Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như tiêu chảy, viêm phổi, viêm giác mạc, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong.

Mô tả[sửa]

Nhiễm trùng sởi xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Trước khi có chương trình tiêm chủng hiệu quả hiện nay, các đợt bùng phát bệnh sởi quy mô lớn đã xảy ra theo chu kỳ hai đến ba năm, thường vào mùa đông và mùa xuân. Trẻ sơ sinh đến khoảng tám tháng tuổi thường không mắc sởi, do các tế bào miễn dịch mà chúng nhận được từ mẹ. Miễn dịch thu được sau bệnh sởi là miễn dịch bền vững suốt đời.

Ở Việt Nam, năm 2013 cả nước đã ghi nhận 1.048 trường hợp mắc sởi. Trong tháng 01 năm 2014, đã có 241 trường hợp mắc ở 24 tỉnh/thành phố, số mắc tập trung chủ yếu tại 4 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong tại Hà Nội (01) và Yên Bái (02). Năm 2018, ghi nhận 7.585 ca nghi sởi/rubella, trong đó có 3.529 ca được lấy mẫu bệnh phẩm và 1.794 ca dương tính với sởi, tăng gấp 8,4 lần so với số mắc sởi của cả năm 2017 (214 ca). Tỷ lệ mẫu huyết thanh dương tính với sởi năm 2018 là 50,8%, tăng cao so với năm 2017 (14%). Riêng trong 3 tuần đầu tháng 1/2019, theo báo cáo ban đầu của các địa phương, tiếp tục ghi nhận 2.441 ca nghi sởi/rubella.

Nguyên nhân và triệu chứng[sửa]

Nguyên nhân[sửa]

Bệnh sởi do một loại virus có tên là Paramyxovirus gây ra. Đây là một bệnh truyền nhiễm cực kỳ dễ lây lan. Khi bệnh nhân ho, hắt xì, hay nói chuyện, những giọt nước nhỏ xíu có chứa siêu vi sẽ bắn ra không khí và người khác có thể hít vào hoặc những giọt này có thể rơi xuống một nơi nào đó như mặt bàn, điện thoại…Khi ta sờ vào những nơi này và đưa tay lên mũi hay miệng, ta sẽ bị lây bệnh.

Triệu chứng[sửa]

Một khi các cá nhân bị nhiễm virus, phải mất khoảng 7-18 ngày bệnh tiềm tàng trước khi họ biểu hiện các triệu chứng. Các dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi là sốt, chảy nước mũi nhiều, đỏ mắt, chảy nước mắt và ho. Vài ngày sau, phát ban xuất hiện trong miệng, đặc biệt là trên màng nhầy dọc má. Phát ban này bao gồm các chấm trắng nhỏ (như hạt muối hoặc cát) trên vết sưng đỏ. Đây được gọi là những nốt Koplik và là điểm đặc trưng duy nhất xuất hiện ở bệnh sởi bệnh sởi. Cổ họng đỏ, sưng và đau.

Một vài ngày sau khi có các nốt Koplik, ban sởi bắt đầu xuất hiện. Thường sau khi sốt cao 3-4 ngày bệnh nhân bắt đầu phát ban, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần. Phát ban bắt đầu dưới dạng các mảng phẳng, màu đỏ, nhưng cuối cùng phát triển thành một số vết sưng. Phát ban có thể hơi ngứa. Khi phát ban bắt đầu xuất hiện, sốt thường tăng cao hơn, đôi khi lên đến 40,5°C. Có thể có buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và sưng to nhiều hạch bạch huyết. Vào thời điểm này, bệnh nhân thường ho dai dẳng và bệnh nhân thấy rất khó chịu. Phát ban thường kéo dài khoảng năm ngày. Khi mất dần, nó chuyển sang màu nâu và cuối cùng vùng da bị ảnh hưởng trở nên khô và bong tróc. Nhiều bệnh nhân (khoảng 5-15%) phát triển các bệnh khác. Các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, chẳng hạn như nhiễm trùng tai, nhiễm trùng xoang và viêm phổi rất phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em. Các bệnh nhiễm virus khác cũng có thể tấn công bệnh nhân, bao gồm viêm phế quản, viêm thanh quản hoặc viêm phổi do virus. Viêm gan, ruột thừa, ruột hoặc các hạch bạch huyết trong ổ bụng có thể gây ra các biến chứng khác. Hiếm khi có thể xảy ra viêm tim hoặc thận, giảm số lượng tiểu cầu (gây chảy máu khó kiểm soát) hoặc tái phát nhiễm trùng lao cũ.

Một biến chứng cực kỳ nghiêm trọng của bệnh sởi là viêm não, tình trạng này có thể xảy ra đến vài tuần sau khi các triệu chứng cơ bản của bệnh sởi đã hết. Các triệu chứng bao gồm sốt, nhức đầu, buồn ngủ, co giật và hôn mê. Các di chứng lâu dài sau khi hồi phục viêm não do sởi có thể bao gồm co giật và chậm phát triển trí tuệ. Một biến chứng rất hiếm của bệnh sởi có thể xảy ra đến 10 năm sau lần nhiễm bệnh đầu tiên. Được gọi là viêm não xơ cứng bán cấp, đây là tình trạng sưng tấy âm ỉ từ từ, tiến triển và phá hủy toàn bộ não. Nó phổ biến nhất ở những người đã bị nhiễm bệnh sởi trước hai tuổi. Các triệu chứng bao gồm thay đổi tính cách, giảm trí thông minh kèm theo các vấn đề tiếp thu ở trường học, giảm khả năng phối hợp, giật và cử động không chủ ý của cơ thể. Sởi khi mang thai là một tình trạng nguy hiểm, dẫn đến nguy cơ sẩy thai hoặc thai chết lưu tăng cao. Ngoài ra, bệnh của người mẹ có thể tiến triển thành viêm phổi.

Chẩn đoán[sửa]

Nhiễm trùng sởi hầu như luôn được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng đặc trưng của bệnh, bao gồm các nốt Koplik và phát ban lan rộng từ các cấu trúc trung tâm của cơ thể ra đến cánh tay và chân cùng với yếu tố dịch tễ tiếp xúc với bệnh nhân sởi. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào đối với chẩn đoán, thì có thể lấy một mẫu dịch cơ thể (chất nhầy, nước tiểu) và kết hợp với kháng thể virus sởi được gắn thẻ huỳnh quang. Các kháng thể được tạo ra bởi các tế bào miễn dịch của cơ thể có thể nhận ra và liên kết với các dấu hiệu (kháng nguyên) ở bên ngoài của các sinh vật cụ thể, trong trường hợp này là virus sởi. Một khi các kháng thể huỳnh quang đã tự gắn vào các kháng nguyên sởi trong mẫu bệnh phẩm, mẫu bệnh phẩm có thể được xem dưới kính hiển vi đặc biệt để xác minh sự hiện diện của vi rut sởi.

Điều trị[sửa]

Nguyên tắc điều trị[sửa]

- Không có điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ

- Người bệnh mắc sởi cần được cách ly.

- Phát hiệnh mắc sởi cần được cách ly.l

Không có phương pháp điều trị sẵn có nào có thể ngăn chặn sự lây nhiễm bệnh sởi. Việc điều trị chủ yếu nhằm mục đích giúp bệnh nhân thoải mái nhất có thể và theo dõi cẩn thận để có thể bắt đầu điều trị kháng sinh kịp thời nếu nhiễm trùng do vi khuẩn xảy ra. Sốt và khó chịu có thể được điều trị bằng Acetaminophen. Không dùng Aspirin điều trị sởi cho trẻ em, vì điều này đã gây ra hội chứng Reye gây tử vong trong quá khứ. Máy xông hơi sương mát có thể giúp giảm ho. Bệnh nhân nên được cho uống nhiều nước để tránh bị mất nước do sốt. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em bị viêm não do sởi tiến triển tốt nếu điều trị với lượng vitamin A tương đối lớn.

Điều trị thay thế[sửa]

Tăng cường miễn dịch thực vật (ví dụ như Echinacea) có thể hỗ trợ cơ thể chống lại sự lây nhiễm vi-rút này. Hỗ trợ vi lượng đồng căn cũng có thể có hiệu quả trong suốt quá trình của bệnh.

Tiên lượng[sửa]

Tiên lượng cho một trẻ khỏe mạnh, bình thường mắc bệnh sởi thường khá tốt. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 15 - 25%. Thanh thiếu niên và người lớn thường điều trị khó khăn hơn. Phụ nữ mắc bệnh khi mang thai có thể sinh con bị khiếm thính. Mặc dù chỉ có 1 trong 1.000 bệnh nhân mắc bệnh sởi sẽ bị viêm não, nhưng 10 - 15% trong số đó sẽ tử vong và khoảng 25% khác sẽ bị tổn thương não vĩnh viễn.

Phòng bệnh[sửa]

Sởi là một bệnh nhiễm trùng có khả năng phòng ngừa cao. Thực hiện tiêm chủng 2 mũi vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia. Vacxin sởi: vacxin sống, giảm độc lực dùng cho trẻ 6 – 9 tháng tuổi trở lên, có tác dụng bảo vệ cao.

Gramma globulin 40mg/kg dùng phòng bệnh khẩn cấp cho trẻ suy dinh dưỡng, hoặc trẻ đang bị một bệnh khác… mà có tiếp xúc với trẻ bị sởi.

Tuy nhiên, không nên tiêm vắc xin sởi cho phụ nữ có thai, mặc dù mắc bệnh sởi trong thai kỳ là rất nghiêm trọng. Lý do không tiêm vắc xin đặc biệt này trong khi mang thai là có nguy cơ truyền bệnh sởi cho thai nhi.

Vắc xin kết hợp cho bệnh sởi, quai bị và rubella (MMR) được cho là gây ra chứng tự kỷ hoặc rối loạn ruột ở một số trẻ em. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng không có giá trị khoa học nào cho những tuyên bố này.

Bên cạnh đó, cách ly người bệnh và phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện cũng đóng vai trò quan trọng trong dự phòng bệnh sởi. Phát hiện sớm và thực hiện cách ly đối với các đối tượng nghi sởi hoặc mắc sởi.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi, Hà Nội, 2014.
  2. Bùi Đại. Bệnh học truyền nhiễm, Nhà xuất bản y học, Hà Nội, 2005.
  3. Lê Đăng Hà. Bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới. Nhà xuất bản y học, Hà Nội, 2006.
  4. McBrien, J., J. Murphy, D. Gill, et al. “Measles Outbreak in Dublin, 2000.” Pediatric Infectious Disecis‹• Jotii ttnl 22 (July 2003): 580-554.
  5. “WHO: Vaccine Fears Could Lead to Unnecessary Deaths.”Mfico/ Le//ei’ on ID C. & FDA March 17, 2002: 11.
  6. Beers, Mark H., Robert S. Porter, and Thomas V. Jones, et al. The Merc’ Manual of Diagnosis and Therapy. 8th ed. Whitehouse Station, NJ: Merck Research Laboratories, 2006.
  7. Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tình hình bệnh sởi trong thời gian gần đây, http://www.tiemchungmorong.vn/vi/content/tinh-hinh-benh-soi-trong-thoi-gian-gan-day-cap-nhat-2022019.html, truy cập 10/12/2020.