Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bệnh tâm thần

Bệnh tâm thần là sự biến đổi chức năng hoạt động của não, gây nên các rối loạn về cảm giác, tri giác, ý thức, tư duy, cảm xúc, chú ý và trí nhớ, từ đó dẫn đến các rối loạn hành vi, tác phong làm cho người bệnh mất sự hoà hợp với xã hội. Bệnh tâm thần không phải là thứ mà một người có thể “vượt qua bằng ý chí” và có thể do các yếu tố sinh học như gen hoặc chất hóa học của não gây ra, chấn thương và lạm dụng cũng như tiền sử gia đình mắc bệnh tâm thần.

Phân loại[sửa]

Phân loại bệnh tâm thần là vấn đề quan trọng. Hiện trên thế giới đang áp dụng song song 2 hệ thống phân loại độc lập với nhau. Đó là bảng phân loại bệnh của Tổ chức Y tế Thế giới (ICD 10) năm 1992 và bảng phân loại bệnh của Hội Tâm thần học Mỹ (DSM -5) năm 2014. Nhìn chung, hai hệ thống phân loại này tuy có một số khác biệt nhưng không mâu thuẫn với nhau. Ở Việt Nam, bảng phân loại bệnh của Tổ chức Y tế Thế giới ICD 10 được sử dụng chính thức trong Ngành Tâm thần.

Các loại bệnh tâm thần chính bao gồm:[sửa]

  • Rối loạn trầm cảm
  • Tâm thần phân liệt
  • Rối loạn lưỡng cực
  • Các rối loạn lo âu lan tỏa
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
  • Rối loạn tâm thần do rượu hay ma túy

Dịch tễ[sửa]

Bệnh tâm thần có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai bất kể tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, tôn giáo hoặc chủng tộc/ dân tộc. Theo thống kê của Viện sức khỏe tâm thần Trung ương thì tỷ lệ người Việt Nam có khả năng mắc bệnh tâm thần một lần trong đời lên tới 15-20%. Theo WHO, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 chứng rối loạn tâm thần phổ biến trong năm 2014 là 14,2%, trong đó riêng rối loạn trầm cảm chiếm 2,45%. Tỷ lệ tự sát trong năm 2015 là 5,87 trên 100.000 dân. Hiện tại, Văn phòng WHO tại Việt Nam đang hỗ trợ Bộ Y tế phát triển mô hình lồng ghép sức khỏe tâm thần vào sức khỏe nói chung tập trung vào tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Nguyên nhân[sửa]

Nguyên nhân di truyền[sửa]

Đây là nguyên nhân đóng vai trò quan trọng nhất trong các bệnh tâm thần chủ yếu như tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, nghiện rượu, ma túy. Các gen di truyền gây bệnh khi gặp yếu tố môi trường thuận lợi thì bệnh sẽ xuất hiện và phát triển.

- Tâm thần phân liệt: gen gây bệnh nằm ở các nhiễm sắc thể khác nhau. Gen di truyền trong tâm thần phân liệt bị rối loạn, dẫn đến sự sản xuất quá nhiều chất dẫn truyền thần kinh dopamin ở khe xi náp của vỏ não và các nhân xám dưới vỏ (tăng đến 300%). Từ đó dẫn đến tăng hoạt động quá mức hệ thống dopaminergic, tạo ra các hoang tưởng, ảo giác, rối loạn hành vi... của bệnh nhân.

- Trầm cảm: gen gây bệnh theo cơ chế đa gen. Các gen này chỉ huy việc sản xuất chất dẫn truyền thần kinh serotonin trong não. Khi các gen này bị rối loạn, việc sản xuất serotonin bị đình trệ (có khi chỉ còn bằng 30% người bình thường), vì vậy gây ra các triệu chứng của trầm cảm như khí sắc giảm, mất hết các hứng thú và sở thích, mất ngủ, chán ăn, bi quan, chán nản, chú ý và trí nhớ kém...

- Nghiện rượu: cũng được coi là bệnh có gen di truyền. Chính các gen di truyền này khiến bệnh nhân đam mê rượu, uống rượu nhiều và lâu ngày dẫn đến nghiện rượu.

Các nguyên nhân thực tổn[sửa]

- Nhiễm khuẩn: các bệnh nhiễm khuẩn trong hộp sọ như viêm não, màng não có thể gây ra sảng, hoang tưởng, ảo thị giác. Các bệnh nhiễm khuẩn toàn thân có kèm theo nội độc tố (thương hàn) hoặc ngoại độc tố (uốn ván) cũng gây ra các ảo thị, hoang tưởng bị hại, trạng thái kích động...

- Nhiễm độc: Rượu, ma túy tác động trực tiếp trên não qua việc thay đổi tính thấm của màng tế bào não (rượu) hoặc qua các điểm tiếp nhận cụ thể (thụ cảm thể morphin) và gây ra các rối loạn tâm thần đặc trưng như hội chứng cai rượu, ma túy.

Các kim loại nặng và một số chất độc như Co, benzen... gây ra trầm cảm cho những người bị nhiễm kéo dài, lâu ngày.

- Chấn thương sọ não và các tổn thương khác ở não: Các nguyên nhân này có thể khiến cho bệnh nhân có thể bị trầm cảm, lo âu và động kinh, rối loạn nhân cách.

Các chấn thương tâm lý[sửa]

Trái với quan niệm của mọi người, chấn thương tâm lý chỉ đóng vai trò rất khiên tốn trong nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần.

- Các stress (thảm họa thiên nhiên như sóng thần, động đất, núi lửa phun, hoặc thảm họa nhân tạo như các trận đánh ác liệt, tử vong rất nhiều, nạn nhân của các vụ bắt cóc, bị tra tấn, bị hãm hiếp, tai nạn giao thông nghiêm trọng...) có thể gây ra phản ứng stress cấp hoặc hiếm hơn là rối loạn stress sau sang chấn.

- Mất bố, mẹ trước năm 11 tuổi được coi là nguyên nhân gây ra trầm cảm.

- Các bệnh rối loạn cảm xúc thường phối hợp với stress khi khởi phát. Nhưng các chấn thương tâm lý này chỉ đóng vai trò là yếu tố thuận lợi cho bệnh ở cơn khởi phát mà thôi. Nghĩa là không có chấn thương tâm lý thì bệnh vẫn cứ xảy ra và tái phát.

Triệu chứng và Chẩn đoán[sửa]

Ða số các dấu hiệu bệnh là do rối loạn chức năng của não. Phần lớn bệnh nhân có thể ăn khỏe, chơi khỏe, đi đứng bình thường. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tâm thần khác nhau, nhưng có thể bao gồm thay đổi về giấc ngủ, cảm giác thèm ăn và mức năng lượng, thay đổi tâm trạng nghiêm trọng, suy nghĩ dai dẳng hoặc cưỡng chế, nghe thấy giọng nói, thu mình trong xã hội, cảm thấy buồn, tuyệt vọng hoặc kích động, khó thực hiện các công việc hàng ngày, hoặc muốn làm tổn thương bản thân hoặc người khác. Bệnh nhân tâm thần thường không nhận thấy mình bị bệnh, từ chối điều trị tại chuyên khoa tâm thần.

Bác sĩ tâm thần có thể khám xét và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm y tế như chụp cắt lớp vi tính (CT) và xét nghiệm hóa học lâm sàng để giúp hiểu rõ hơn về một bệnh nhân phức tạp và sử dụng kết quả của kiểm tra tâm lý, kết hợp với các cuộc thảo luận với bệnh nhân, giúp cung cấp bức tranh về trạng thái thể chất và tinh thần của bệnh nhân. Các chẩn đoán cụ thể dựa trên các tiêu chí được thiết lập trong ICD-10 Sổ tay Thống kê và Chẩn đoán về Rối loạn Tâm thần (DSM-5) của APA, bao gồm các mô tả, triệu chứng và các tiêu chí khác để chẩn đoán các rối loạn tâm thần.

Điều trị[sửa]

Biện pháp điều trị cụ thể[sửa]

Bác sĩ tâm thần sử dụng nhiều phương pháp điều trị khác nhau - bao gồm nhiều hình thức trị liệu tâm lý, thuốc men, can thiệp tâm lý xã hội và các phương pháp điều trị khác (chẳng hạn như liệu pháp điện giật hoặc ECT), tùy thuộc vào nhu cầu của từng bệnh nhân.

Tâm lý trị liệu, đôi khi được gọi là liệu pháp trò chuyện, là một phương pháp điều trị liên quan đến mối quan hệ trò chuyện giữa nhà trị liệu và bệnh nhân. Nó có thể được sử dụng để điều trị nhiều loại rối loạn tâm thần và khó khăn về cảm xúc. Mục tiêu của liệu pháp tâm lý là loại bỏ hoặc kiểm soát các triệu chứng gây rối loạn hoặc khó chịu để bệnh nhân có thể hoạt động tốt hơn. Tùy thuộc vào mức độ của vấn đề, việc điều trị có thể chỉ mất một vài buổi trong một hoặc hai tuần hoặc có thể kéo dài nhiều buổi trong khoảng thời gian nhiều năm. Liệu pháp tâm lý có thể được thực hiện riêng lẻ, như một cặp vợ chồng, một gia đình hoặc trong một nhóm.

Có nhiều hình thức trị liệu tâm lý. Có những liệu pháp tâm lý giúp bệnh nhân thay đổi hành vi hoặc khuôn mẫu suy nghĩ, liệu pháp tâm lý giúp bệnh nhân khám phá ảnh hưởng của các mối quan hệ và kinh nghiệm trong quá khứ đối với hành vi hiện tại và liệu pháp tâm lý được điều chỉnh để giúp giải quyết các vấn đề khác theo những cách cụ thể. Liệu pháp nhận thức hành vi là một liệu pháp định hướng mục tiêu tập trung vào giải quyết vấn đề. Phân tâm học là một hình thức trị liệu tâm lý cá nhân chuyên sâu đòi hỏi các buổi điều trị thường xuyên trong vài năm.

Sử dụng thuốc[sửa]

Hầu hết các loại thuốc được bác sĩ tâm thần được sử dụng giống như cách dùng thuốc điều trị tăng huyết áp hoặc bệnh tiểu đường. Sau khi hoàn thành các đánh giá kỹ lưỡng, bác sĩ tâm thần có thể kê đơn thuốc để giúp điều trị các rối loạn tâm thần. Thuốc điều trị tâm thần có thể giúp điều chỉnh sự mất cân bằng các chất hóa học trong não được cho là có liên quan đến một số rối loạn tâm thần. Bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc dài hạn sẽ cần gặp bác sĩ tâm thần định kỳ để theo dõi hiệu quả của thuốc và bất kỳ tác dụng phụ nào có thể xảy ra.

  • Thuốc chống trầm cảm - được sử dụng để điều trị trầm cảm, rối loạn hoảng sợ, PTSD, lo lắng, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn nhân cách ranh giới và rối loạn ăn uống.
  • Thuốc chống loạn thần - được sử dụng để điều trị các triệu chứng loạn thần (hoang tưởng và ảo giác), tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực.
  • Thuốc bình thần và thuốc giải lo âu - được sử dụng để điều trị lo lắng và mất ngủ.
  • Thuốc chỉnh khí sắc (cảm xúc) - được sử dụng để điều trị rối loạn lưỡng cực.

Bác sĩ tâm thần thường kê đơn thuốc kết hợp với liệu pháp tâm lý.

Các phương pháp điều trị khác đôi khi cũng được sử dụng[sửa]

Liệu pháp sốc điện (ECT), một phương pháp điều trị y tế bao gồm áp dụng các dòng điện vào não, được sử dụng thường xuyên nhất để điều trị chứng trầm cảm nặng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Kích thích não sâu (DBS), kích thích dây thần kinh phế vị (VNS) và kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) là một vài trong số các liệu pháp mới hơn đang được sử dụng để điều trị một số rối loạn tâm thần. Liệu pháp ánh sáng được sử dụng để điều trị chứng trầm cảm theo mùa.

Dự phòng và Tiên lượng[sửa]

Bệnh tâm thần thường không gây chết đột ngột nhưng làm đảo lộn sinh hoạt, gây căng thẳng cho các thành viên trong gia đình và tổn thất cả về kinh tế. Bệnh tâm thần nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến trạng thái tâm thần sa sút, người bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa bệnh tâm thần. Phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời là để ngăn chặn sự tiến triển xấu.

Với phương pháp điều trị thích hợp, mọi người có thể và thực sự hồi phục khỏi bệnh tâm thần. Bạn bè và các thành viên trong gia đình có thể giữ vai trò quan trọng để giúp ai đó nhận được sự điều trị và các dịch vụ họ cần. Bác sĩ điều trị cũng có thể là người giới thiệu người bệnh đến với bác sĩ tâm thần. Điều trị bệnh thể chất có thể cần dùng thuốc và vật lý trị liệu, còn điều trị bệnh tâm thần cũng có thể cần dùng thuốc và các liệu pháp khác nhau. Đối với nhiều người, bước đầu tiên là nhận ra có vấn đề và sẵn sàng chấp nhận giúp đỡ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Học viện quân y (2007). Tâm thần học và Tâm lí học Y học, NXB QĐND, tr. 17 – 29.
  2. WHO (2020). Sức khỏe tâm thần, https://www.who.int/vietnam/vi/health-topics/mental-health, Truy cập 14/08/2020.
  3. American psychiatrist association (2020). What is mental illness? https://www.psychiatry.org/patients-families/what-is-mental-illness, truy cập 16/08/2020
  4. Talkspace. The Difference Between Psychology and Psychiatry (and How They Work Together) , https://www.talkspace.com/blog/psychologist-vs-psychiatrist/, truy cập 16/08/2020.