, NXBYH, 1996.
- Cục Lưu trữ Trung ương: Các thư mục SIII, SII. Tài liệu kỹ thuật phần kiến trúc hộp, cặp I mục lục 119 phòng kiến trúc.
- Cục Lưu trữ Trung ương: Xác nhận sơ lược lịch sử Bệnh viện Bạch mai trước Cách mạng tháng 8 đến 1945 của trưởng kho lưu trữ Trung ương Đỗ Ngọc Phác (đã ký) đã in trong sơ lược lịch sử 85 năm Bệnh viện Bạch mai, trang 401.
- Báo Nhân dân, báo Hà nội mới, báo Sức khỏe đời sống, báo Đại đoàn kết và nhiều báo khác viết về Bệnh viện Bạch mai.